60 năm Báo Giải Phóng: Xứng đáng được vinh danh

Báo Giải Phóng ra số đầu vào ngày 20/12/1964. Để tờ báo được phát hành trong vùng giải phóng, vùng tạm chiến và đến tay bạn bè trên thế giới, những người làm báo đã vượt qua bao gian lao, hiểm nguy, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đúng như tên gọi và sứ mệnh của mình.

Báo Giải Phóng đã tạo dấu ấn với lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam.

60 năm trôi qua, càng thấy rõ tờ báo và những người gây dựng, trực tiếp làm Báo Giải Phóng đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước - xứng đáng được vinh danh phong tặng là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời vào ngày 20/12/1960, yêu cầu cấp bách lúc này cần phải có một tờ báo của Mặt trận. Đầu năm 1964, Mặt trận Trung ương đã cử một đoàn cán bộ của Báo Cứu Quốc vào miền Nam làm nòng cốt xây dựng tờ báo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Nhà báo Trần Phong - nguyên Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc được cử từ miền Bắc theo đoàn tàu không số vượt biển vào làm Tổng Biên tập đầu tiên với bút danh Kỳ Phương. Hai nhà báo khác là Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí), Thái Duy (Trần Đình Vân) cũng từ Báo Cứu Quốc vượt Trường Sơn vào căn cứ Tây Ninh để chuẩn bị nhân sự và hậu cần cho việc xuất bản Báo Giải Phóng.

Với tinh thần khẩn trương, bằng mọi giá Báo Giải Phóng đã được xuất bản số đầu tiên vào ngày 20/12/1964 tại Chiến khu C, Tây Ninh đúng dịp kỷ niệm 4 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Những phóng viên Báo Giải Phóng xông pha trên chiến trường (từ phải sang): Nguyễn Hồ, Thái Duy, Kim Toàn, Thế Phiệt.

Hơn 10 năm sau đó, từ 1964 đến 1977, Báo Giải Phóng cùng các cơ quan báo chí cách mạng như Thông tấn xã Giải Phóng, Đài Phát thanh Giải Phóng, Báo Quân Giải Phóng, Văn nghệ Giải Phóng… tạo thành một lực lượng tuyên truyền chủ lực nơi tiền tuyến, phục vụ trực tiếp cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng thời gian này, đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Giải Phóng được bổ sung, tăng cường từ khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Họ là những phóng viên, nhà báo kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm, trong số đó có Thép Mới, Nguyễn Huy Khánh, Bùi Kinh Lăng, Tô Quyên, Tình Đức, Nguyễn Hồ, Kim Toàn, Đinh Phong, Nguyễn Thế Phiệt, Mai Dưỡng, Vũ Tuất Việt, Trần Bé, Mai Trang, Mạnh Tùng…

Nhà báo Nguyễn Huy Khánh (ngồi sau) trên đường tiến về Sài Gòn (29/4/1975).

Để vào được chiến trường miền Nam, các nhà báo ở miền Bắc đã phải mất hàng tháng trời bí mật đi bộ vượt dãy Trường Sơn núi non hiểm trở hoặc đi theo các con tàu không số lênh đênh trên biển qua Đường mòn Hồ Chí Minh giữa bom đạn của địch luôn rình rập, bắn phá.

Nhà báo Kim Toàn (tức Cao Kim) là 1 trong 23 thành viên của Đoàn K94 - mật danh của Đoàn cán bộ báo chí học lớp đặc biệt dành cho các nhà báo chiến trường của Trường Tuyên huấn Trung ương. Năm 1966, ông đã cùng các thành viên K94 vượt Trường Sơn ròng rã 4 tháng liền từ Bắc vào Nam để trở thành phóng viên Báo Giải Phóng. Nhà báo Kim Toàn cùng với các phóng viên Báo Giải Phóng lần lượt chia nhau đi nhiều chiến trường.

Ông đã có mặt tại nhiều địa bàn và mặt trận ác liệt nhất của miền Nam, vừa trực tiếp cầm súng và chiến đấu, vừa tác nghiệp, ghi lại từng khoảnh khắc quan trọng, gửi về Báo Giải Phóng và các báo cách mạng những bài viết nóng bỏng khí thế chiến đấu và chiến thắng của quân, dân ta nơi tiền tuyến.

Nhà báo Hồng Châu, tức Thép Mới (bên phải) và nhà báo Cao Kim (tức Kim Toàn) - hai nhà báo từng hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. (Ảnh chụp sau ngày miền Nam giải phóng).

