60.000 người "sập bẫy" lừa đảo Liên Kết Việt: "Chúng tôi không hề chậm"!

Trước dư luận Bộ Công thương chậm trễ trong cảnh báo người dân, để 60.000 người trúng bẫy lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, bộ này không hề chậm trễ và đã thực hiện đúng chức năng quyền hạn!

Phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính Công ty Liên Kết Việt 570 triệu đồng 7 tháng trước khi “tập đoàn lừa đảo” này bị “khui” ra ánh sáng, nhưng không một cảnh báo nào từ phía Bộ Công thương được đưa ra ở thời điểm đó...

Phải chăng cơ quan quản lý đã chậm trễ trong việc cảnh báo người dân về hành vi lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt?

Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã bác bỏ quan điểm này. Ông cho rằng, hoạt động kinh doanh đa cấp là hoạt động được pháp luật thừa nhận.

"Trong vụ việc liên quan tới hành vi lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã thực hiện đúng chức năng, quyền hạn theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý bán hàng đa cấp"- ông Hải khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí liên quan tới vụ "tập đoàn lừa đảo" Liên Kết Việt

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trước đây hoạt động kinh doanh đa cấp do các Sở Công thương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Đã có khoảng 100 doanh nghiệp (DN) hoạt động kinh doanh đa cấp được Sở Công thương các địa phương cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công thương về Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) quản lý. Từ con số hơn 100 DN kinh doanh đa cấp thì hiện chỉ còn 65 DN được phép hoạt động, trong số đó khoảng 20% là công ty 100% vốn nước ngoài.

“Kinh doanh đa cấp là hoạt động kinh doanh được pháp luật thừa nhận. Khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), một trong những điều khoản mà các nước yêu cầu Việt Nam phải thực hiện là việc chấp thuận hoạt động kinh doanh này” – Thứ trưởng Hải nói.

Với trường hợp của Công ty Liên Kết Việt, người phát ngôn Bộ Công thương cho hay, Cục Quản lý Cạnh tranh đã cấp lại giấy chứng nhận hoạt động cho công ty này theo Nghị định 42 từ ngày 22/12/2014. Tuy nhiên, đến tháng 7 Cục Quản lý Cạnh tranh đã tiến hành kiểm tra, điều tra hoạt động của đơn vị trên và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 570 triệu đồng. Cụ thể, Công ty Liên Kết Việt đã không thực hiện thủ tục cấp sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng sản phẩm; duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp theo quy định…

“Chúng tôi khẳng định Liên Kết Việt có hành vi lừa đảo chứ không phải thực hiện kinh doanh đa cấp mà gây ra việc này. Đây là tội danh mà C46 đã khởi tố thực hiện theo pháp luật” – Thứ trưởng nhấn mạnh và cho hay, tới đây cơ quan quản lý sẽ rà soát lại những kẽ hở của Nghị định 42 để quản lý hoạt động kinh doanh này chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao ở thời điểm đó sau khi xử phạt số tiền lớn với loạt hoạt động vi phạm của Liên Kết Việt nhưng Cục Quản lý Cạnh tranh không lập tức phát đi cảnh báo đối với người dân?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lập luận, “chỉ sau 7 tháng Liên kết Việt hoạt động, chúng tôi đã phát hiện và có cuộc kiểm tra, điều tra hoạt động của công ty. Còn việc công ty này tiếp tục có hành vi vi phạm, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với Bộ Công an điều tra xử lý. Với chức năng và quyền hạn của mình Bộ Công an sẽ đưa ra kết luận điều tra cuối cùng vụ việc”.

“Không thể nói là chúng tôi đã chậm trễ”- ông Hải nhấn mạnh.

Cũng từ vụ việc “tập đoàn lừa đảo” Liên Kết Việt, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng bày tỏ sự chia sẻ, lo lắng đến quyền lợi của những người đã bị công ty này lừa đảo.

Hiện số người và số tiền bị Liên Kết Việt lừa đảo là bao nhiêu thì phải chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra mới có được con số chính xác.

Lãnh đạo Bộ Công thương khuyến cáo, qua vụ việc này Bộ Công thương cũng mong muốn các cơ quan đơn vị chức năng tại địa phương phải nâng cao hơn nữa vai trò, nhiệm vụ quản lý của mình trong việc phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo các hành vi lừa đảo xảy ra trên địa bàn...

Ngay cả những người khi tham gia vào hoạt động kinh doanh đa cấp cũng phải tìm hiểu rõ hoạt động, đánh giá xem các mặt hàng đa cấp đó đem lại lợi ích gì cho mình, có xâm phạm quyền lợi của mình hay không? Hành vi kinh doanh nào chưa đúng quy định pháp lụat thì đề nghị thông báo cho chính quyền địa phương, hoặc Bộ Công thương để ngăn chặn kịp thời.

Nguyễn Hoài

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-tap-doan-lua-dao-lien-ket-viet-chung-toi-khong-he-cham-post192286.info