67 bị can trong vụ Thuduc House bị truy tố về 10 tội danh

VKSNDTC vừa ban hành cáo trạng truy tố các bị can trong vụ án xảy ra ở Công ty CP phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cục Thuế TP.HCM và các đơn vị liên quan.

Theo đó, VKSNDTC đã truy tố 67 bị can, trong đó có Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu Cục phó Cục Thuế TP.HCM, 17 cựu cán bộ Cục Thuế TP.HCM, 7 người thuộc Cục Hải quan TP.HCM phạm các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Buôn lậu”, “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các cựu lãnh đạo của Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) tại thời điểm bị bắt. Ảnh: CA

Các cựu lãnh đạo của Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) tại thời điểm bị bắt. Ảnh: CA

Trên cơ sở kết quả điều tra xác định, từ năm 2016 đến năm 2020, Trịnh Tiến Dũng (đã bỏ trốn), chỉ đạo việc thành lập, sử dụng nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài nước để thực hiện tội phạm.

Tại Mỹ, Campuchia, Hồng Kông, Malaysia và Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất, Dũng sử dụng pháp nhân các Công ty: Lams, Avi, Kimco, Fomula, Meas Cheny, Rothady, Akchainak, Abutech, DSPSG, WZH, Stronics Global, Icentre...

Tại Việt Nam, Dũng chỉ đạo Trần Hoàn Tiên, Trần Nhất Thanh, Mạc Văn Nguyện, Nguyễn Hoàng Lân, Nguyễn Thiên Phú, Đinh Công Thành... sử dụng CMND của người khác (do cho mượn, bị thất lạc...) thuê làm giả và sử dụng CMND giả để thành lập các công ty.

Theo chỉ đạo, điều hành của Trịnh Tiến Dũng, các công ty trong nước mua bán hàng hóa với nhau để hợp thức việc nâng khống giá trị hàng hóa.

Sau đó, các công ty trong nước lập hồ sơ bán hàng đã được nâng khống giá trị cho các công ty ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền trái phép từ nước ngoài về Việt Nam hoặc lập hồ sơ mua hàng có giá trị cao của công ty ở nước ngoài để hợp thức việc chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài.

Để tạo nguồn hàng hóa xuất khẩu, Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo việc làm giả linh kiện điện tử (Ram, Chip) có dung lượng, tốc độ cao từ các loại linh kiện dung lượng, tốc độ thấp hoặc không có nguồn gốc xuất xứ; làm giả đĩa CD hoặc DVD chứa phần mềm Rom Adobe Creative Suite 6 Design & Web Education Edition Academic ID required giả.

Số hàng giả này hợp thức cho hàng hóa xuất khẩu cho các công ty khác nhau nhưng đều được vận chuyển đến Campuchia hoặc Hồng Kông, sau đó quay vòng về Việt Nam (gửi lẫn với hàng hóa nhập khẩu khác hoặc thuê xe khách vận chuyển bằng đường bộ từ Campuchia).

Trịnh Tiến Dũng trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên liên hệ với Nguyễn Văn Lành và lãnh đạo Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Tây Nam (Công ty Sài Gòn Tây Nam) để bàn bạc, thống nhất việc Công ty của Nguyễn Văn Lành, Công ty Sài Gòn Tây Nam thực hiện các thương vụ mua linh kiện điện tử, sau đó xuất khẩu theo chỉ định của Dũng (về chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa; bên mua, bên bán hàng hóa đều là các công ty của Dũng).

Thông qua việc thanh toán tiền mua hàng và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của hàng hóa xuất khẩu, Trịnh Tiến Dũng và đồng phạm đã chiếm đoạt của Nhà nước toàn bộ tiền thuế GTGT đã được hoàn của các thương vụ nêu trên.

Trịnh Tiến Dũng cư trú tại Mỹ từ năm 2019, Dũng cho thành lập nhiều nhóm chat trên ứng dụng WhatsApp để chỉ đạo điều hành các đồng phạm ở trong nước.

Đối với Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, cáo trạng xác định, công ty này sử dụng bộ hồ sơ xuất khẩu hàng hóa (được hợp thức hóa nguồn hàng đầu ra, đầu vào) lập 17 bộ hồ sơ, đề nghị hoàn thuế và đã được Cục thuế TP.HCM ban hành 17 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền trên 365 tỷ đồng đồng.

Phong Vân

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/67-bi-can-trong-vu-thuduc-house-bi-truy-to-ve-10-toi-danh-370815.html