60 năm Học viện Ngoại giao Việt Nam: Sứ mệnh đặc biệt của một nhà trường

'Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu chuyên sâu phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước'. Đó là sứ mệnh đặc biệt mà trường ngoại giao đã từng bước xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn trong suốt 60 năm qua.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các giảng viên, sinh viên Học viện Ngoại giao nhân dịp khai giảng năm học 2016-2017.

Có lẽ ít có đơn vị đào tạo nào mà ngay từ khi ấp ủ hình thành đã được kỳ vọng gắn trên vai một sứ mệnh đặc biệt như Học viện Ngoại giao Việt Nam. Trong hành trình 60 năm đó, Học viện Ngoại giao đã luôn đảm nhiệm xuất sắc sứ mệnh của mình, trở thành một trường đại học kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu – tham mưu về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại hàng đầu của đất nước và khu vực.

Những chặng đường phát triển

Năm 1959, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, Trường Ngoại giao (tiền thân của Học viện Ngoại giao ngày nay) đã ra đời. Cũng như hầu hết các trường đại học được mở ra trong bối cảnh đất nước thời kỳ đó, Trường Ngoại giao đã trải qua nhiều bước phát triển với những giai đoạn nhập và tách từ các trường khác. Năm 1960, trường được sáp nhập vào Trường Đại học kinh tế - Tài chính, trở thành khoa Quan hệ Quốc tế Ngoại thương – Ngoại giao; năm 1963 tách ra thành trường Cán bộ Ngoại thương – Ngoại giao; năm 1967 tiếp tục tách ra thành trường Ngoại thương và trường Ngoại giao. Khoa Ngoại giao khi ấy trở thành Trường Ngoại giao có nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu cán bộ ngoại giao. Trường có những giai đoạn tuyển sinh liên tục nhưng cũng có lúc phải tạm ngừng tuyển sinh (1969-1974).

Lớp phiên dịch 1, Trường Đại học Ngoại giao năm 1971.

Trong thư chúc mừng Học viện nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết, Học viện đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đưa Học viện Ngoại giao trở thành một trong những đơn vị đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học, đào tạo về quan hệ quốc tế hàng đầu của Việt Nam, góp phần phục vụ đắc lực sự nghiệp đối ngoại của đất nước”.

Khi chiến tranh nổ ra, có lúc học tại Hà Nội, có lúc phải đi sơ tán, nhưng lòng yêu nước, sự say mê nghiên cứu, học tập để cống hiến cho đất nước và tinh thần vượt khó luôn cháy bỏng trong tim mỗi thành viên của trường Ngoại giao ngày ấy.

“Thời chiến chúng tôi nghiên cứu viết giáo trình rồi dạy học trò ngay tại nơi sơ tán. Có rất nhiều khó khăn nhưng không ai nản chí”. Cố nhà giáo ưu tú Đoàn Hựu, một trong những thầy giáo tiếng Anh đầu tiên của trường Ngoại giao khi ấy chia sẻ như vậy trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường. Ông đã đứng mãi ở sảnh A giảng đường nhà G nhìn theo những đoàn sinh viên và khách tới chúc mừng Học viện, không giấu niềm hạnh phúc được chứng kiến mái trường đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và niềm hy vọng tràn đầy vào thế hệ giảng viên mai sau...

Năm 1977, Viện Quan hệ Quốc tế được thành lập với nhiệm vụ được giao là nghiên cứu về tình hình thế giới, góp phần xây dựng chính sách đối ngoại của nhà nước, làm công tác thông tin ngoại giao và giúp cho Trường Ngoại giao trong công tác nghiên cứu và giảng dạy. Sau 10 năm hoạt động, đến tháng 5/1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 78-HĐBT sáp nhập trường Đại học Ngoại giao vào Viện Quan hệ quốc tế. Đây cũng có thể coi là một “bước ngoặt mới” trong lịch sử Học viện.

Thầy giáo và sinh viên K15 của Trường Đại học Ngoại giao đầu những năm 1980.

Theo nguyên Giám đốc Học viện, GS.TS Vũ Dương Huân, do sáp nhập Trường vào Viện, hàng năm Viện vẫn phải giải trình với Bộ Tài chính để xin kinh phí đào tạo Đại học do chưa có chức năng đào tạo. Và mảng nghiên cứu gặp không ít khó khăn do công tác nghiên cứu của Bộ vẫn chưa thật sự bài bản, thiếu nhân sự và cũng chưa có những văn bản hướng dẫn để thực hiện công tác nghiên cứu kết hợp đào tạo.

Theo GS.TS Vũ Dương Huân, “từ năm 1992, khi có Quyết định đổi tên Viện Quan hệ Quốc tế thành Học viện Quan hệ quốc tế với các quy định rõ ràng về chức năng nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu, mọi hoạt động đã trở nên thuận lợi hơn, từ đó mở ra một hướng phát triển mới cho đến ngày nay”. Năm 2008, Học viện Quan hệ quốc tế đổi tên thành Học viện Ngoại giao Việt Nam, các chức năng đào đạo và nghiên cứu đều được mở rộng (trong đào tạo mở rộng lên cả bậc sau đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ).

Đến nay, Học viện đã hình thành đầy đủ mô hình của một trường đại học kết hợp nghiên cứu với 15 đơn vị thành viên gồm hai viện trực thuộc (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Viện Biển Đông), Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Đối ngoại (FOSET), 5 Khoa chuyên ngành và 8 đơn vị chức năng.

