5G và Trung Quốc: Không chỉ dừng lại ở xem phim nhanh hơn, chơi game mượt hơn

5G không chỉ đem lại lợi ích cho người dùng di động mà còn cả nền kinh tế số của Trung Quốc.

Công viên 5G trong trụ sở Huawei tại Thâm Quyến. Ảnh: Bloomberg

Khi nhà mạng Trung Quốc bắt đầu triển khai 5G trong năm nay, nhiều người dùng sớm được sử dụng mạng di động tốc độ siêu cao. Tuy nhiên, đây không phải đối tượng duy nhất hưởng lợi ích từ 5G mà đó là cả nền kinh tế số, bao gồm nhà sản xuất thiết bị viễn thông, nền tảng, ứng dụng cho IoT, xe hơi tự lái, giám sát, tự động hóa nhà máy.

1. Điều gì đang diễn ra?

Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến sẽ được phủ sóng 5G trên diện rộng, trong khi các thành phố nhỏ hơn bắt đầu bằng hotspot 5G. Ba nhà mạng quốc doanh dự định chi tổng cộng 302 tỷ nhân dân tệ (43 tỷ USD) riêng năm 2019 cho 5G, bao gồm 130.000 trạm gốc. Lợi ích ban đầu của người dùng là tải video và game nhanh hơn, nhiều ứng dụng thực tế ảo hơn và cải thiện hiệu quả hội nghị video trên di động.

2. Có bao nhiêu người đăng ký?

Tính đến giữa tháng 10/2019, khoảng 10 triệu người đã đăng ký sử dụng 5G. Theo Hiệp hội GSM, ước tính đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có khoảng 460 triệu thuê bao 5G. Hãng nghiên cứu CCS Insight dự đoán toàn thế giới có 1 tỷ người dùng 5G vào năm 2023, hơn một nửa tới từ Trung Quốc.

3. Trung Quốc có thiết lập tiêu chuẩn 5G?

Bản thân Trung Quốc không thể đưa ra tiêu chuẩn về 5G nhưng đang có vai trò lớn hơn bao giờ hết. Chính phủ cùng các công ty như Huawei, China Mobile, Lenovo đều tham gia sâu vào quá trình thiết lập tiêu chuẩn 5G. Điều đó ngược với 4G và 3G, khi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản mới có tiếng nói mạnh mẽ.

4. Công ty được lợi từ 5G

Chương trình 5G của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2013, đã tạo ra nhiều người lãnh đạo như Huawei, ZTE và một số hãng khác. Họ sở hữu nhiều bằng sáng chế quan trọng, định hình chuẩn 5G. Họ sẽ nhận được phí bản quyền từ các nhà sản xuất thiết bị 5G, từ đó đổ thêm tiền vào nghiên cứu và phát triển.

5. 5G ảnh hưởng đến doanh số như thế nào?

Triển khai mạng 5G thương mại cho phép Trung Quốc tận dụng lợi thế của người đi đầu, giúp bán được nhiều linh kiện ra nước ngoài hơn nhờ giá rẻ. Điều này đặc biệt quan trọng khi Mỹ đang kêu gọi các nước khác tẩy chay thiết bị Huawei vì đe dọa nguy cơ an ninh quốc gia.

Bất chấp áp lực từ Mỹ, hồi tháng 7/2019, Huawei cho biết đã ký hơn 60 hợp đồng thương mại cung ứng mạng 5G trên toàn cầu, ít nhất 28 đến từ châu Âu.

6. Chỉ công ty Trung Quốc được lợi?

Một số công ty nước ngoài cũng có phần trong cuộc chơi 5G. Nhà sản xuất thiết bị Ericsson AB nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường 5G quan trọng khi đưa ra triển vọng doanh số năm 2020. Đối thủ Nokia Oyj cũng giành được hợp đồng cung cấp thiết bị 5G tại Trung Quốc.

7. Thách thức

Tốc độ và độ ổn định của 5G đòi hỏi nhiều trạm gốc hơn, đẩy chi phí lên cao hơn. Hãng môi giới Guotai Junan ước tính cần tới 5,5 triệu trạm gốc cho 5G. Trung Quốc đã có 3,7 triệu trạm gốc 4G trong năm 2018. Trong khi đó, China Mobile, China Unicom, China Telecom đều báo cáo tăng trưởng lợi nhuận giảm dù kết quả kinh doanh vẫn mạnh. Dù chi phí tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các thị trường khác, họ vẫn đang nỗ lực kiểm soát chi tiêu cho 5G do công nghệ này chưa thể đem lại doanh thu cao ngay lập tức.

8. Các nước khác thì sao?

Hàn Quốc là nước đầu tiên triển khai 5G thương mại trên thế giới từ tháng 4/2019. Dự kiến, cuối năm nay, nước này có 5 triệu thuê bao 5G. Các nhà mạng tại Anh, Mỹ, Nhật Bản và Úc đều cung cấp dịch vụ giới hạn cho công chúng trước khi triển khai trên quy mô lớn hơn vào năm 2020. Tốc độ triển khai có thể chậm hơn Trung Quốc, nơi các nhà mạng quốc doanh được yêu cầu phải tăng tốc giới thiệu 5G.

9. Tác động lớn hơn

Trung Quốc đang muốn chuyển mình từ một nước sản xuất sản phẩm bằng sáng chế của người khác sang phát triển thiết bị mới dựa trên công nghệ của mình. Nhờ vào mở rộng năng lực thu thập, phân tích lượng dữ liệu khổng lồ từ người dùng, bao gồm giá trị tín dụng, thói quen mua sắm, tham gia giao thông…, 5G sẽ mang lại lợi ích cho các công ty địa phương đang sản xuất thiết bị dùng cho xe hơi tự lái, robot, giám sát từ xa, thực tế ảo. Học viện Công nghệ thông tin và truyền thông Trung Quốc ước tính thị trường 5G có thể đóng góp 1,1 nghìn tỷ nhân dân tệ hay 3,2% tăng trưởng kinh tế của đại lục trong năm 2025, tạo ra 8 triệu việc làm vào năm 2030.

10. 5G có chắc chắn thành công?

Các chuyên gia đặt câu hỏi về 5G có đủ hấp dẫn đối với người dùng nói chung hay không? Ngoài điện thoại tương thích 5G, bản thân dịch vụ cũng tương đối đắt đỏ. Tại Trung Quốc, gói cước 4G vào khoảng 19 tệ/tháng, trong khi gói cước 5G của China Unicom thấp nhất 190 tệ/tháng. China Telecom dự định thu 199 đến 599 tệ/tháng.

11. Điều gì xảy ra tiếp theo?

Trung Quốc được dự đoán là một trong các nước đầu tiên và lớn nhất giới thiệu mạng 5G độc lập từ năm 2020. Hiện tại, mạng 5G được giới thiệu đều là mạng 5G không độc lập, dựa trên cơ sở hạ tầng 4G có sẵn. Mạng độc lập về lý thuyết sẽ loại bỏ độ trễ trong truyền dữ liệu, kích hoạt các chức năng như phẫu thuật từ xa, yêu cầu độ chính xác đặc biệt.

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/vien-thong/5g-va-trung-quoc-khong-chi-dung-lai-o-xem-phim-nhanh-hon-choi-game-muot-hon-191982.ict