60 năm Liên minh châu Âu: Tầm nhìn hướng tới thống nhất bền vững

Liên minh châu Âu (EU) vừa long trọng kỷ niệm 60 năm thành lập trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức để tồn tại và phát triển. Dẫu vậy, những gì EU đạt được là thành tựu đáng tự hào.

Nhiều cư dân Anh xuống đường phản đối Brexit

Nhiều cư dân Anh xuống đường phản đối Brexit

Tự hào với những thành tựu chưa từng có tiền lệ

Cách đây 60 năm, ngày 25/3/1957, 6 thành viên sáng lập gồm: Bỉ, Đức, Hà Lan, Italy, Luxembourg và Pháp đã gặp nhau tại Palazzo Senatorio - Roma, Italia cùng đặt bút ký kết Hiệp ước Rome, nền móng cho sự ra đời của Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) và Liên minh châu Âu (EU) sau này.

Từ khởi điểm chỉ có 6 quốc gia sáng lập, tới nay, EU đã có tổng cộng 28 thành viên trải dài từ Đông đến Tây Âu, trở thành một khối mở rộng và phát triển về mọi mặt. Các thành viên trong khối đã hoàn thành mục tiêu bốn tự do hóa bao gồm tự do đi lại, học tập, sinh sống và làm việc ở hầu hết các nước trong khuôn khổ đường biên giới EU.

Đây là giai đoạn hòa bình và ổn định dài nhất trong lịch sử của châu Âu - kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. “Hai cuộc chiến tranh khốc liệt ở châu Âu từ năm 1914 - 1945 đã khiến hàng triệu người thiệt mạng và để lại một lục địa bị tàn phá, chia rẽ và kiệt quệ. Đối với các nước trải qua chiến tranh kéo dài thì hội nhập châu Âu là một dự án hòa bình thành công nhất trong lịch sử của chúng tôi” - Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet - đã chia sẻ trong một bài viết nhân sự kiện kỷ niệm dịp 60 năm này.

Đó cũng là lý do khiến EU được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2012, ghi nhận vai trò quan trọng của khối trong chuyển đổi châu Âu từ lục địa chiến tranh sang lục địa hòa bình.

Gửi lời chúc mừng nhân kỷ niệm 60 năm thành lập EU, Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres đã khẳng định: “Trong thời điểm toàn cầu đang có sự chia rẽ, tầm nhìn của châu Âu về sự thống nhất càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”.

Tuyên bố Rome - Hướng tới một tương lai không có Anh

27 nhà lãnh đạo các nước khối EU (vắng mặt Thủ tướng Anh Theresa May) đã quy tụ tại thủ đô Rome (Italia) để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Rome. Các nhà lãnh đạo cùng nhau ký “Tuyên bố Rome”, trong đó cam kết hướng tới một tương lai chung không có nước Anh, trong bối cảnh hàng loạt cuộc khủng hoảng đã và đang làm suy yếu những nỗ lực nhằm đoàn kết châu lục này.

Tuyên bố Rome nhấn mạnh tới một liên minh độc đáo với các thể chế chung và các giá trị mạnh mẽ, một cộng đồng hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền và có sự thượng tôn pháp luật. Theo đó, các nhà lãnh đạo EU khẳng định quyết tâm làm cho liên minh này trở nên mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn thông qua sự thống nhất, đoàn kết và tôn trọng các nguyên tắc chung.

Bày tỏ mong muốn về một liên minh an toàn, thịnh vượng, có sức cạnh tranh, bền vững và có trách nhiệm xã hội trong 10 năm tới, với ý chí và năng lực đóng vai trò then chốt trong thế giới toàn cầu cũng như trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa. Cam kết tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng giữa các nước trong khối, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc nhập cư, thắt chặt các đường biên giới bên ngoài, thúc đẩy thương mại toàn cầu để phát triển thị trường chung của khối, thúc đẩy việc làm và đổi mới.

Kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome là cơ hội không chỉ để tái khẳng định cam kết của EU đối với các giá trị và mục tiêu của dự án châu Âu, mà còn là thực hiện những bước đi thực dụng và đầy tham vọng.

Cân nhắc kịch bản cho hướng đổi mới của EU

Trước thách thức của tình hình hiện nay, EU nhận thức rõ yêu cầu đổi mới đặt ra hết sức cấp thiết. Đầu tháng 3, Sách Trắng về tương lai châu Âu được công bố, trong đó đề ra 5 kịch bản cho hướng đổi mới của EU, tương đương với các mức độ hội nhập khác nhau.

Trong đó, “EU với nhiều tốc độ” là kịch bản được cho là phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, khi mà sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên trong khối làm nảy sinh những mâu thuẫn khó giải quyết, khó khăn khi đưa ra các quyết định.

Theo kịch bản này, những thành viên muốn hợp tác cùng nhau nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực quốc phòng hay quản trị khu vực Eurozone sẽ không bị cản trở bởi những thành viên vẫn còn đang lưỡng lự; các nước thành viên có thể liên kết với nhau nhiều hơn trong các lĩnh vực cụ thể.

EU 27 sẽ chia thành các ngả khác nhau, với những quốc gia có nhu cầu hợp tác nhiều hơn, và phát triển như một “liên minh mở”.

Tại hội nghị thượng đỉnh, các lãnh đạo EU chưa quyết định được kịch bản nào mà liên minh này nên theo đuổi trong số năm kịch bản được nêu trong Sách trắng.

Liên quan đến đường hướng tương lai cho EU, Tuyên bố Rome kêu gọi các nước thành viên hành động cùng nhau với các tốc độ và cường độ khác nhau. Ngoài ra, Tuyên bố Rome cũng khẳng định EU sẽ để ngỏ cánh cửa cho những nước muốn gia nhập EU sau này.

Dẫu vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) ông Jean-Claude Juncker đã từng mạnh mẽ khẳng định: “Brexit dù là một sự đáng tiếc, nhưng sẽ không thể ngăn cản EU tiến đến tương lai của mình. Chúng ta sẽ tiếp tục con đường của mình và đó là điều mà chúng ta phải làm”.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres: Là Tổng thư ký Liên hiệp quốc, cũng là một công dân của Liên minh châu Âu, tôi tự hào về những điều khoản của Hiệp ước Rome giống như các nội dung trong Hiến chương Liên hiệp quốc giúp giải quyết một cách tốt hơn những vấn đề của nhân loại.

Đình Phụ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/60-nam-lien-minh-chau-au-tam-nhin-huong-toi-thong-nhat-ben-vung-85177.html