6 lợi ích khi bấm huyệt bàn chân và cách thực hiện

Bấm huyệt bàn chân có thể giúp đẩy cơ thể được thư giãn và giảm căng thẳng cùng nhiều lợi ích khác như giảm đau và tốt cho hệ tiêu hóa.

Bấm huyệt bàn chân là phương pháp y học cổ truyền giúp chăm sóc và hỗ trợ điều trị một số tình trạng sức khỏe. Mặc dù không có nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn nào chứng minh lợi ích sức khỏe của bấm huyệt, nhưng một số nghiên cứu nhỏ hơn cho thấy phương pháp này có thể giúp giảm lo lắng, giảm mệt mỏi và hạ huyết áp.

1. Tìm hiểu về phương pháp bấm huyệt bàn chân

Bấm huyệt là một hình thức trị liệu xoa bóp tập trung vào các điểm huyệt ở bàn chân. Các huyệt đạo này được kết nối trực tiếp với các khu vực khác của cơ thể, bao gồm cả các cơ quan. Theo một số quan điểm, bấm huyệt bàn chân có thể giúp phá vỡ các tinh thể axit lactic ngăn chặn dòng năng lượng, từ đó giúp cải thiện tình trạng sức khỏe.

Trên bàn chân có 6 huyệt đạo quan trọng, bao gồm:

- Huyệt dũng tuyền: nằm ở điểm trũng gang bàn chân 1/3 về phía trước, có khả năng cường thận, giải độc thận cũng như điều hòa cơ thể.

- Huyệt bát phong: gồm 8 huyệt ở các kẽ và các đốt ngón chân của 2 bàn chân. Huyệt này có tác dụng điều trị các chứng bệnh về thấp khớp, viêm đốt ngón chân, cước chân.

- Huyệt thương khâu: gần dưới hõm mắt cá chân ở phía trong. Bấm huyệt này có thể giúp khí huyết lưu thông, điều trị các chứng đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón…

- Huyệt thái xung: vị trí huyệt này nằm ở mu bàn chân chiếu từ khe ngón chân cái và ngón áp cái kéo lên hai thốn. Massage huyệt này giúp điều hòa cơ thể; hạ huyết áp; chữa các tình trạng như mất ngủ, rối loạn kinh nguyệt, ù tai, hen xuyễn, phế quản, đau khớp cổ chân, tiểu bí.

- Huyệt nội đình: vị trí của huyệt này nối thân với đầu sau xương đốt 1 của ngón chân thứ 2, giữa kẽ ngón chân thứ 2 và thứ 3. Bấm huyệt nội đình có tác dụng cải thiện tình trạng đầy bụng khó tiêu, hỗ trợ điều trị liệt dây thần kinh ngoại biên số VII, chảy máu cam hoặc sốt cao.

- Huyệt giải khê: là điểm chính giữa nếp gấp cổ chân, phần lõm giữa gân cơ duỗi ngón chân và gân cơ duỗi dài ngón cái. Tác động lên huyệt giải khê sẽ tốt cho người bệnh bị xương khớp, tê liệt chân tay, thần kinh tọa.

Bấm huyệt là một hình thức trị liệu xoa bóp tập trung vào các điểm huyệt ở bàn chân (Ảnh: Internet)

2. 6 lợi ích nổi bật của bấm huyệt bàn chân

Bấm huyệt bàn chân đem lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, trong đó 6 lợi ích nổi bật và được cảm nhận rõ rệt nhất:

- Giúp thư giãn cơ thể

Căng thẳng là một yếu tố nguy cơ liên quan đến nhiều bệnh tật. Một trong những lợi ích chính liên quan đến bấm huyệt là thư giãn và kiểm soát căng thẳng. Bấm huyệt giúp tăng lưu lượng máu đi khắp cơ thể, từ đó giúp giảm căng thẳng, lo lắng và hạ huyết áp.

- Kiểm soát cơn đau

Bấm huyệt bàn chân cũng có thể giúp kiểm soát cơn đau cấp tính và mãn tính. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của bấm huyệt trong kiểm soát cơn đau, chẳng hạn như giảm đáng kể cơn đau sau phẫu thuật ghép thận (theo nghiên cứu vào năm 2020), giảm cơn đau và lo lắng ở trẻ bị đau mãn tính (theo nghiên cứu được thực hiện năm 2019).

- Tốt cho tiêu hóa

Bấm huyệt bàn chân tốt cho hệ tiêu hóa là vì một trong những huyệt đạo ở bàn chân có liên quan đến dạ dày của bạn. Khi huyệt này được kích thích, nó sẽ làm tăng lưu lượng máu đến dạ dày và giúp cải thiện quá trình tiêu hóa.

- Giảm mỏi mắt

Bấm huyệt có thể giúp giảm một số căng thẳng mà chúng ta gây ra cho mắt từ các hoạt động hàng ngày. Những huyệt ở chân có thể giúp thư giãn mắt khi nhìn vào màn hình cả ngày.

- Cải thiện giấc ngủ

Như đã đề cập trước đó, bấm huyệt bàn chân giúp tinh thần thư giãn và thoải mái, từ đó giúp bạn có giấc ngủ chất lượng hơn. Ngoài ra, vì bấm huyệt giúp di chuyển năng lượng và cải thiện tuần hoàn tổng thể nên sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon và sâu hơn.