Một trong những trận chiến ác liệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), nhà báo Kim Toàn nhớ lại tình hình tại Sài Gòn - Gia Định khi ấy diễn biến nhanh và rất phức tạp. Để giành lại quyền kiểm soát những vùng bị quân ta chiếm giữ và cứu vãn tình thế thất bại, Mỹ - ngụy dốc sức phản kích nhằm “đẩy Việt Cộng ra xa thành phố”.

Đó là những ngày tháng cực kỳ gian khổ và máu lửa. Nhà báo Kim Toàn cùng đồng đội lao vào các trận đánh phản kích, quần nhau với địch triền miên cả ngày lẫn đêm ở khắp nội đô, vùng ven Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và vùng phụ cận.

Chính thời gian ấy, vào đầu tháng 3/1968, tại mặt trận cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, Ban Quân y Phân khu 3 gửi “giấy báo tử” về Báo Giải Phóng ở trên rừng, báo tin nhà báo Cao Kim hy sinh trong trận chiến đấu chống càn và được chôn cất tại ấp Nhứt, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cơ quan Báo Giải Phóng đã tổ chức lễ truy điệu và cử nữ phóng viên Kim Oanh làm tiếp nhiệm vụ của Cao Kim.

Theo nhà báo Kim Toàn, việc báo tử nói trên chỉ là sự nhầm lẫn giữa lúc bom rơi đạn lạc, nhưng câu chuyện hy hữu đầy máu và nước mắt này lại trở thành một kỷ niệm sâu sắc đối với ông và các bạn đồng nghiệp thời lửa đạn chiến tranh.

Chiến tranh đã lấy đi sinh mạng của nhiều đồng đội và một phần máu thịt của các nhà báo - chiến sĩ, nhưng không thể khuất phục ý chí kiên cường của những người làm báo cách mạng - phóng viên Báo Giải Phóng... Tờ báo và những con người từng gắn bó một thời đã được nhà báo Kim Toàn kể lại trong 4 cuốn sách: “Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc”; “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch”; “Viết trong lửa đạn”; “Hai lần vượt Trường Sơn”.

Những cuốn sách mang nhiều thông điệp giá trị về cuộc chiến tranh chống xâm lược, giải phóng quê hương. Nhưng tinh thần kiên gan của những nhà báo xung phong ở tuyến lửa đã được nhà báo Kim Toàn mô tả một cách chân thực bi tráng mà hào hùng, bình dị mà lãng mạn về tinh thần chiến đấu quật cường, bất khuất, vượt qua muôn vàn gian khổ trong cuộc kháng chiến vĩ đại của quân và dân ta.

Tiếp nối truyền thống tờ báo của Mặt trận, trong hơn 10 năm, Báo Giải Phóng đã có nhiều thành tích, góp phần làm phong phú và sinh động thêm truyền thống vẻ vang báo chí cách mạng nước ta.

Điều đầu tiên phải ghi nhớ là tờ báo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại, tuyên truyền đường lối và sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế. Chính vì thế Báo Giải Phóng được phát hành trong vùng giải phóng và cả vùng địch kiểm soát; đến tay cả bạn bè trên thế giới.

Cùng với Thông tấn xã Giải Phóng; Đài Phát thanh Giải Phóng, Báo Giải Phóng là một trong ba cơ quan tuyên truyền quan trọng nhất của Trung ương Cục miền Nam.

