6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 12.600 ca mắc bệnh tay chân miệng

Tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là ở một số tỉnh phía Nam. Theo đó, có hai nhóm tác nhân gây bệnh TCM thường gặp là Coxsackievirus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có hơn 12.600 trường hợp mắc bệnh TCM; trong đó chỉ tính từ 19/5 - 18/6/2023, cả nước có 5.383 trường hợp mắc bệnh TCM.

Riêng tại TPHCM từ ngày 19/6 đến 25/6, ghi nhận 779 ca TCM, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước đó. Số liệu tại Bệnh viện Nhi Trung ương thống kê, từ đầu năm đến nay tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh TCM đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó, có 20-30% trường hợp là nhiễm chủng virus EV71.

Theo Bộ Y tế, nếu như các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Cụ thể, đã có một số trẻ ở Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An… tử vong do mắc TCM.

Đối tượng dễ mắc tay chân miệng là trẻ em dưới 5 tuổi vì hệ miễn dịch của bé chưa được hoàn thiện (ảnh minh họa)

Trước tình hình dịch TCM diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã sớm có công văn chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh TCM.

Gần đây nhất, Bộ đã thành lập 7 đoàn đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết và TCM tại các tỉnh, thành phố trọng điểm trong tháng 6, 7. Cục Quản lý Dược cũng đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện nhằm phục vụ điều trị cho bệnh nhân TCM.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân không chủ quan trước dịch bệnh. Để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh TCM, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, bảo vệ sức khỏe người dân, yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp với Sở Y tế trên cả nước chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

Tăng cường công tác giám sát bệnh dựa vào sự kiện (EBS) theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, đặc biệt lưu ý phát hiện, quản lý điều trị sớm các trường hợp dương tính với chủng vi rút gây bệnh nặng.

Rà soát, kiện toàn các đội chống dịch cơ động để sẵn sàng tham gia điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch trên địa bàn. Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân nhân, thực hiện 3 sạch “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống. Tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh TCM tại tất cả các tuyến, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.

T.N

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/suc-khoe/6-thang-dau-nam-2023-ca-nuoc-co-hon-12600-truong-hop-mac-benh-tay-chan-mieng_149191.html