- Tốt cho người bị tiểu đường

Theo một số nghiên cứu nhỏ, những người bị tiểu đường được bấm huyết bàn chân trong thời gian dài có sự cải thiện đáng kể và ngăn ngừa loét bàn chân. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu lớn để đưa ra kết luận về tác dụng này của phương pháp bấm huyệt.

Bấm huyệt bàn chân đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe (Ảnh: Internet)

3. Kỹ thuật bấm huyệt bàn chân

Dưới chân có rất nhiều huyệt đạo, để bấm chính xác các huyệt đạo theo tình trạng sức khỏe, mọi người nên đến gặp chuyên gia để được xoa, ấn đúng huyệt đạo.

Tuy nhiên, mọi người cũng có thể tham khảo 12 kỹ thuật bấm huyệt, massage bàn chân đơn giản có thể áp dụng cho chính mình hoặc cho người khác:

- Khởi động xoắn: đặt lòng bàn tay ở hai bên bàn chân, nhẹ nhàng kéo bên phải của bàn chân về phía trước trong khi đẩy bên trái về phía sau. Lặp lại chuyển động vặn chân này, thực hiện thao tác tay từ mắt cá chân đến ngón chân.

Kỹ thuật khởi động xoắn bàn chân (Ảnh: Internet)

- Xoa bóp mặt dưới bàn chân: giữ đầu bàn chân bằng một tay, sau đó dùng các ngón tay của bàn tay kia chà xát chiều dài của lòng bàn chân. Thực hiện động tác này nhiều lần, từ gót chân đến đầu bàn chân.

- Uốn cong ngón chân: giữ gót chân bằng một tay, tay kia uốn cong tất cả các ngón chân. Lặp lại chuyển động này, nhẹ nhàng tăng áp lực và uốn cong các ngón chân theo toàn bộ phạm vi chuyển động của chúng.

- Kéo bàn chân: giữ mỗi bên bàn chân rồi sau đó kéo mỗi bên bàn chân ra ngoài. Lặp lại kỹ thuật này để giúp giãn cơ bàn chân.

- Bóp gót chân: giữ đầu bàn chân bằng một tay rồi giữ phần sau của gót chân bằng tay còn lại. Sau đó, ấn và thả liên tục vào phần gót chân.

- Sử dụng đốt ngón tay hoặc nắm tay xoa bóp lòng bàn chân: giữ mu bàn chân bằng một tay, tay kia tạo thành nắm đấm hoặc sử dụng đốt ngón tay miết vào lòng bàn chân với lực vừa phải. Lặp lại kỹ thuật này, di chuyển từ lòng bàn chân đến gót chân.

Sử dụng đốt ngón tay hoặc nắm tay xoa bóp lòng bàn chân (Ảnh: Internet)

- Sử dụng ngón tay cái để ấn và xoa bóp lòng bàn chân: đặt ngón tay cái dưới lòng bàn chân, các ngón tay khác đặt trên mu bàn chân. Dùng ngón tay cái vuốt xuống từng ngón chân với lực vừa phải, sau đó di chuyển đến mu bàn chân. Lặp lại động tác vuốt xuống ở vòm bàn chân và gót chân.

- Nhấn huyệt đạo trên mu bàn chân: dùng các ngón tay trừ ngón cái để đỡ bàn chân. Tiếp đó dùng ngón tay cái ấn và thả phần trên mu bàn chân, di chuyển từ đầu ngón chân đến gót sau.

- Massage gân gót chân: Sử dụng ngón cái và ngón trỏ nắm gân gót chân và massage nhẹ nhàng về phía gót chân. Thực hiện nhiều lần để thấy dễ chịu.

- Xoay tròn từ cổ chân xuống ngón chân: dùng cả hai tay đỡ bàn chân từ bên dưới, dùng 2 tay xoay tròn từ cổ chân, mắt cá chân, cạnh bàn chân, tiếp tục xoay tròn lên đến ngón chân.

- Massage ngón chân: một tay giữ cố định bàn chân, dùng các ngón tay còn lại kéo, vặn một cách nhẹ nhàng từng ngón chân.

- Động tác kết thúc: Tương tự như động tác khởi động xoắn, giảm áp lực sau mỗi lần xoắn chân và từ từ bỏ tay ra khỏi chân và hoàn thành.

4. Một số lưu ý khi bấm huyệt bàn chân

Mặc dù có lợi cho sức khỏe nhưng một số nhóm người sau không nên thực hiện kỹ thuật thư giãn này:

- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu

- Người bị tiêu chảy hoặc nôn mửa

- Người mắc các bệnh về da ở bàn chân, bàn tay

- Những người bị viêm ở bàn chân hoặc bàn tay

- Người bị sốt hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm

- Những người bị ung thư, rối loạn đông máu hoặc suy tim

Bấm huyệt bàn chân được biết là giúp kích thích năng lượng và lưu lượng máu trong cơ thể. Do đó, có thể gây kích thích quá mức và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe hoặc gây ra các tác dụng phụ bất lợi và không mong muốn đối với nhóm người trên.

Một số tác dụng phụ có thể gặp khi bấm huyệt bàn chân như buồn nôn, mệt mỏi, kích thích cảm xúc, nhu cầu đi tiểu nhiều hơn. Các triệu chứng này chỉ là tạm thời và có thể kéo dài từ một đến hai ngày sau khi bấm huyệt bàn chân.

Nguồn: Tổng hợp

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/6-loi-ich-khi-bam-huyet-ban-chan-va-cach-thuc-hien-20231016154100855.htm