Báo Giải Phóng cũng như những người cầm bút ở chiến trường phải hoạt động trong hoàn cảnh bom đạn chiến tranh vô cùng ác liệt, nhưng những nhà báo - chiến sĩ kiên gan ấy vẫn bám trụ trận địa đưa tin kịp thời, đầy đủ về những trận thắng quân viễn chinh Mỹ ở Núi Thành, Quảng Nam (26/5/1965), Vạn Tường, Quảng Ngãi (8/1965); mùa khô 1965 - 1966, mùa khô 1966 - 1967 và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968). Điều này không chỉ có ý nghĩa cổ vũ mà còn có giá trị về phương diện chính trị, lịch sử và công tác báo chí.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các nhà báo không chỉ tác nghiệp tin bài mà còn tự thu xếp việc in ấn, chuyển phát báo tới độc giả. Không chỉ xuất bản, phát hành, Báo Giải Phóng còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và đào tạo lực lượng làm báo cho các địa phương, tổ chức nghiên cứu báo chí để tham mưu giúp Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam về những vấn đề đấu tranh với địch trên mặt trận báo chí. Báo Giải Phóng thực sự là vũ khí đấu tranh sắc bén, người bạn tin cậy của đồng bào, chiến sĩ, và là niềm tự hào của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Điều đặc biệt hơn nữa, Báo Giải Phóng không chỉ là cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau chiến thắng Mậu Thân năm 1968, báo còn phản ánh tiếng nói và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Từ ngày 6/6/1969, báo còn là cơ quan của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Giữa lúc chiến tranh ác liệt, đã có thời điểm, Báo Giải Phóng mất nhà in và phải tạm đình bản trong khi bài vở, tin tức của phóng viên từ các mặt trận chuyển về rất nhiều. Không thể để tiếng nói của Mặt trận bị tắt, Ban Biên tập Báo Giải Phóng quyết định ra “báo nói”, nghĩa là tờ báo vẫn được biên tập đầy đủ các trang mục nhưng không in mà phát trên Đài Phát thanh Giải Phóng như điểm báo. Quân và dân ta cũng như bạn bè vui mừng khi thấy Báo Giải Phóng vẫn còn “sống”.

Sau ngày giải phóng, cán bộ Báo Giải Phóng còn xuất bản tờ báo mới mang tên Sài Gòn Giải Phóng. Số đầu tiên ra ngày 5/5/1975, in màu, 8 trang khổ lớn, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân miền Nam vừa được giải phóng. Ngày 27/7/1975, Báo Giải Phóng bàn giao việc xuất bản Báo Sài Gòn Giải Phóng cho Thành ủy Sài Gòn, đồng thời cho ra mắt Báo Giải Phóng bộ mới, tiếp tục phục vụ nhiệm vụ thời hậu chiến của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cùng với Báo Cứu Quốc ở miền Bắc, Báo Giải Phóng ở miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình. Đầu năm 1977, Báo Cứu Quốc, Báo Giải Phóng hợp nhất thành Báo Đại Đoàn Kết.

Báo Giải Phóng ra đời trong chiến tranh và kết thúc nhiệm vụ sau ngày đất nước thống nhất. Nhìn lại hơn một thập kỷ tồn tại của tờ báo, dù ngắn ngủi nhưng vô cùng tự hào về đội ngũ những thế hệ làm Báo Giải Phóng. Họ dấn thân, xông pha vào những chiến trường ác liệt, những điểm nóng với ngọn lửa nhiệt tình luôn bùng cháy trong tim, để hoàn thành sứ mệnh cao cả của người cầm bút - những người chiến sĩ trên mặt trận báo chí.

60 năm đã trôi qua kể từ ngày tờ báo ra số đầu tiên, có những người đã nằm lại chiến trường và cũng đã có những người từ giã cõi đời do tuổi tác, bệnh tật.

Nhiều người trở thành nhà báo có tên tuổi, nhà văn, nhà thơ, nhà điện ảnh nổi tiếng; nhiều người giữ chức vụ cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể; nhiều người là đại biểu Quốc hội; nhiều người là lãnh đạo ở nhiều tờ báo và nhà xuất bản như Tân Đức, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM; Vũ Tuất Việt, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; Đinh Phong, Phó Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Kim Toàn (Cao Kim), Tổng Biên tập Báo Hải Phòng; Nguyễn Hồ, Phó Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM, Giám đốc Hãng phim Truyền hình TPHCM; Dương Hồng Kỳ, Phó Giám đốc Đài truyền hình Cần Thơ; Anh Linh, Tổng Biên tập Báo Công an TPHCM; Nguyễn Anh Vũ (Hai Vũ), Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh An Giang; Đặng Thanh Tâm (Tám Hùng), Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn; Hoài Vũ, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng (tiếng Hoa); Phạm Lê Tấn Phong, Tổng Biên tập Báo Doanh Nghiệp; Nguyễn Minh Hiền, Tổng Biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn; Trần Thanh Phương, Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết; Phương Hà, Trưởng Ban đại diện Báo Đại Đoàn Kết tại TPHCM...

