60 năm quan hệ Việt Nam-Morocco: Hướng tới quan hệ gắn bó và toàn diện hơn

Baoquocte.vn. Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Morocco sẽ mở ra chương mới để nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới, hướng tới quan hệ gắn bó và toàn diện hơn giữa hai nước.

Đại sứ Morocco tại Việt Nam Jamale Chouaibi.

Ngày 27/3/2021 đánh dấu cột mốc 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Morocco. Dịp này là cơ hội để chúc mừng tình hữu nghị giữa nhân dân Morocco và Việt Nam, để cùng nhìn lại những thành tựu trong hợp tác giữa hai quốc gia chúng ta và suy nghĩ về những phương thức tốt nhất nhằm tăng cường và mở rộng hơn nữa hợp tác giữa hai nước.

Xây dựng từ nền móng lịch sử

Mối quan hệ giữa Morocco và Việt Nam được xây dựng trên nền móng những ký ức lịch sử chung của hai dân tộc. Đó là vào những năm 1940-1950, trước ngày Morocco được độc lập, nhiều binh sĩ Morocco được quân đội Pháp cử sang Đông Nam Á để giúp duy trì, khẳng định sự thống trị của Pháp tại các nước thuộc địa trong khu vực. Những binh sĩ này nhanh chóng nhận ra mục đích thực sự của Pháp và đào ngũ khỏi quân đội viễn chinh Pháp để gia nhập lực lượng Việt Minh đấu tranh giành độc lập dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Động lực thôi thúc binh lính đào ngũ xuất phát từ thực tế cả hai nước Morocco và Việt Nam đang đặt dưới ách thuộc địa Pháp. Và quyết tâm đào ngũ lại được thổi bùng lên vì cố Quốc vương Morocco Mohammed V bị Pháp đưa đi lưu đày vào năm 1953 và vì sự ngưỡng mộ lẫn nhau về phong trào giải phóng dân tộc của Morocco và Việt Nam.

Một trong những cán bộ nổi bật được Morocco cử sang Việt Nam vào năm 1949 để giúp thuyết phục và tập hợp đội ngũ những binh sĩ Morocco tham gia Phong trào giải phóng dân tộc và tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại quân đội chiếm đóng, chính là Omar Lahrech, bí danh Maarouf. Ông được biết đến với tên Việt Nam thân thương “Anh Mã”. “Anh Mã” có liên hệ chặt chẽ với các cán bộ Việt Nam thời bấy giờ.

Cổng Morocco tại huyện Ba Vì, Hà Nội được những người lính Morocco đào ngũ khỏi quân đội Pháp xây dựng trong những năm 1956-1960. Cổng Morocco chính là minh chứng cho những ký ức chung và tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc. Chiếc cổng được xây bằng những nguyên vật liệu của Việt Nam, mang hơi hướng của lối kiến trúc Moorish được tìm thấy ở những kinh thành Morocco.

Những bước phát triển quan trọng

Morocco luôn cam kết thúc đẩy hòa bình trên thế giới và đặc biệt hòa bình tại châu Phi. Morocco là một trong những quốc gia ủng hộ và đóng góp lâu dài cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Morocco kiên định trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại, đàm phán và hòa giải. Morocco ủng hộ chủ trương tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

Morocco cam kết củng cố hợp tác Nam-Nam như một phương thức quan trọng để giải quyết những thách thức toàn cầu về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường; bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và những bài học được đúc kết và thúc đẩy nâng cao hiểu biết, chuyên môn giữa các nước đang phát triển.

Quan hệ chính trị Morocco-Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng, nhờ vào những hoạt động trao đổi đoàn Lãnh đạo cấp cao ngày một gia tăng, ở cấp độ Chính phủ và Quốc hội. Chuyến thăm chính thức Vương quốc Morocco của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngântháng 3/2019 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Morocco Habib El Malki tháng 12/2017 chính là những dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác chính trị và nghị viện giữa hai quốc gia.

Morocco và Việt Nam duy trì tham vấn chính trị thường xuyên thông qua Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương (JCC). Tính đến nay, hai quốc gia đã tổ chức 4 kỳ họp JCC và 5 kỳ họp Tham vấn chính trị. Kỳ họp lần thứ 5 của JCC và kỳ họp thứ 6 Tham vấn chính trị giữa hai nước dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới đây tại thành phố Rabat, Morocco.

Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Morocco và Tham vấn chính trị lần thứ 5 giữa hai Bộ Ngoại giao tại Hà Nội, tháng 4/2018.