Mô hình nghiên cứu, đào tạo và bồi dưỡng hàng đầu khu vực

Với sứ mệnh tầm nhìn, sự lớn mạnh và bề dày của 60 năm qua, Học viện đã tuyển sinh 46 khóa đại học chính quy, 5 khóa cao đẳng và 23 khóa trung cấp. Từ năm thứ 40 sau ngày thành lập (năm 1999), Học viện bắt đầu đào tạo hệ Thạc sĩ và ở tuổi 50 (năm 2009), trường bắt đầu tuyển sinh đào tạo Tiến sĩ Quan hệ quốc tế, rồi Tiến sĩ Luật và Kinh tế quốc tế. Ban đầu Trường chỉ có một khoa duy nhất là Chính trị và Ngoại giao, hiện nay Học viện đã mở rộng và đa dạng hóa các lĩnh vực đào tạo sang các nhóm ngành khác gồm Kinh tế, Luật, Truyền thông quốc tế và Cử nhân tiếng Anh Quan hệ quốc tế, với ba ngoại ngữ giảng dạy chính là tiếng Anh, Pháp và Trung Quốc.

Từ năm 2009, Học viên bắt đầu tuyển sinh đào tạo Tiến sĩ Quan hệ quốc tế, rồi Tiến sĩ Luật và Kinh tế quốc tế.

Công tác bồi dưỡng cũng ngày càng mở rộng, với nhiều đề án lớn và đào tạo liên tục hàng trăm khóa học khác nhau mỗi năm cho cán bộ làm công tác đối ngoại cả Bộ Ngoại giao, các Bộ, ban ngành trung ương và địa phương.

Hàng năm, Học viện tiếp nhận nhiều lưu học sinh đến từ nhiều quốc gia như Lào, Campuchia, Nga, Hàn Quốc, Mông Cổ, Romania, Ukraine, Palestine theo học ở các hệ từ cử nhân tới tiến sĩ. Học viện đã liên kết và hợp tác đào tạo với Đại học Victoria (New Zealand) trong đào tạo hệ cử nhân Quan hệ Quốc tế, với Đại học Jean Moulin Lyon 3 hệ Thạc sĩ ngành Khoa học chính trị.

Học viện đã trở thành một đơn vị nghiên cứu mạnh của Bộ Ngoại giao cũng như trong mạng lưới cơ quan nghiên cứu về quan hệ quốc tế ở Việt Nam. Hàng trăm đề tài nghiên cứu từ cấp Nhà nước đến cấp Bộ đã được thực hiện tại Học viện.

Học viện chủ trì và tham gia nhiều Hội thảo khoa học quốc tế, có đóng góp đặc biệt trong việc nêu lên tiếng nói của ngoại giao kênh II, đấu tranh bảo vệ hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nổi bật nhất là Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông, đến nay đã tổ chức liên tục 11 năm ở cả trong và ngoài nước, để lại dấu ấn sâu sắc trong giới học giả quốc tế. Các ấn phẩm như sách chuyên khảo, sách tham khảo, tạp chí nghiên cứu của Học viện xuất bản đã có được chỗ đứng trong giới học thuật Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11, ngày 6/11 tại Hà Nội.

Công tác hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy cũng được đẩy mạnh. Học viện là thành viên Mạng lưới các Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ASEAN (ASEAN ISIS) từ năm 1994, thành viên Hội đồng Hợp tác an ninh châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP) từ 1996. Ngoài ra, Học viện là thành viên và cơ quan đầu mối của Việt Nam tại mạng lưới các viện nghiên cứu khu vực, có quan hệ hợp tác với 80 viện, trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế cũng như với các Quỹ tài trợ trên toàn cầu.

Điều làm Học viện Ngoại giao đặc biệt tự hào về đóng góp của mình đối với sự nghiệp đối ngoại là ở kết quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành đối ngoại. Hầu hết, cán bộ chủ chốt làm công tác đối ngoại, trong đó có cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ, Ngành, và địa phương đều đã từng học tập và trưởng thành từ mái trường Học viện. Điều này còn trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ sinh viên sau này, tiếp nối viết lên trang sử vẻ vang cho Học viện.

***

Sáu mươi năm hình thành và phát triển đã trở thành hành trang vững vàng cho Học viện Ngoại giao tiếp tục vươn lên. Về chặng đường phát triển trong tương lai của Học viện, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ đạo: “Trong thời gian tới, Học viện Ngoại giao cần tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, bồi dưỡng”.

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực phát triển nhanh chóng và phức tạp, công tác đối ngoại của Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức to lớn mới. Những kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, của Bộ Ngoại giao, cũng như của xã hội đối với Học viện Ngoại giao có lẽ còn lớn hơn đối với trường Ngoại giao 60 năm trước đây.

Để tiếp tục đồng hành với sự nghiệp đối ngoại của đất nước, Học viện đã xây dựng Chiến lược phát triển đến 2030, trong đó xác định rõ bước đi tiếp theo là “tiếp tục giữ vững vị trí số 1 tại Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, phấn đấu đến 2030 vươn lên nhóm dẫn đầu khu vực” với văn hóa “Năng động - sáng tạo - tầm nhìn; Chất lượng – toàn diện – Hội nhập”. Về mục tiêu này, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện nói: “Đó là trọng trách nặng nề và cũng là cam kết phấn đấu của tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của Học viện hiện nay, phấn đấu vì sự nghiệp chung của Học viện và đóng góp vào sự phát triển chung của ngành đối ngoại”.

Nguyệt Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/60-nam-hoc-vien-ngoai-giao-viet-nam-su-menh-dac-biet-cua-mot-nha-truong-104474.html