6 quốc gia cho phép người chuyển giới tự do lựa chọn giới tính

Nhiều người chuyển giới cho rằng việc thay đổi thông tin về giới tính không cần những chẩn đoán về mặt y khoa bởi nó chỉ là vấn đề mang tính cá nhân.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Chính phủ Anh vừa tổ chức một cuộc tham vấn cộng đồng nhằm cải cách Đạo luật công nhận giới tính năm 2004 của mình. Hiện tại, những người có yêu cầu thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân phải cung cấp thông tin cho Hội đồng công nhận giới (Gender Recognition Panel).

Theo đó, đương đơn phải trên 18 tuổi và đã sống theo giới tính lựa chọn của mình trong ít nhất 2 năm. Ngoài ra, họ còn phải được chẩn đoán bị rối loạn bản dạng giới bởi các bác sĩ tâm lý. Trong trường hợp đã kết hôn, đương đơn cần có thêm sự cho phép từ người bạn đời.

Nếu đáp ứng đủ tất cả điều kiện trên, Hội đồng công nhận giới sẽ cấp giấy chứng nhận cho họ.

Minh họa

Tuy nhiên, cộng đồng người chuyển giới tại Anh cho rằng đây là một quy trình dài, phức tạp, tốn kém, quan liêu và có nhiều bất cập. Rất nhiều người đã bị từ chối bởi Hội đồng trong khi lý do đưa ra không hề thuyết phục và không phù hợp với hoàn cảnh của từng cá nhân.

Họ kêu gọi được “tự nhận dạng” chính mình. Hay nói theo cách khác, việc lựa chọn giới tính sẽ không bao gồm các chẩn đoán y khoa và những người trên 16 tuổi đều có thể thực hiện. Thậm chí, nó còn có thể áp dụng cho những bản dạng giới khác với “nam” và “nữ”.

Jake Graf và vợ, Hannah. Cả hai đều là người chuyển giới

“Ngay từ năm 2 tuổi tôi đã biết mình là con trai. Việc bị buộc phải "thu thập bằng chứng" để khẳng định giới tính khiến cho tôi cảm thấy bị xem thường. Chưa hết, chi phí tài chính khá đắt đỏ và nếu thất bại thì cũng chẳng có quy trình kháng cáo nào. Đó là một trải nghiệm khó chịu, căng thẳng và tốn thời gian”, Jake Graf – một người chuyển giới nam và một nhà vận động quyền LGBT cho biết.

Năm 2017, chính phủ Anh đã tiến hành một cuộc khảo sát xoay quanh những vấn đề của cộng đồng LGBT. Kết luận cho thấy pháp luật hiện hành không phục vụ đầy đủ cho người chuyển giới. Thật vậy, chỉ có 12% người chuyển giới tham gia khảo sát (đã bắt đầu hoặc đã hoàn thành quá trình chuyển đổi giới tính) từng đăng ký quy trình công nhận giới từ Hội đồng.

Mới đây, một nhóm các cố vấn pháp luật đến từ nhiều đảng phái của Anh đã khuyên chính phủ nên cho phép người chuyển giới có thể “tự nhận dạng”. Thủ tướng Theresa May - người lãnh đạo đảng Bảo thủ - ủng hộ việc này. Sau đó, một tham vấn đã được đưa ra nhằm lấy ý kiến từ người dân.

Minh họa

Mặc dù vậy, cũng có không ít người phản đối. Họ cho rằng sự thay đổi này sẽ giúp cho những kẻ tấn công tình dục là nam giới dễ dàng thay đổi thông tin về giới tính và tiến vào không gian công cộng của phụ nữ như nhà vệ sinh hay phòng thay đồ.

Trên thế giới, hiện chỉ có 6 quốc gia cho phép người chuyển giới tự do lựa chọn giới tính là:

Ireland: Một người trên 18 tuổi có thể thay đổi giới tính thông qua một “bản tuyên thệ trước pháp luật”. Tính đến cuối năm 2017, đã có 297 người được cấp giấy chứng nhận thừa nhận giới tính theo mong muốn kể từ khi dự luật này được thông qua vào năm 2015.

Malta: Kể từ năm 2015, bất kỳ người nào trên 16 tuổi đều có thể thay đổi giới tính thông qua “bản tuyên thệ trước pháp luật”.

Na Uy: Kể từ năm 2016, bất kỳ người nào trên 16 tuổi đều có thể thay đổi giới tính và tên họ bằng cách gửi một văn bản ngắn tới cơ quan thuế địa phương. Những người từ 6 đến 16 tuổi cũng có thể thực hiện nếu phụ huynh (hoặc 1 trong 2) đồng ý.

Argentina: Luật Nhận dạng giới tính được thông qua vào năm 2012. Cụ thể, bất kỳ ai trên 18 tuổi đều có thể thay đổi tên và giới tính bằng cách gửi một tờ đơn đến Cục Thống kê quốc gia.

Bồ Đào Nha: Luật Nhận dạng giới tính vừa được thông qua vào đầu năm nay. Bất kỳ người nào trên 16 tuổi đều có thể thay đổi giới tính thông qua “bản tuyên thệ trước pháp luật”. Ngoài ra, luật này cũng cấm thực hiện những phẫu thuật không cần thiết lên cơ thể của trẻ em được xác định là lưỡng tính (intersex).

Bỉ: Luật Công nhận giới tính hợp pháp được thông qua vào năm 2017. Bất kỳ ai trên 16 tuổi đều có thể thay đổi giới tính bằng cách gửi đơn cho cơ quan đăng ký dân sự. Quy trình này kéo dài khoảng 3 tháng.

Mai Thảo

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/lgbt-c-131/6-quoc-gia-cho-phep-nguoi-chuyen-gioi-tu-do-lua-chon-gioi-tinh-98926.html