Về thương mại, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng gần 50% từ năm 2015 đến năm 2019. Hiện nay, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai trong khu vực ASEAN của Morocco.

Hiệp định thương mại song phương giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp, Đầu tư, Thương mại và Kinh tế số Morocco được ký kết nhằm thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, dệt may, may mặc, công nghiệp điện tử và cơ khí, công nghiệp hóa học và sản xuất phân bón.

Hai Bộ phụ trách thương mại cũng ký kết Bản ghi nhớ về việc thành lập Tiểu ban hợp tác về thương mại và công nghiệp với nhiệm vụ xúc tiến thương mại song phương và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc thực hiện những biện pháp đã để ra nhằm thúc đẩy hơn nữa việc tăng cường hợp tác thương mại.

Morocco và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong tương lai, như là vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực. Morocco là cửa ngõ của khu vực châu Phi và châu Âu trong khi đó Việt Nam là cánh cổng tiếp cận khu vực Đông Nam Á. Với sự ổn định chính trị và là những nền kinh tế mới nổi, năng động, hai nước có mức tăng trưởng kinh tế ổn định và chính sách đa dạng hóa đối tác thương mại và tăng cường khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực.

Song song với đó, cả hai quốc gia có ý chí chính trị mạnh mẽ nhằm tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác song phương. Điều này được chứng minh qua số lượng thỏa thuận được ký kết giữa hai nước ngày càng tăng, bao gồm những lĩnh vực đa dạng như thương mại và đầu tư, năng lượng và khai khoáng, ngân hàng, giáo dục và đào tạo, dịch vụ hàng không và những Bản ghi nhớ được ký kết giữa những trường đại học và thành phố của cả hai quốc gia.

Hướng tới quan hệ gắn bó và toàn diện

Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng kỳ vọng của hai nước nhưng vẫn tăng trưởng qua từng năm.

Bổ nhiệm một lãnh sự danh dự Morocco tại TP. Hồ Chí Minh - trung tâm tài chính của Việt Nam thời gian sắp tới sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại và cơ hội hợp tác kinh doanh giữa hai quốc gia.

Điểm tương đồng giữa thành phố Casablanca, trung tâm công nghiệp và tài chính của Morocco và TP. Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ tạo ra nguồn xung lực mới trong tương lai đối với sự phát triển quan hệ giữa hai nước.

Lĩnh vực Kế hoạch và Định hướng đầy tiềm năng về năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, du lịch, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và vận tải, tăng tốc phát triển công nghiệp và công nghệ, đã được hai bên triển khai với mục đích đưa hai nước trở thành những nền kinh tế mới nổi dẫn đầu trong khu vực. Để làm được như vậy, hai nước cần phải tạo cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn và phát huy hiệu quả cơ chế ủy ban hỗn hợp được thành lập vì mục đích này.

Châu Phi luôn là một trong những ưu tiên phát triển hàng đầu của Morocco ở cấp độ khu vực. Dưới sự dẫn dắt của Quốc vương, Morocco có cách tiếp cận ngoại giao chiến lược, với mục tiêu chính là phát triển mô hình đối tác với những quốc gia châu Phi dựa trên nguyên tắc cùng phát triển, đoàn kết Nam-Nam.

Nhờ vào tầm nhìn phát triển Hoàng gia, Morocco đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ nhất khu vực Tây Phi và lớn thứ hai châu Phi.

Morocco tham gia một cách đa dạng vào những ngành thiết yếu của châu Phi như ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng và viễn thông. Bên cạnh đó, Morocco cũng mở rộng các quan hệ đối tác và đảm nhiệm thực hiện những dự án phát triển trong những lĩnh vực ưu tiên như nước, vệ sinh, hải quan, quản lý sân bay…

Morocco xác định trở thành trung tâm và nơi giữ chân những công ty quốc tế với mục đích mở rộng ra khắp khu vực châu Phi. Thành phố Casablanca từ lâu đã trở thành trung tâm tài chính cho thị trường châu Phi Pháp ngữ. Rất nhiều công ty sản xuất đa quốc gia đã xây dựng nhà máy sản xuất tại Morocco và mở rộng hoạt động của họ tại thị trường châu Phi.

Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với các nước châu Phi và đang tìm kiếm cơ hội xúc tiến hợp tác toàn diện, đặc biệt trong những lĩnh vực hợp tác tiềm năng như thương mại, đầu tư, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp, lao động và du lịch.

