6 sếp phó bị miễn nhiệm, 'giấc mơ' Nông nghiệp của bầu Đức đi về đâu?

Sau cái bắt tay 2 triệu USD với tập đoàn Thaco hồi tháng 8/2018, không chỉ em trai bầu Đức là ông Đoàn Nguyên Thu mà có tới 6 Phó Tổng Giám đốc của HAGL Agrico cũng mất ghế tại doanh nghiệp này.

Dọn đường cho người của Thaco

Công ty Cổ phần (CTCP) Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán: HNG) mới đây đã thông qua việc miễn nhiệm 6 Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng. Đây là đợt “thay máu” ban lãnh đạo lớn nhất của doanh nghiệp này trong nhiều năm qua.

Cụ thể, 2 Phó Tổng Giám đốc gồm ông Trịnh Xuân Nhân và ông Lê Đình Vũ bị chấm dứt hợp đồng lao động, 4 sếp phó khác gồm ông Hoàng Đình Quý, ông Phan Thanh Thủ, ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Nguyễn Thị Thanh Thảo bị miễn nhiệm để phân công lại công việc.

Đồng thời, HAGL Agrico cũng miễn nhiệm chức danh Kế toán trưởng của bà Hồ Thị Tuyết Lan.

Tuy vậy, Nghị quyết của HĐQT HAGL Agrico lần này không công bố nhiệm vụ mới của các cá nhân trên.

Doanh nghiệp của bầu Đức đã thống nhất bổ nhiệm ông Trần Bảo Sơn giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc công ty, phụ trách cơ giới hóa; ông Phạm Xuân Hòa sẽ giữ chức vụ Kế toán trưởng. Được biết, hai thành viên mới này là đại diện đến từ Ô tô Trường Hải (Thaco, THA).

Các quyết định nêu trên có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019.

Trước đó, cuối tháng 8/2018, ĐHĐCĐ HAGL Agrico cũng đã thông qua việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Đoàn Nguyên Thu (em trai Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức), ông Nguyễn Ngọc Ánh và Thành viên ban Kiểm soát đối với bà Nguyễn Thị Hải Yến.

Thay vào đó, doanh nghiệp này có 3 lãnh đạo mới đều là sếp của Thaco gồm: ông Nguyễn Hùng Minh và ông Trần Bảo Sơn làm Thành viên HĐQT và ông Đặng Công Trực làm thành viên ban Kiểm soát.

Trong đó, ông Nguyễn Hùng Minh bắt đầu làm việc tại Thaco từ năm 1997, hiện đang là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Thaco. Ông Trần Bảo Sơn cũng tham gia Thaco từ năm 1997, hiện giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Thaco. Còn ông Đặng Công Trực đang nắm chức vụ Thành viên ban Kiểm soát Thaco.

Như vậy, sau cái bắt tay hồi tháng 8, đến nay Thaco dần đưa người vào nắm giữ các vị trí chủ chốt của HAGL Agrico, bao gồm Thành viên HĐQT, ban Kiểm soát, Kiểm toán và Phó Tổng Giám đốc.

Hiện, ông Đoàn Nguyên Đức vẫn nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của HAGL Agrico. Tuy nhiên, với sự thay thế ồ ạt các chức danh quản lý thời gian gần đây, có thể thấy, quyền lực của ông bầu này đang dần thay đổi.

Giấc mơ Nông nghiệp về đâu?

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tiền thân là CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai thành lập vào năm 2010 khi công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai thực hiện chương trình tái cấu trúc tập đoàn.

HAGL Agrico là trụ cột kinh doanh trong tập đoàn HAGL của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức –HĐQT (thường được gọi là bầu Đức) khi mảng nông nghiệp luôn được đầu tư, đóng góp tỷ trọng lớn về doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này.

Bầu Đức là người ôm ấp giấc mơ nâng tầm Nông nghiệp Việt.

Bầu Đức là người ôm ấp giấc mơ nâng tầm Nông nghiệp Việt.

