600.000 du khách bơ vơ khi Công ty Du lịch Thomas Cook sụp đổ

Đầu giờ sáng thứ hai, 23-9-2919, Thomas Cook, công ty du lịch và đồng thời cũng là hãng hàng không lâu đời nhất nước Anh bất ngờ tuyên bố phá sản. Động thái này đã khiến khoảng 600.000 du khách hiện đang sử dụng dịch vụ của Thomas Cook bị mắc kẹt trên toàn thế giới.

Khách đi tour Nam Phi của Thomas Cook hoang mang vì tin công ty phá sản.

Khách đi tour Nam Phi của Thomas Cook hoang mang vì tin công ty phá sản.

Ra đời từ cách đây 178 năm, Công ty Thomas Cook, Anh Quốc, hiện sở hữu 50 máy bay phản lực - cả tầm xa lẫn tầm trung. Bên cạnh đó, Thomas Cook còn là chủ của một số những hãng hàng không nhỏ và nhiều công ty dịch vụ lữ hành, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng cùng sân bay Condor ở Đức. Hiện có 21.000 nhân viên đang làm việc cho Thomas Cook, trong đó 9.000 người ở Vương quốc Anh.

Tháng 3-2019, Thomas Cook bất ngờ tuyên bố đóng cửa 21 văn phòng du lịch, sa thải 300 nhân viên trong lúc số khách đặt phòng khách sạn của công ty đang ở mức 64%. Theo các chuyên gia tài chính, thời điểm này Công ty Thomas Cook lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính với món nợ 1.600.000.000 bảng Anh. Và mặc dù đã có những cuộc dàn xếp để “giải cứu” Thomas Cook, chẳng hạn như một công ty Trung Quốc tên là Fosun sẽ bơm 450.000.000 bảng Anh cho các công ty con và Hãng Hàng không Thomas Cook nhưng sau nhiều vòng đàm phán, nỗ lực giải cứu bất thành. Sau đó, công ty đã đề nghị Chính Phủ Anh cho ký quỹ 200.000.000 bảng để ngăn chặn sự phá sản nhưng không thành công.

Một máy bay của Thomas Cook đưa khách du lịch đến Địa Trung Hải.

1 ngày trước khi tuyên bố phá sản, Thomas Cook và đại diện công đoàn công ty đã đề nghị Chính phủ Anh tài trợ khẩn cấp. Tuy nhiên, một nguồn tin có thẩm quyền cho biết “Chính phủ Anh không đánh giá cao về việc điều hành tài chính của Thomas Cook” và điều này đồng nghĩa với việc kế hoạch tài trợ khẩn cấp bị bỏ qua một bên. Theo người phát ngôn của Thomas Cook, tình hình bất ổn chính trị ở Anh liên quan tới việc nước Anh ra khỏi Cộng đồng châu Âu (Brexit) đã gây nguy hại cho các tour du lịch.

Sáng 23-9, Công ty Thomas Cook tuyên bố phá sản. Hệ quả là khoảng 600.000 du khách, trong đó có 150.000 người Anh di theo các tour du lịch của Thomas Cook bị mắc kẹt trên toàn thế giới. Một khách du lịch dấu tên hiện ở đảo Zakynthos, Hy Lạp cho biết bà cùng gia đình đến đây hôm 10-9 và dự kiến sẽ trở về Anh ngày 25-9: “Nhưng nay Thomas Cook đã phá sản. Máy bay của họ không còn bay nữa. Tôi và chồng tôi cùng các con không biết làm sao để về nhà”. Một nhóm khách du lịch New Zealand mua tour của Thomas Cook ở vùng Caribe cũng lâm vào tình trạng bơ vơ mặc dù khách sạn nơi họ cư trú vẫn bảo đảm cho họ về chuyện ăn uống, ngủ nghỉ. Magdelene, một người trong nhóm khách này nói: “Đến trưa thứ hai, chúng tôi được thông báo là các điểm tham quan trong chương trình sẽ bị tạm ngưng, chờ ý kiến của công ty. Khi có người hỏi rằng cả nhóm sẽ quay về bằng phương tiện này thì hướng dẫn viên trưởng không trả lời được.

Trước tình hình ấy, Bộ Giao thông Vận tải và Cơ quan Hàng không dân dụng Anh Quốc (CAA) đã xúc tiến một kế hoạch với tên gọi "chiến dịch Matterhorn," để hồi hương các du khách Anh. Theo CAA, các chuyến bay cứu hộ sẽ diễn ra từ ngày 23-9 đến ngày 6-10 và như vậy, rất nhiều du khách sẽ bị mắc kẹt ở nơi họ đang nghỉ dưỡng khoảng hai tuần. Chi phí hồi hương của họ sẽ do bảo hiểm Anh quốc thanh toán bởi lẽ theo chương trình bảo hiểm tài chính (ATOL), các du khách người Anh đi du lịch ở nước ngoài sẽ được đưa trở về miễn phí trong trường hợp một công ty du lịch ở Anh - là đơn vị tổ chức tour - ngưng hoạt động. Theo CAA, bất cứ du khách người Anh nào đi theo tour của Thomas Cook, đang ở nước ngoài nhưng không nhận được sự hỗ trợ thì hãy gọi cho ATOL. Với những du khách mang quốc tịch khác, CAA khuyên họ liên hệ với công ty phát hành thẻ tín dụng hoặc các hãng bảo hiểm du lịch - là nơi họ đã đóng tiền.

Theo các quan chức CAA, đây là “chiến dịch hồi hương lớn nhất thời bình” trong lịch sử Anh Quốc, lớn hơn cả chương trình hồi hương năm 2017 khi Hãng Hàng không Monarch Airlines phá sản. Việc đưa du khách người Anh trở về sẽ do 2 hãng hàng không là Bristish Airways và Easy Jet đảm trách. Những chiếc máy bay của 2 hãng này đã cất cánh đến châu Âu, châu Phi, Mỹ, vùng Caribe và Trung Đông. Với những du khách mang quốc tịch các quốc gia khác, việc hồi hương cũng sẽ được tiến hành song song bằng cách thuê mướn máy bay của một số hãng khác.

Công ty Thomas Cook khởi sự hoạt động từ năm 1841, khởi đầu bằng tour du lịch “1 ngày trên xe lửa” ở Anh. Trước khi tuyên bố phá sản, Thomas Cook có chi nhánh tại 16 quốc gia. Riêng tại nước Anh, Thomas Cook có 600 chi nhánh. Năm 2018, đã có 2,4 triệu du khách mua tour của công ty này nên chẳng ai nghĩ rằng Thomas Cook sẽ… sập tiệm!

Khi Thomas Cook tuyên bố phá sản, có ít nhất 30 máy bay chở theo gần 1.000 du khách của công ty vẫn đang lênh đênh trên trời. Lúc hạ cánh và lúc biết Thoms Cook đã “sập tiệm”, nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng mặc dù hướng dẫn viên trưởng của một tour đưa khách đi Nam Phi đã trấn an: “Dù có xảy ra chuyện gì chăng nữa, quý vị vẫn được tận hưởng tất cả những gì mà công ty đã nêu ra trong chương trình”…

VŨ CAO

(Theo Daily News)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/du-lich/201909/600000-du-khach-bo-vo-khi-cong-ty-du-lich-thomas-cook-sup-do-874420/