60 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, Bộ Y tế họp trực tuyến phòng chống dịch

Đề nghị các cơ sở y tế tăng cường lọc bệnh và phân tuyến kỹ thuật để không xảy ra tình trạng nằm ghép, làm quá tải tuyến trên; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế… là những nội dung quan trọng được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo sát sao tại Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh mùa bão lụt và dịch bệnh sốt xuất huyết.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị trực tuyến.

NDĐT – Đề nghị các cơ sở y tế tăng cường lọc bệnh và phân tuyến kỹ thuật để không xảy ra tình trạng nằm ghép, làm quá tải tuyến trên; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế… là những nội dung quan trọng được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo sát sao tại Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh mùa bão lụt và dịch bệnh sốt xuất huyết.

Chiều ngày 24-7, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng chống dịch bệnh mùa bão lụt và dịch bệnh sốt xuất huyết tại điểm cầu Bộ Y tế ở Hà Nội, điểm cầu TP Hồ Chí Minh và một số điểm cầu khác. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Không để quá tải bệnh nhân SXH nằm ghép

Tại buổi trực tuyến, Bộ trưởng Y tế cho biết, mùa mưa là mùa của bệnh sốt xuất huyết (SXH). Do đó, SXH xảy ra quanh năm ở các tỉnh miền nam, đặc biệt Tây Nam Bộ. Tại miền bắc do biến đổi thời tiết, khí hậu nóng sớm nên ngày càng gia tăng các ca mới mắc SXH.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, với miền bắc, các ca mắc SXH chủ yếu là người lớn với biểu hiện xuất huyết nặng. Trong khi đó, tại miền nam, chủ yếu trẻ con mắc SXH và biểu hiện là giảm tỷ lệ tuần hoàn. Vì thế, nhận thức đúng thì sẽ truyền thông đúng để người dân phòng chống được dịch SXH.

Bộ trưởng khẳng định, SXH có thể phòng được và chữa được. Do đó, cần phải truyền thông mạnh hơn nữa, tới tận các xã, phường để người dân có ý thức vệ sinh tại chỗ ở, để phòng chống loại muỗi gây bệnh sinh sản.

Tuần trước, Bộ Y tế cũng đã có Đoàn kiểm tra đến làm việc tại Viện Nhiệt đới Trung ương. Theo đó, Bộ yêu cầu Viện Nhiệt đới Trung ương cũng như các cơ sở y tế khác không được để quá tải bệnh viện, không để xảy ra tình trạng bệnh nhân nằm ghép. Do đó, cần phân loại bệnh nhân rõ ràng để những ca nặng để ở tuyến trên cấp cứu, ca nhẹ chuyển xuống tuyến dưới để theo dõi, điều trị.

“Kinh nghiệm từ tử vong hàng nghìn ca cách đây 10 năm, xuống còn hai con số người mắc SXH tử vong là do công tác lọc bệnh. Do đó, chúng tôi đề nghị các cơ sở y tế phải hết sức chú ý lọc bệnh, phải phân tuyến kỹ thuật. Nếu để quá tải tuyến trên sẽ không thể chăm sóc được hết những ca nặng, sẽ gây nhiều hậu quả. Bộ Y tế quyết tâm không để dịch SXH lan rộng, cố gắng không để nhiều trường hợp tử vong”.

Vừa qua, Bộ Y tế nhận định dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp nên đã tập huấn nhanh về phác đồ điều trị về bệnh SXH và các dịch bệnh khác. Các cơ sở y tế cũng luôn sẵn sàng thuốc men và nguồn lực để đối phó với dịch bệnh.

Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng cho biết, hiện nay Bộ Y tế cũng đã phân tuyến các bệnh viện trong việc điều trị cho người mắc SXH, không để xảy ra quá tải tại BV tuyến trên. Cục cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường nguồn nhân lực, tăng cường làm việc vào ngày cuối tuần để khám, chữa bệnh cho người mắc SXH. “Một ca tại Hà Nội vừa qua là do đội ngũ y tế làm việc cuối tuần bàn giao chưa đầy đủ nên dẫn tới một trường hợp tử vong. Viện Nhiệt đới Trung ương cũng đã họp hội đồng chuyên môn để rút kinh nghiệm” – Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay.

