6 món ăn bài thuốc chữa bệnh từ quế

Quế là dược liệu quý dùng trong cả Tây và Đông y. Đông y xem quế là một trong bốn vị thuốc quý: Sâm, nhung, quế, phụ. Quế có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể, chống lại cái giá lạnh của thời tiết và hỗ trợ điều trị một số rối loạn chuyển hóa của cơ thể.

1. Tác dụng của quế

Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh, quế là nguồn cung cấp các khoáng chất như kali, canxi, sắt, mangan, kẽm và magiê. Quế chứa vitamin A, acid pantothenic và pyridoxine, chất xơ và chất chống oxy hóa.

Quế giúp giảm chứng khó tiêu, đầy hơi và buồn nôn. Lượng chất xơ trong quế có thể trợ giúp cho những người bị hội chứng ruột kích thích. Những năm gần đây, các nhà khoa học đang quan tâm đến giá trị hữu ích của quế trong việc điều trị các hội chứng chuyển hóa…

Theo y học cổ truyền, quế có vị cay hơi ngọt, tính ấm, vào hai kinh can, thận. Các vị thuốc từ quế quan trọng là nhục quế, quế chi và quế tâm.

Nhục quế vị cay ngọt, tính nhiệt, có tác dụng bổ mệnh môn hỏa, trừ hàn, ôn tỳ, chỉ thống, làm ấm khí huyết. Dùng để hồi dương trong các trường hợp thận dương hư nhược, chân tay lạnh giá, co quắt. Trừ hàn chỉ thống, thông kinh hoạt lạc: Dùng cho người đau bụng dữ dội do hàn nhập lý, tiết tả, nôn mửa.

Nhục quế ấm thận hành thủy: Dùng cho trường hợp dương khí hư nhược, phù thũng, tiểu tiện khó khăn, nhất là phù nặng bàn chân.

Nhục quế có tác dụng ấm thận, trừ hàn.

2. Món ăn bài thuốc có nhục quế

Dưới đây là 6 món ăn bài thuốc dễ làm có nhục quế:

2.1. Cháo thục địa nhục quế:Nhục quế (tán bột mịn) 3g, thục địa 10g, gạo tẻ 60 - 80g. Gạo, thục địa, nhục quế nấu thành cháo loãng. Khi cháo được cho ít lá hẹ và chút muối gia vị. Dùng tốt cho người đái tháo đường, di niệu, u xơ tiền liệt tuyến.

2.2. Cháo nhục quế đậu đỏ:Bột nhục quế 10g, đậu đỏ nhỏ hạt 30g, gạo tẻ 60 - 80g, nấu cháo. Thích hợp cho nam giới u xơ tuyến tiền liệt. Ngày ăn 1 lần, đợt dùng 10 ngày.

2.3. Cháo dâm dương hoắc nhục quế: Dâm dương hoắc 30g, nhục quế 10g, gạo tẻ 50 - 80g. Dược liệu sắc lấy nước, nấu với gạo thành cháo, cho ăn vào buổi sáng và chiều tối khi đói. Dùng tốt cho người suy tuyến giáp.

Thục địa kết hợp với nhục quế và gạo tẻ tốt cho người đái tháo đường.

2.4. Cháo nhục quế hạt hẹ:Nhục quế (đập giập) 2g, hạt hẹ 10g, gạo tẻ 60g nấu cháo. Khi ăn cho thêm đường. Ngày nấu 1 lần, chia ăn sáng và tối. Ăn khi cháo còn ấm. Đợt dùng 5 - 7 ngày. Dùng cho phụ nữ bế kinh do hàn thấp, kinh bụng đau, người thể hư nhược.

2.5. Bò kho cam thảo nhục quế:Thịt bò 500g, cam thảo 10g, nhục quế 12g, thảo quả 1 quả. Thịt bò thái thành lát mỏng bỏ trong nồi nước đang sôi, cho muối, gia vị đại hồi, gừng lát và nhục quế, ít đường và ít dầu trộn sa lát, thêm nước canh thịt bò. Đun nhỏ lửa trong 4 - 6 giờ cho đến khi cạn nước là được, bắc ra lấy bỏ bã thuốc, ăn vào các bữa ăn. Dùng tốt cho người suy nhược, thiểu dưỡng gây phù.

2.6. Gan gà hấp nhục quế: Gan gà 1 bộ thái lát, bột nhục quế 1g (rắc trộn vào gan gà), đem hấp chín, thêm chút mắm gia vị. Dùng tốt cho trẻ em di niệu đái dầm.

Kiêng kỵ: Không dùng cho người âm hư hỏa vượng, người có các tổn thương ở yết hầu, xuất huyết, phụ nữ có thai. Không dùng nhục quế với xích thạch chi, hành.

Mai Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-mon-an-bai-thuoc-chua-benh-tu-que-169231218173959225.htm