Cần thiết phải nói rằng bầu Đức là người ôm “giấc mơ Nông nghiệp” từ lâu. Song đó là một giấc mơ đã khiến ông lận đận suốt 10 năm nay, bắt đầu là cao su, bò sữa, rồi mía, chuối, chanh dây…

Còn nhớ 10 năm trước, người đứng đầu HAG đưa cổ phiếu doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 22/12/2008, đồng thời, ông cũng trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam thời điểm đó – thời điểm mà giá bán cao su thế giới đạt đỉnh 5.000 USD/tấn.

Thời điểm đó, bầu Đức rót vốn vào cao su bằng nguồn tiền vay từ nhiều ngân hàng. Nhưng sau động thái ấy, giá cao su liên tục lao dốc, nằm ngoài kịch bản giá 2.500-3.000 USD/tấn mà “bầu” Đức dự đoán, khiến 25.000 ha cao su ở Lào rơi vào tình cảnh “vỡ trận”.

Ngoài cao su, bầu Đức cũng từng thất bại trong lĩnh vực mía đường và đã bán mảng mía đường cho công ty Thành Thành Công của cha con đại gia ngân hàng Đặng Văn Thành – Đặng Huỳnh Ức My.

Mảng chăn nuôi bò bị ông bầu phố núi này thu hẹp phạm vi phát triển từ 3 năm nay, chủ yếu vì thiếu tiền nên chỉ nuôi số lượng nhỏ để lấy phân bón.

Tiếp đó, bầu Đức cố gắng tìm những hướng đi khác cho Nông nghiệp, bao gồm trồng thanh long, chanh dây, ớt, chuối..., nhưng hiệu quả đến nay vẫn chưa rõ ràng. Chỉ biết rằng vài năm trở lại đây, doanh nghiệp của ông chìm sâu trong các khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của HAG 9 tháng đầu năm 2018 ghi nhận doanh thu tăng 18% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 54% so với cùng kỳ 2017, chủ yếu vì gánh nặng nợ vay khoảng 23.000 tỷ đồng và được tiên đoán sẽ "chết trên đống tài sản” nếu không nhanh chóng cải thiện được thanh khoản.

Trong lúc HAG đang trong cảnh “giật gấu vá vai”, thương vụ hợp tác trị giá 2.200 tỷ đồng với tập đoàn Ô tô Trường Hả (Thaco) của tỷ phú USD Trần Bá Dương được coi như chiếc “phao cứu sinh” cho công ty của bầu Đức.

Thương vụ hợp tác này được ca ngợi là “cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối” giữa một Thaco với tiềm lực kinh tế mạnh và một Hoàng Anh Gia Lai có giấc mơ nâng tầm nông nghiệp Việt Nam.

Sau cú bắt tay nghìn tỷ này, Thaco cam kết “bơm” 2.200 tỷ đồng “tiền tươi”, thông qua hình thức đầu tư vào trái phiếu chuyển đổi của HNG, giúp HNG cơ cấu nợ để tập trung vào phát triển mảng nông nghiệp.

Và sau hợp tác chỉ vài ngày, người ta thấy bầu Đức mạnh tay chi thêm 1.137 tỷ đồng để tăng diện tích trồng chuối và ớt.

Sự chuyển dịch nguồn vốn vào Nông nghiệp của HNG vẫn đang diễn ra và tương lai chưa biết Thaco có thể kéo doanh nghiệp của “bầu” Đức ra khỏi “vũng lầy” nợ nần hàng chục ngàn tỷ đồng hay không.

Chỉ biết rằng, bằng việc gần như bán đứt mảng bất động sản ở Myanmar cho Thaco, “trải thảm đỏ” đưa 2 người từ Thaco vào HĐQT Hoàng Anh Gia Lai và mới đây là em trai bầu Đức – ông Đoàn Nguyên Thu cùng 6 lãnh đạo chủ chốt lần lượt phải rời ghế điều hành Hoàng Anh Gia Lai, nhiều người bắt đầu lo lắng cho giấc mơ nâng tầm nông nghiệp Việt Nam của ông bầu phố núi không biết sẽ đi về đâu.

Liệu tỷ phú Trần Bá Dương (bên phải) có kéo bầu Đức ra khỏi vũng nợ nần 23.000 tỷ để tiếp tục phát triển mảng Nông nghiệp?

Minh Minh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/6-sep-pho-bi-mien-nhiem-giac-mo-nong-nghiep-cua-bau-duc-di-ve-dau-a417163.html