60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh: Thực hiện xuất sắc vai trò cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc (Kỳ II)

Trải qua 60 năm phát triển, Quảng Ninh có lý do để tự hào về truyền thống Vùng mỏ anh hùng; quyết tâm vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đoàn kêt, kế tục và phát huy truyền thống cao quý của các thế hệ cha anh.

Diện mạo tỉnh Quảng Ninh ngày nay. (Nguồn: BQN)

Nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm

Kế thừa những thành tựu quan trọng đạt được sau hơn 25 năm đổi mới, nhất là giai đoạn 2006-2010; Quảng Ninh bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đặc biệt khó khăn.

Nhưng nhờ sự nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành cùng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, những khó khăn từng bước được khắc phục; kinh tế-xã hội được duy trì ổn định và đạt mức tăng trưởng phù hợp.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân nửa nhiệm kỳ tăng 8,53%/năm; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực và đúng hướng. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân ước đạt 12,37%/năm, số tăng tuyệt đối cao hơn gấp 2,79 lần nửa nhiệm kỳ trước.

Bám sát mục tiêu thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng và động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững những năm tiếp theo, bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Đơn cử như công tác tổ chức lập quy hoạch được đổi mới căn bản cả về nhận thức và cách làm theo hướng coi trọng chất lượng, các cấp, các ngành cùng tham gia thực hiện, khắc phục tình trạng khoán trắng. Chủ động nắm bắt thời cơ, Quảng Ninh xây dựng và đề xuất mô hình phát triển mới cho vùng động lực và các cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực và tiền đề phát triển lâu dài. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Tỉnh cũng đã làm việc với một số nhà đầu tư chiến lược triển khai nhiều dự án quan trọng, cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện và hấp dẫn hơn, niềm tin của các nhà đầu tư tăng lên. Các dự án, công trình quan trọng, nhất là các công trình giao thông huyết mạch được tập trung nguồn lực triển khai. Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông nửa nhiệm kỳ đạt 4.633 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn và tăng 128% so với cả nhiệm kỳ trước (2006-2010).

Phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, tỉnh tập trung khuyến khích và huy động cả xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới. Mặc dù kinh tế khó khăn, song công tác đảm bảo an sinh xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm, tổng chi cho an sinh xã hội nửa nhiệm kỳ qua đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 640% so với giai đoạn 2006-2008. Bình quân giải quyết 2,69 vạn lao động/năm và góp phần giảm 1,72% tỷ lệ hộ nghèo/năm.

Việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất có nhiều tiến bộ; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính và triển khai xây dựng chính quyền điện tử gắn với các trung tâm hành chính công được quan tâm tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị-xã hội ổn định. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, hoạt động xúc tiến đầu tư đạt kết quả nổi bật...

Quảng Ninh phấn đấu trở thành là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện. (Nguồn: BQN)

Dẫn dắt nhiều đổi mới, đột phá

Trải 60 năm xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, sau 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là trong hơn 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; trên nền tảng kết tinh của các thế hệ; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dấu ấn nổi bật trên mọi phương diện; tạo bước phát triển bứt phá.

Từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực. Quảng Ninh hiện là một trong những trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, là cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc, 7 năm liên tục 2016-2022 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số, tốc độ đô thị hóa đứng ở tốp đầu cả nước chỉ sau các thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên quan điểm, mỗi người dân tỉnh Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền.

Diện mạo thành thị và nông thôn của tỉnh được thay đổi rõ rệt, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển, đảo. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt các mục tiêu, như chính trị ổn định, xã hội trật tự, giữ vững kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển, đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Đặc biệt, trong 3 năm 2020 và 2021, 2022 dù chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch Covid-19, song tỉnh Quảng Ninh vẫn tự lực, tự cường, kiên cường, bằng những quyết sách khoa học, đúng đắn, táo bạo, sát thực tiễn, phát huy hiệu quả, giữ vững địa bàn “An toàn-ổn định-phát triển trong trạng thái bình thường mới”, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COV-19, trở thành một trong số ít những địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước về phòng, chống Covid--19.

Thời điểm này, tỉnh vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, vừa thực hiện thành công “mục tiêu kép”, với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 đạt 10,28%, GRDP năm 2022 đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt 56.500 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước có số thu nội địa cao; đời sống vật chất, tình thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; giữ vững quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn văn minh; nhân dân được hưởng cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Thêm vào đó, với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, tỉnh Quảng Ninh đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực bằng cách “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với cơ cấu lại đầu tư công hằng năm đều đạt trên 53% tổng chi ngân sách địa phương và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8 đồng-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhờ đó, tỉnh đẩy nhanh đô thị hóa với sự định hình rõ nét chức năng đô thị biển và hình thái tổ chức không gian lãnh thổ “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 5/4/2022 khẳng định: "Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc".

Tỉnh cũng tập trung tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước nhiều năm liên tục về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Dù nông nghiệp không phải là ngành kinh tế đóng vai trò chủ đạo ở Quảng Ninh, song phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đã được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Từ năm 2013, Quảng Ninh tiên phong triển khai chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình OCOP của Quảng Ninh trở thành điển hình và được Chính phủ quyết định nhân rộng ra toàn quốc.

Hiện nay, Quảng Ninh đang phát huy cao độ sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, để thực hiện mục tiêu đã đề ra: đến năm 2025, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc, giữ đà tăng trưởng hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người tới năm 2025 đạt trên 10.000 USD.

Trong tầm nhìn đến năm 2030, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh tập trung xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người đạt trên 15.000 USD.

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được nêu trên đã chứng minh rằng, trong tình hình chung đặc biệt khó khăn, với sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân vùng Mỏ, Quảng Ninh khẳng định những nguồn lực dồi dào đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, hội tụ và lan tỏa.

Như ông Hà Văn Hiền, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh từng chia sẻ rằng: "Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn, tài nguyên, khoáng sản nhiều, được sở hữu những thứ vô cùng quý giá mà nơi khác mơ ước như có vịnh Hạ Long, có các cửa khẩu quốc tế cả trên bộ và trên biển với đất nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới hiện nay. Vì vậy, trong rất nhiều năm qua, tỉnh luôn được Trung ương xác định rõ là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và tỉnh cũng đã thực hiện rất xuất sắc vai trò này. Hơn thế, đây còn là một trong những địa phương dẫn dắt cho nhiều đổi mới, đột phá trong khu vực Đông Bắc bộ”.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/60-nam-ngay-thanh-lap-tinh-quang-ninh-thuc-hien-xuat-sac-vai-tro-cuc-tang-truong-cua-khu-vuc-phia-bac-ky-ii-236524.html