60 năm thành lập ĐH KHXH-NV TP.HCM: Giáo dục toàn diện, khai phóng, đa văn hóa

Sáng 20.11, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, long trọng kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển, qua các thời kỳ: Đại học Văn khoa Sài Gòn (1957-1976), Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (1977-1995) và Trường ĐHKHXH-NV ngày nay.

Nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên qua các thời kỳ: Trường ĐH Văn khoa - Trường ĐH Tổng hợp - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, đã tề tựu về trường, ôn lại những chặng đường phát triển của ngôi trường mang đầy dấu ấn.

Ông Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên Bí thư thành ủy TP HCM; Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Trưởng Ban Tuyên giáo TW tại buổi Lễ kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển ĐHKHXH-NV. Ảnh: BTC

Trong diễn văn phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Võ Văn Sen, hiệu trưởng nhà trường, khẳng định Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH-NV) - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) là một trong số ít các trường đại học của Việt Nam, có lịch sử 60 năm và trên 60 năm hình thành và phát triển. Trên chặng đường hơn nửa thế kỷ đó, Nhà trường đã tạo ra nhiều giá trị, triết lý giáo dục và truyền thống văn hóa đại học đáng tự hào, đã có nhiều đóng góp to lớn trong những giai đoạn thăng trầm khác nhau của lịch sử Việt Nam hiện đại; trở thành một bộ phận không thể thiếu của lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử Sài Gòn – TP.HCM, lịch sử nền giáo dục đại học Việt Nam nói riêng.

Lịch sử Nhà trường có nguồn gốc từ năm 1950 ở Hà Nội với trường Đại học Văn khoa (Nghị định 01 ngày 4.01.1950) trong Viện Đại học Hà Nội ( ĐH hỗn hợp Việt-Pháp Hà Nội); và từ 1951 với chi nhánh ở Sài Gòn, lớp Cao đẳng dự bị Văn chương Pháp, rồi năm 1955 với Đại học Văn khoa (Nghị định 66, ngày 06.12.1955) trực thuộc Viện Đại học Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn.

Nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên qua các thời kỳ: Trường ĐH Văn khoa - Trường ĐH Tổng hợp - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, đã tề tựu về trường. Ảnh: BTC

Đến ngày 1.3.1957, Viện Đại học Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Viện Đại học Sài Gòn (Sắc lệnh 45), trong đó có trường Đại học Văn khoa và thường được gọi là Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Với quy mô đào tạo và đội ngũ còn nhỏ bé, giai đoạn 1950-1957 được giới nghiên cứu xem là giai đoạn tiền thân, chuẩn bị cho sự ra đời thực sự của Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn vào năm 1957, với sự hình thành chương trình Cử nhân Giáo khoa và 16 chứng chỉ cử nhân khác nhau ( năm 1957-1958).

Chặng đường 20 năm này (từ 1957 đến 1975), trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, đội ngũ thầy cô giáo và sinh viên yêu nước ở Đại học Văn khoa Sài Gòn đã vừa xây dựng,vừa đấu tranh để từng bước hình thành được những nền tảng ban đầu của một trường đại học lớn, xuất hiện từng bước cơ chế "tự trị đại học", đào tạo nhiều ngành KHXH-NV nhất ở miền Nam, quy tụ nhiều giáo sư, học giả có uy tín ở miền Nam lúc bấy giờ, khởi phát nhiều khuynh hướng học thuật mới và đã sản sinh ra nhiều công trình nghiên cứu có giá trị học thuật cao về cội nguồn văn hóa Việt, về triết học, văn học, ngôn ngữ…

Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những thành quả nhà trường đạt được. Ảnh: BTC

Sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975) Đại học Văn khoa đã có nhiều thay đổi về mục tiêu, chương trình và nội dung đào tạo. Đến ngày 22.4.1977, Đại học Văn khoa Thành phố Hồ Chí Minh được hợp nhất với Đại học Khoa học thành Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định 448), Văn khoa đã trở thành khối Khoa học xã hội trong Đại học Tổng hợp TP.HCM.

Từ 1986, khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới, trên cơ sở tách ra từ ĐH Tổng hợp TP.HCM, ngày 30/3/1996, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chính thức được thành lập (Quyết định 1233) và là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh. Đây là cột mốc có ý nghĩa lịch sử, mở đầu cho giai đoạn tăng tốc phát triển nhảy vọt của Nhà trường, hướng tới mục tiêu “trở thành cơ sở hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; cung cấp các dịch vụ khoa học và giáo dục chất lượng cao cho nền kinh tế quốc dân; làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách xã hội; góp phần tạo dựng vị thế của khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam trong khu vực, khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học quan trọng ở Đông Nam Á”.