Về những dịch bệnh khác, Bộ Y tế cũng đã sẵn sàng cấp cho các tỉnh các loại thuốc, hóa chất để khử trùng, diệt côn trùng cũng như vắc xin phòng chống các bệnh như viêm não Nhật Bản; thuốc phòng chống dịch khác như bệnh đường ruột phòng tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy…

Dịch SXH diễn biến phức tạp năm 2017

Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, tích lũy 7 tháng đầu năm 2017 ghi nhận 58.888 trường hợp mắc (50.497 trường hợp nhập viện), có 17 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong do SXH chiếm 0,28%, thấp hơn so với các khu vực, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (0,4%). So với cùng kỳ 2016 (44.859/14), số trường hợp nhập viện tăng 12,6%, số trường hợp tử vong tăng ba trường hợp. Số mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền bắc và miền nam, giảm ở khu vực miền trung và Tây Nguyên.

Hiện có 61 tỉnh, thành phố ghi nhận có trường hợp mắc SXH. Có 26 tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ 2016, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Dương, Cà Mau...

Theo ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP Hồ Chí Minh, chu kỳ dịch năm nay tăng cao vì mùa mưa đến sớm. Số ca bệnh cộng dồn đến ngày 6-7 tại TP Hồ Chí Minh là 9.628 ca, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016 (8.422 ca). Ghi nhận 17/24 quận, huyện có số ca SXH được nhập viện tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó quận 12 tăng 85%. TP Hồ Chí Minh ghi nhận ba trường hợp tử vong do SXH và một trường hợp tử vong có yếu tố liên quan đến SXH.

Tại Hà Nội, tính từ ngày 1-1 đến nay ghi nhận 6.699 bệnh nhân mắc SXHD (trong đó gần 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh). Một trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa và hai trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh SXH tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai và phường Cống Vị, quận Ba Đình. Các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (1.407), Hoàng Mai (1.344), Hai Bà Trưng (508), Thanh Trì (427), Thanh Xuân (420), Hà Đông (406).

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, năm nay, dịch SXH đến sớm hơn tại Hà Nội. Thường đỉnh dịch rơi vào tháng 9, nhưng ngay từ tháng 4 đã có ca mắc SXH, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, SXH tập trung ở các quận nội thành, chiếm 90% số bệnh nhân. 40% số người mắc SXH là học sinh và người lao động tự do, chủ yếu sống ở nhà trọ.

Nhờ phát hiện và điều trị sớm nên hiện nay hầu hết số bệnh nhân mắc SXH tại Hà Nội đã được điều trị khỏi và ra viện. Hiện chỉ còn khoảng 700 trường hợp (chiếm 10%) đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Số ca mắc SXH xuất hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 411 xã, phường, thị trấn (chiếm 70% số xã, phường), tuy nhiên hiện tại chỉ còn 236 (40,4%) xã, phường, thị trấn có bệnh nhân mắc mới trong một tuần gần đây.

“Chúng tôi đã tiến hành xử phạt một trường hợp tại quận Cầu Giấy. Khi đoàn đến kiểm tra phát hiện có 2.000 lốp xe ô tô đọng nước nhưng chủ hộ không phối hợp trong phòng, chống dịch. Chúng tôi đã xử phạt 2 triệu đồng và yêu cầu chủ hộ phải làm lán che lốp xe, tránh mưa xuống làm đọng nước” – ông Hoàng Đức Hạnh cho hay.

Theo Cục trưởng Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, sau khi phân tích tình hình dịch tễ học lâm sàng, thì thấy SXH diễn biến nổi trội ở Hà Nội, cao nhất là tại quận Đống Đa. Đặc biệt, phần lớn người mắc SXH là đang trong độ tuổi lao động, từ 15-35 tuổi (chiếm 51%) và thường bị muỗi đốt vào buổi sáng khi đi làm việc. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em mắc SXH chỉ chiếm 5% và người già chiếm 7%.

Thời gian vừa qua, Cục Y tế Dự phòng đã chỉ đạo các cơ sở nắm vững ổ dịch, tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Cả nước ghi nhận 7.476 ổ dịch, đã xử lý 7.224 ổ dịch (đạt tỷ lệ 96,6%). Đã có 35 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện chiến dịch quy mô lớn diệt bọ gậy, lăng quăng phòng chống SXH và zika.

