6 kỹ năng thoát nạn khi cháy, nổ xảy ra tại trường học

Trường học là môi trường cần bảo đảm nghiêm ngặt về vấn đề phòng cháy, chữa cháy. Bởi, với số lượng học sinh lớn, lại chưa có khả năng tự vệ trước sự cố cháy, nổ nên chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Do đó, trang bị những kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra sẽ giúp các em bình tĩnh và biết cách xử lý tình huống một cách an toàn nhất.

Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an Thành phố Hà Nội hướng dẫn 6 kỹ năng thoát nạn mà học sinh phải “nằm lòng” khi cháy, nổ xảy ra tại các trường học:

Kỹ năng 1: Khi xảy ra sự cố về cháy, nổ ở trường học các em phải bình tĩnh làm theo sự chỉ dẫn của các thầy cô giáo.

Kỹ năng 2: Để tránh bị ngạt khói, các em di chuyển ra ngoài bằng cách bò sát mặt đất, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi. Hãy khoác thêm một chiếc áo được nhúng nước nếu có thể (Vì không những lửa mà khói và hơi khí độc cũng có thể dẫn đến tử vong). Trong khi bò nên bò theo men bờ tường để tìm lối thoát nạn một cách nhanh nhất. Không được trốn dưới gầm bàn ghế, trốn trong phòng vệ sinh.

Học sinh trường PTQT Newton được tập huấn kỹ năng thoát hiểm - một kĩ năng rất cần thiết cho mỗi cá nhân khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Học sinh trường PTQT Newton được tập huấn kỹ năng thoát hiểm - một kĩ năng rất cần thiết cho mỗi cá nhân khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Kỹ năng 3: Trong trường hợp quần áo bị bén lửa các em phải dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại hoặc lăn tròn để làm tắt ngọn lửa.

Kỹ năng 4: Nếu mở cửa phải kiểm tra nhiệt độ của cửa trước khi mở. Khi mở cửa nên tránh sang một bên để đề phòng lửa tạt.

Kỹ năng 5: Khi thoát ra ngoài phòng, các em hãy bình tĩnh di chuyển thoát nạn theo đường cầu thang bộ. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy trong quá trình thoát nạn. Đối với các trường học mà có thang máy thì các em tuyệt đối không được sử dụng để thoát nạn.

Kỹ năng 6: Trong trường hợp ngọn lửa bùng phát, khói, khí độc bao trùm cả hành lang và không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa. Sau đó các em di chuyển ra ngoài ban công, cửa sổ và gọi to hoặc dùng khăn, áo, mũ để ra hiệu cầu cứu để các lực lượng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hướng dẫn.

Tuyệt đối không được nhảy xuống dưới, trừ khi có đệm không khí, đệm hơi, lưới ở dưới và được các chú cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hướng dẫn.

P.T

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/6-ky-nang-thoat-nan-khi-chay-no-xay-ra-tai-truong-hoc-90153.html