Trường luôn là đơn vị tiêu biểu, dẫn đầu về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao có bản sắc riêng trong lĩnh vực KHXH-NV. Trong ảnh: Sinh viên tham gia các hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập trường vào sáng 20.11. Ảnh: BTC

Theo PGS.TS Võ Văn Sen, đến nay Trường đã đào tạo, cung cấp cho đất nước một đội ngũ trí thức đông đảo với trên 75.000 cử nhân khoa học, hơn 7.000 thạc sĩ và trên 600 tiến sĩ, phục vụ trên nhiều lĩnh vực ở mọi miền của Tổ quốc.

Hiện nay, nhà trường có 958 cán bộ viên chức, trong đó đội ngũ giảng viên có trên 99,6% là có trình độ sau đại học. Đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chiếm 39,5% giảng viên, trong đó gần phân nửa số tiến sĩ là được đào tạo ở những nước phát triển của thế giới.

"Ngày nay, trước nhu cầu học tập đa dạng của người học trong một xã hội học tập, xu thế hội nhập, tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế, nhà trường tiếp tục là đơn vị đi tiên phong khai mở ra những ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học mới, như Đông phương học, Nhân học, Việt Nam học, Quan hệ quốc tế, Đô thị học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học… Trong đó có những ngành lần đầu tiên được đào tạo tại Trường và sau đó được các trường đại học ở Việt Nam đưa vào đào tạo. Trường cũng đi đầu trong chuẩn hóa và hội nhập, xây dựng chuẩn đầu ra các ngành đào tạo dựa trên các chuẩn đánh giá quốc tế, như tiêu chuẩn đánh giá của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) hoặc theo định hướng CDIO" - PGS.TS Võ Văn Sen khẳng định.

Theo hiệu trưởng ĐHKHXH-NV, đến năm 2017, Trường đã được đánh giá đạt chuẩn quốc gia theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT; đồng thời đã có 6 chương trình đào tạo là Việt Nam học, Ngữ văn Anh, Quan hệ quốc tế, Báo chí - Truyền thông, Văn học và Công tác xã hội đã được kiểm định và đạt chuẩn AUN-QA. Theo kế hoạch, hằng năm Trường sẽ có ít nhất từ 1 đến 2 chương trình đào tạo tham gia đánh giá ngoài chính thức theo chuẩn AUN-QA. Với ưu thế của một trung tâm đào tạo chất lượng cao về KHXH&NV, Trường là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về thu hút sinh viên nước ngoài, từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tới học tập, nghiên cứu dài hạn và ngắn hạn. "Là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của nhiều ngành KHXH-NV với triết lý Giáo dục toàn diện, khai phóng, đa văn hóa" - Ông Sen cam kết.

Công bố và vinh danh 60 cựu sinh viên tiêu biểu của ĐH Văn khoa- ĐH Tổng hợp- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn trong các lĩnh vực. Ảnh: BTC

Cũng trong lễ kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển, ĐHKHXH-NV cũng công bố và vinh danh 60 cựu sinh viên tiêu biểu của ĐH Văn khoa- ĐH Tổng hợp- Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn trong các lĩnh vực khoa học - giáo dục, chính trị - xã hội, kinh tế, văn hóa - nghệ thuật. Trong đó có, ông Trương Tấn Sang, Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước; ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư thành ủy TP HCM; ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó chủ tịch nước CHXHCNViệt Nam, ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM…

Phát biểu tại buổi lễ, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những thành quả nhà trường đạt được. Đồng thời Phó Chủ tịch nước cũng nhắn nhủ để tiếp tục phát triển, nhà trường cần tập trung thực hiện tốt các nội dung như xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên mạnh về cả số lượng và chất lượng; Tiếp tục quan tâm tới chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Đặc biệt, Phó Chủ tịch nước đề nghị nhà trường không ngừng chuẩn hóa, đổi mới về quản trị đại học, kết hợp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu để trường sớm trở thành một ĐH hàng đầu trong khu vực châu Á về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

T.Dũng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/60-nam-thanh-lap-dh-khxh-nv-tp-hcm-giao-duc-toan-dien-khai-phong-da-van-hoa-11361.html