6 trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các nghị quyết khác của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh 6 trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp.

Sáng nay (13/5), tại Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024.

Trình bày Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức. Qua đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.

Đồng thời, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, cần tập trung 6 trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới.

Một là, tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nghiên cứu về mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững. Giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Hai là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; bảo đảm hệ thống tài chính, ngân hàng an toàn, lành mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng; chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tăng cường xử lý vi phạm, hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm phát triển thị trường chứng khoán bền vững. Phục hồi và phát triển ổn định thị trường vốn. Phối hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách thuế, phí, lệ phí… hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.

Ba là, khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; huy động và sử dụng hiệu quả khoản vay ODA cho phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và giải pháp thiết thực, hiệu quả đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Bốn là, xây dựng kế hoạch để tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội ban hành, nhất là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…; chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù ở các địa phương và lĩnh vực đã được Quốc hội ban hành nghị quyết.

Năm là, tập trung rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay; quyết liệt thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội...

Sáu là, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong quý I từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/4/2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn 1,81% cùng kỳ năm 2023, đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng. Vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn FDI thực hiện đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%...

Bảo Thương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/6-trong-tam-uu-tien-trong-dieu-hanh-kinh-te-vi-mo.html?source=cat-57