602 bản án, quyết định của các tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ

Ngày 9-12, trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tài trợ, TAND tối cao đã tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Lấy ý kiến góp ý đối với các dự thảo án lệ và dự thảo báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam'.

Hội thảo là hoạt động thuộc Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) - do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính từ UNDP và UNICEF, thực hiện với sự phối hợp của Bộ Tư pháp Việt Nam.

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, việc áp dụng án lệ là một bước tiến mới trong quá trình cải cách tư pháp.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 29 án lệ với 3 án lệ mới về về thụ lý giải quyết vụ án hành chính liên quan đến nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí, sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo chủ nghĩa xã hội trước ngày 1-7-1991.

Tất cả các án lệ đều được TAND tối cao đăng trên Cổng thông tin điện tử để tiện cho cá nhân, tổ chức tra cứu.

Tất cả các án lệ đều được TAND tối cao đăng trên Cổng thông tin điện tử để tiện cho cá nhân, tổ chức tra cứu.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho rằng: “Thứ nhất, hệ thống án lệ của Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và còn nhiều phương diện cần cải thiện. Thứ hai, hoạt động nâng cao năng lực cho thẩm phán và cán bộ tòa án cần được ưu tiên trong những năm tiếp theo.

Thẩm phán và cán bộ tòa án cần hiểu một cách thấu đáo quá trình lựa chọn án lệ và vai trò của họ trong việc đề xuất và áp dụng án lệ. Thứ ba, chúng ta cần thúc đẩy sự tham gia của người dân trong quá trình đề xuất các quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xem xét, phát triển thành án lệ; đồng thời, tạo điều kiện tốt hơn cho thẩm phán, luật sư, chuyên gia pháp lý và các bên liên quan khác tham gia vào quá trình cải thiện hệ thống án lệ”.

Trình bày tóm tắt về Báo cáo nghiên cứu về phát triển án lệ tại Việt Nam, TS Nguyễn Sơn - Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, kể từ khi ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đến trước ngày 15-7-2019 (ngày Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực thi hành), Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành được 26 án lệ, trong đó có 4 án lệ về hình sự, 14 án lệ về dân sự, 6 án lệ về kinh doanh thương mại, 1 án lệ về hành chính và 0 án lệ về lao động.

Ngay sau khi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có hiệu lực pháp luật, TAND tối cao đã triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển án lệ theo quy trình của Nghị quyết mới và đã thông qua 3 án lệ theo trình tự, thủ tục rút gọn, gồm 2 án lệ về hình sự, 1 án lệ về hành chính.

Trong quý IV năm 2019, TAND tối cao đã triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo án lệ và đưa ra lấy ý kiến tại Hội thảo đối với 17 bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn phát triển thành án lệ.
Ngay sau khi án lệ được công bố, các tòa án đã chủ động nghiên cứu để viện dẫn, áp dụng án lệ khi giải quyết các vụ việc tương tự; phân tích, viện dẫn án lệ trong các bản án, quyết định; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau; qua đó bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tại các tòa án.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thì cá nhân, cơ quan, tổ chức, không phân biệt trong hay ngoài tòa án, trực tiếp làm công tác pháp luật hay không làm công tác pháp luật,… đều có thể gửi đề xuất bản án, quyết định cho TAND tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.

Tuy nhiên, chỉ có một số ít các tòa án, đơn vị gửi đề xuất. Số lượng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn gửi bản án, quyết định để đề xuất phát triển án lệ còn rất hạn chế. Đặc biệt là giới luật sư rất quan tâm nghiên cứu án lệ nhưng chưa thực sự tham gia vào công tác đề xuất án lệ.

Theo số liệu thống kê đến ngày 2-12-2019, có 602 bản án, quyết định của các tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ. Thực tiễn xét xử cho thấy những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự như tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ đã được các Thẩm phán giải quyết theo đúng đường lối xét xử mà án lệ đưa ra.

“Nhìn chung, các bản án, quyết định có viện dẫn án lệ đã nêu được số án lệ; số bản án, quyết định có chứa đựng án lệ; phân tích, làm rõ tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết, tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý trong án lệ làm căn cứ để đưa ra quyết định áp dụng án lệ”, báo cáo nêu rõ.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/602-ban-an-quyet-dinh-cua-cac-toa-an-da-vien-dan-ap-dung-an-le-172902.html