Tiếp tục xử phạt nặng các trường hợp không phối hợp phòng chống dịch, bệnh

Dự báo mùa nắng kéo dài do năm nhuận, dịch đang xu hướng tăng nhanh, do đó Cục trưởng Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu cho rằng, dịch SXH sẽ còn diễn biến phức tạp. Ngoài sự biến đổi phức tạp của thời tiết, thì tập quán của người dân chưa có thay đổi đáng kể trong việc trữ nước và loại bỏ các vật dụng phế thải - là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.

Qua điều tra tại các khu vực trên cả nước, hiện nay ổ bọ gậy - nguồn truyền bệnh SXH rất đa dạng và khác nhau ở từng vùng, nhưng chủ yếu tập trung ở dụng cụ chứa nước, chậu cây cảnh, lọ hoa, phế thải, lốp xe, chum vại và những bãi đất trống, khu nhà xen kẹt không được sử dụng và dọn dẹp. Ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh SXH, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch.

Sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống SXH tại một số địa phương chưa cao. Sau khi vận động đi kiểm tra, Cục Y tế Dự phòng nhận thấy người dân không thay đổi hành vi, việc phun hóa chất chưa hợp tác và phun chưa triệt để. Cụ thể, tại Hà Nội 20% hộ gia đình đi vắng khi diệt bọ gậy, 5% không cho phun hóa chất và 7% hộ gia đình đi vắng khi phun hóa chất trong ổ dịch.

Theo Cục trưởng Trần Đắc Phu, tại TP Hồ Chí Minh, năm 2016 ra quyết định xử phạt 74 trường hợp, từ đầu năm 2017 đến nay đã xử phạt 75 trường hợp. Tại Hà Nội, đã xử phạt một trường hợp tại quận Cầu Giấy năm 2017 do không hợp tác phòng chống dịch. "Tôi đề nghị các địa phương tiếp tục tiến hành xử phạt hành chính các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế để nâng cao ý thức người dân trong công tác phối hợp phòng, chống dịch” – Cục trưởng Trần Đắc Phu bày tỏ.

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, do năm nay nóng nhiều, mùa mưa đến sớm và có áp thấp nhiệt đới, tạo môi trường muỗi truyền bệnh SXH sinh sản nhanh. Tính số mắc trung bình/dân thì thấp so với khu vực nhưng so với năm 2016 tăng và tập trung chủ yếu vào các tỉnh Nam Bộ, Tây Nam Bộ. 3/17 ca tử vong tại Hà Nội, tập trung vào người cao tuổi có kèm theo bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường), còn lại chủ yếu tập trung ở miền trung và miền nam.

“Tôi đề nghị các cơ cở y tế cần nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch và không được chủ quan. Một mặt phòng chống bệnh SXH, mặt khác sẵn sàng đáp ứng với những bệnh khác do biến đổi thời tiết như tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, da liễu, viêm não Nhật Bản…” – Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, tới đây, Bộ sẽ tiếp tục cho tập huấn xử lý dịch bệnh SXH tại cả ba miền. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các cơ sở y tế cần phân tuyến và chuyển tuyến kịp thời, để tránh tình trạng bệnh nhân nặng thêm khi chuyển tuyến; chấm dứt tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép để lây bệnh chéo, nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện. Các cơ sở y tế cần phải tăng cường tổ chức khám, điều trị ban ngày để khám sàng lọc và điều trị kịp thời, cố gắng không để xảy ra thêm các trường hợp tử vong.

10 tỉnh, thành phố có số mắc cao trên 100 nghìn dân là: Đà Nẵng (473,4/100.000 dân), Bình Dương (232,9/100.000 dân), TP Hồ Chí Minh (137,5/100.000 dân), Khánh Hòa (123,8/100.000 dân), Bà Rịa - Vũng Tàu (113,1/100.000 dân), Bình Phước (107,8/100.000 dân), Sóc Trăng (96,8/100.000 dân), Phú Yên (91,6/100.000 dân), Quảng Nam (87,5/100.000 dân), Đồng Nai (85,9/100.000 dân).

10 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tuyệt đối cao nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh (13.429 trường hợp mắc), Bình Dương (4.879), Hà Nội (4.577), Đà Nẵng (4.563), Đồng Nai (2.484), An Giang (2.457), Đồng Tháp (1.707), Sóc Trăng (1.675), Khánh Hòa (1.554), Long An (1.442).

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33564902-60-nghin-ca-mac-sot-xuat-huyet-bo-y-te-hop-truc-tuyen-phong-chong-dich.html