6 dấu hiệu bất thường ở bàn chân cảnh báo thận suy hỏng

Bệnh thận là một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thường bị bỏ qua cho đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng. Tuy nhiên, bệnh thận hoàn toàn có thể phát hiện sớm dựa vào các dấu hiệu bất thường ở chân.

Thận là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể. Thận không chỉ có chức năng lọc máu và loại bỏ độc tố, mà còn điều chỉnh áp suất máu, duy trì sự cân bằng chất lỏng và điện giải, sản xuất hormone điều hòa sản xuất hồng cầu và quản lý hấp thu canxi.

Khi chức năng của thận bị suy giảm, sự vận hành của nhiều cơ quan khác trong cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bệnh thận nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim mạch, suy thận mạn tính. Bệnh nhân suy thận có thể phải chạy thận nhân tạo cả đời hoặc phải ghép thận để duy trì sự sống. Do đó, điều quan trọng là phải phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh thận để có cách can thiệp kịp thời.

Theo Times Now, một trong những cách để phát hiện sớm bệnh thận là thông qua việc quan sát những thay đổi bất thường ở bàn chân.

Phù nề

Phù nề hoặc sưng tấy là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh thận xuất hiện sớm nhất và phổ biến nhất. Vị trí phù thường gặp là bàn chân, mắt cá chân.

Tình trạng phù xuất hiện khi chức năng thận suy yếu, không thể loại bỏ hiệu quả lượng natri và chất lỏng dư thừa trong cơ thể, dẫn đến tình trạng giữ nước. Ngoài chân, bệnh nhân cũng có thể bị sưng, phù ở các vùng khác như bọng mắt và mặt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thay đổi màu da

Bệnh thận mạn tính có thể dẫn đến những thay đổi khác nhau ở da, ví dụ như da có màu bất thường. Bệnh nhân có thể thấy da bị sẫm màu hơn, chuyển màu đồng hoặc hơi vàng do tích tụ các chất thải trong máu. Ngoài thay đổi về màu sắc, da có thể trở nên khô hơn, ngứa hoặc bong tróc. Các dấu hiệu này đặc biệt rõ rệt ở bàn chân.

Ngoài ra, da cũng có thể trở nên khô và ngứa, với các biểu hiện thường rõ ràng nhất ở bàn chân.

Ngứa

Ngứa là triệu chứng có thể liên quan đến các tổn thương ở thận. Ngứa thường lan rộng nhưng có thể đặc biệt thấy ở các chi dưới, bao gồm cả bàn chân. Theo các chuyên gia từ National Kidney Foundation, sự tích tụ chất độc trong máu là nguyên nhân chính gây ra cảm giác ngứa.

Tê bì chân

Bệnh thận có thể dẫn đến tổn thương thần kinh và gây ra các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên, bao gồm cảm giác tê bì, nóng rát hoặc đau nhức ở bàn chân và cẳng chân.

Nghiên cứu từ American Journal of Kidney Diseases cho biết, đây là hậu quả của việc thận không thể lọc các độc tố ra khỏi máu, dẫn đến tổn thương dây thần kinh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đau nhức

Trong giai đoạn tiến triển của bệnh thận, một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể xảy ra đó là vôi hóa. Khi thận bị vôi hóa, bệnh nhân có thể xuất hiện các vết thương khó lành trên da và gây đau, thường ở bàn chân và cẳng chân.

Thay đổi trên móng chân

Sự thay đổi về hình dạng, kết cấu của móng chân cũng là một dấu hiệu cảnh báo bệnh thận. Theo các nghiên cứu, móng chân có thể trở nên dày hơn, giòn hơn và đổi màu, là kết quả của sự thiếu hụt dinh dưỡng và rối loạn hấp thụ do suy thận.

Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này hoặc các dấu hiệu khác của bệnh thận, điều cần thiết là phải đến cơ sở y tế sớm. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là chìa khóa để kiểm soát bệnh thận và duy trì một cuộc sống khỏe mạnh.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/6-dau-hieu-ban-chan-canh-bao-benh-than-d198827.html