Morocco có thể hỗ trợ Việt Nam khẳng định sự hiện diện tại châu lục đầy tiềm năng hứa hẹn này và cùng phát triển tại đây thông qua các dự án liên doanh, hợp tác kỹ thuật và kinh tế ba bên, giống như những sáng kiến gần đây Morocco đã thực hiện cùng một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Morocco cũng mong muốn có thể mở ra đường biển trực tiếp cho các đối tác bằng việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Cảng quốc gia Morocco và công ty Cảng Sài Gòn nhằm tạo ra chuỗi vận tải giữa Morocco và Việt Nam. Đây sẽ là nền tảng xuất khẩu sang châu Phi cho Việt Nam và cho phép Việt Nam tận dụng những thuận lợi từ khung pháp lý đã được Morocco và các nước đối tác châu Phi xây dựng.

Vị trí chiếc lược ở khu vực Đông Nam Á của Việt Nam và là một trong những thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN mới nổi giúp mở ra nhiều triển vọng hợp tác kinh tế với Morocco.

Morocco là quốc gia châu Phi và Arab đầu tiên tham gia Ủy ban sông Mekong (MRC) với tư cách là Đối tác. Đây là một phần trong chiến lược chính sách đối ngoại trong thời gian tới của Morocco, dưới sự dẫn dắt của Quốc Vương với mục tiêu đa dạng hóa đối tác và tăng cường hợp tác Nam-Nam mà Morocco luôn đặt lên ưu tiên hàng đầu.

Biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Morocco và Ủy ban sông Mekong vào năm 2017 nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác giữa hai bên trong một loạt những lĩnh vực, trải dài từ lĩnh vực năng lượng, đến nông nghiệp tưới tiêu, an ninh lương thực, chất lượng nước và môi trường.

Morocco cũng ký văn kiện gia nhập Hiệp ước thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) vào năm 2016. Nguyên tắc của Hiệp ước này phù hợp với chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác và giải quyết tranh chấp bằng những biện pháp hòa bình thông qua đối thoại và các kênh ngoại giao của Morocco.

Hơn thế nữa, Morocco luôn tìm cách đa dạng hóa đối tác và củng cố mối quan hệ hợp tác trên các cấp độ cao hơn những đối tác truyền thống. Phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia Đông Nam Á được xem là ưu tiên của Morocco trong việc phát triển Nam-Nam.

Một dấu hiệu khác cho thấy Morocco tìm kiếm cơ hội xây dựng mối quan hệ vững mạnh hơn nữa với các quốc gia Đông Nam Á đó là Morocco đã ứng cử vào vị trí Đối tác Đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN năm 2018. Cơ hội này có thể mở ra những chân trời mới cho việc hợp tác thực chất và chất lượng với cộng đồng kinh tế tích hợp này.

Cộng đồng này nằm trong mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột nền móng: cộng đồng chính trị và an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng xã hội, văn hóa. Morocco đã chuẩn bị Kế hoạch hành động đầy tham vọng hướng đến ba lĩnh vực ưu tiên này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Lễ kết nạp Na Uy và Morocco là Quan sát viên mới của Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), ngày 10/9/2020 tại Hà Nội.

Thêm vào đó, Hạ viện Vương quốc Morocco đã được chấp thuận trở thành Nghị viện quan sát trong Hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) tại buổi lễ bế mạc Đại hội đồng AIPA diễn ra ngày 10/9/2020 tại Hà Nội do Việt Nam làm chủ nhà. Morocco là quốc gia Arab và châu Phi đầu tiên được kết nạp vào vị trí này.

Trên thực tế, cả hai nước đều là những quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực. Morocco là cánh cổng mở ra thị trường châu Phi, đặc biệt là thị trường Tây Phi nơi ghi dấu sự hiện diện đa dạng của Morocco và Morocco đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc kinh doanh và thực hiện những dự án ở các lĩnh vực khác nhau.

Tương tự, Việt Nam cũng được xem là cửa ngõ lý tưởng để tiến vào thị trường châu Á và với sự hồi phục kinh tế dẫn đầu trong khu vực, Việt Nam đã trở thành mô hình kinh tế thành công trong mắt các quốc gia khác.

Kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Morocco-Việt Nam sẽ là một dấu mốc điểm lại những thành tựu đã đạt được trong quá khứ và mở ra chương mới trong tương lai để nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới, hướng tới quan hệ gắn bó và toàn diện hơn giữa hai nước.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/60-nam-quan-he-viet-nam-morocco-huong-toi-quan-he-gan-bo-va-toan-dien-hon-139987.html