Nhiều phóng viên và biên tập viên cũng đã đảm nhận những trách nhiệm chủ chốt trong công tác báo chí, xuất bản và nhà in. Không có ai gác bút và luôn giữ trong tim ngọn lửa của một người chiến sĩ - nhà báo cách mạng. Đó là một đặc điểm vô cùng quý báu của đội ngũ những người làm Báo Giải Phóng. Trong đó có một người đặc biệt, đó là nhà báo Thái Duy. Ông là phóng viên Báo Cứu Quốc, tham gia gây dựng Báo Giải Phóng và sau khi đất nước thống nhất lại trở về làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết. Suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến, nhà báo Thái Duy chỉ có một chức vụ duy nhất là phóng viên với mục tiêu cầm bút viết vì dân, nói đúng sự thật, tôn trọng sự thật.

Tài năng, tinh thần và khí chất sáng ngời của người làm báo cách mạng Thái Duy đã lan tỏa và là tấm gương cho thế hệ nhà báo hôm nay học tập, noi theo. Cùng với các đồng nghiệp ở Báo Giải Phóng, ông là chứng nhân lịch sử của tờ báo Mặt trận. Và với chúng tôi, những người làm Báo Đại Đoàn Kết, họ thực sự là Anh hùng.

Dù chỉ kéo dài hơn 10 năm nhưng Giải Phóng là một tờ báo Anh hùng với những người làm báo quả cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - niềm tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam - dấu mốc quan trọng trong hành trình 82 năm hình thành và phát triển của tờ báo Mặt trận.

Tờ báo và những người làm Báo Giải Phóng chính là sự hiện hữu cả một chặng đường gian khổ và vinh quang trong cuộc chiến tranh chính nghĩa vì độc lập tự do của dân tộc. Những giá trị về lòng yêu nước, tình đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp hiện lên chân thật hơn bao giờ hết.

Thế nhưng có một điều luôn day dứt là cho đến thời điểm này, tờ báo và những người trực tiếp làm Báo Giải Phóng chưa được vinh danh xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của mình.

Hai trong ba cơ quan tuyên truyền quan trọng nhất của Trung ương Cục miền Nam ngày ấy là Đài Phát thanh Giải Phóng và Thông tấn xã Giải Phóng đều đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - danh hiệu cao quý nhất của Nhà nước tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập.

Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Giải Phóng cũng rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Báo Giải Phóng (20/12/1964-20/12/2024), thiết nghĩ việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Báo Giải Phóng chính là sự tri ân kịp thời những người làm báo đã sống, cống hiến cả tuổi thanh xuân và anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang, vì hòa bình độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển, trường tồn của dân tộc.

Mặt trận sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước để Báo Giải Phóng được vinh danh xứng đáng
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, lịch sử 93 năm của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gắn với 82 năm lịch sử Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết. Mỗi tên gọi của Báo như: Cứu Quốc- Giải Phóng - Đại Đoàn Kết đều tương ứng với mục tiêu, nhiệm vụ của Mặt trận trong từng giai đoạn lịch sử.
Báo Cứu Quốc là cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh; Báo Giải Phóng là cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Báo Đại Đoàn Kết là cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bởi vậy, 82 năm là một dấu mốc quan trọng và là niềm tự hào của không chỉ các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết qua các thời kỳ mà còn là niềm tự hào của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong đó Báo Giải Phóng (1964-1977) đã khẳng định vai trò quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Báo Giải Phóng được phát hành trong vùng giải phóng và cả vùng địch kiểm soát, đến tay cả bạn bè trên thế giới. Cần phải nhấn mạnh rằng, trong thời điểm đó Mặt trận và tờ báo của Mặt trận có vai trò rất quan trọng trong hoạt động đối ngoại, tuyên truyền đường lối và sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế. Với vai trò và sứ mệnh cao cả, cùng với 2 cơ quan tuyên truyền quan trọng của Trung ương Cục Miền Nam là Đài Phát thanh Giải Phóng và Thông tấn xã Giải Phóng, Báo Giải Phóng đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Được sống trong hòa bình hôm nay, chúng ta thực sự tự hào về những đóng góp đáng trân trọng của Báo Giải Phóng- tờ báo trên tuyến lửa của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc; biết ơn những cống hiến, hy sinh to lớn của đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Giải Phóng - những người đã viết báo, làm báo và chiến đấu anh dũng kiên cường trong cuộc kháng chiến chính nghĩa vì độc lập, tự do, vì hòa bình thống nhất để non sông gấm vóc Việt Nam nối liền một dải.
Với trách nhiệm của mình, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước để Báo Giải Phóng được vinh danh xứng đáng với những cống hiến của mình.
LÊ ÁI (ghi)

HOÀNG YẾN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/60-nam-bao-giai-phong-xung-dang-duoc-vinh-danh-10273172.html