681 người vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông có quá nhiều?

Hôm nay (20/9), Ban QLDA Đường sắt và tổng thầu dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu vận hành thử toàn hệ thống.

Bên trong tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang chạy trên chính tuyến - Ảnh: Khánh Linh

Thời gian 3-6 tháng vận hành thử cũng là giai đoạn đào tạo thực hành, sát hạch lực lượng nhân sự quản lý, vận hành chính thức tuyến đường sắt đô thị đặc biệt quan trọng này.

Bộ máy vận hành 681 nhân sự

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, bộ máy quản lý khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu, trong đó khai thác vận hành 12 đoàn và 1 đoàn dự phòng. Nhân sự phục vụ trong giai đoạn khai thác gồm 681 người (không kể bảo vệ, nhân viên vệ sinh) trực tiếp tham gia hệ thống quản lý, khai thác vận tải thương mại. Các nhân sự này được chia thành 21 bộ phận, trung tâm để đảm nhiệm tất cả các công việc của tuyến đường sắt (quản lý vận hành, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa).

Về số lượng nhân sự, một số bộ phận có số lượng lớn từ trên 50 đến hơn 200 người gồm: Trung tâm Ga vận tải hành khách 254 người: nhân viên vé, quản lý hành chính, quản lý tổng hợp, tác nghiệp tổng hợp, phụ trách an toàn, trưởng bộ phận, trưởng ca; Trung tâm Tàu khách 86 người, riêng lái tàu 46, lái dồn và thử tàu 12 người; Trung tâm Kiểm tra và sửa chữa tàu 53 người; Trung tâm Sửa chữa thiết bị nhà ga 60 người, riêng thợ sửa chữa tổng hợp 42 người, Trung tâm Sửa chữa thông tin tín hiệu 62 người, gồm 48 công nhân sửa chữa thông tin, tín hiệu và máy soát vé tự động.

"Số lượng nhân sự tham gia vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông thực hiện theo dự án được phê duyệt. Thời gian vận hành thử cũng là giai đoạn để đánh giá sự phù hợp về số lượng, chất lượng, mô hình tổ chức, nếu phát hiện không hợp lý sẽ có sự điều chỉnh để phù hợp nhất”.

Ông Vũ Hồng Trường
Tổng giám đốc Metro Hà Nội

Trả lời câu hỏi của PV, bộ máy 681 người tham gia quản lý, khai thác vận hành tuyến đường sắt chỉ có chiều dài hơn 13km có cồng kềnh? Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết: “Số lượng nhân viên và việc tổ chức thành các bộ phận như trên được tính toán, sắp xếp đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt. Quá trình thử nghiệm cũng nhằm đánh giá sự phù hợp về số lượng, mô hình tổ chức khai thác vận hành sau này”.

Đại diện Ban QLDA Đường sắt cho biết thêm, theo quy mô dự án, có 651/681 nhân sự được đào tạo bằng nguồn kinh phí của dự án. Trong đó, 201 người được đào tạo tại Trung Quốc và 450 người đào tạo lý thuyết tại Việt Nam. Trong giai đoạn vận hành thử, lực lượng nhân sự tiếp tục được đào tạo thực hành.

Tuy nhiên, đề cập vấn đề tổng số lượng nhân lực này, TSKH. Nguyễn Hữu Hà, chuyên gia về lĩnh vực kinh tế vận tải đường sắt cho rằng, theo cảm tính, số lượng trên hơi nhiều so với nhu cầu thực tế. “Số lượng ít hay nhiều cũng cần có sự đánh giá, xét cụ thể từ quy trình công nghệ, khai thác vận hành để xử lý khối lượng công việc cụ thể”, TSKH. Nguyễn Hữu Hà nói.

Ông Nguyễn Ân, chuyên gia về đường sắt cho rằng, không nên nhìn con số 681 người để nói ít hay nhiều vì dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là dự án đầu tiên. “Sau này còn có các dự án đường sắt đô thị khác, nên nhân sự của dự án đầu tiên có thể đáp ứng nhu cầu của các dự án tiếp theo?”, ông Ân đặt vấn đề.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đường sắt đô thị sử dụng công nghệ khác với đường sắt quốc gia hiện tại nên chưa thể đánh giá số lượng nhân sự này là nhiều hay ít. Cũng như tùy thuộc vào phương án tổ chức khai thác, quá trình vận hành mới có thể đánh giá về mô hình tổ chức, số lượng nhân lực tham gia khai thác dự án đường sắt đô thị.

Theo Ban QLDA đường sắt, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vé tàu là thẻ từ (sử dụng 1 lần hoặc nhiều lần, dự án cung cấp 10.000 vé), được kiểm soát bởi hệ thống máy soát vé tự động tại các nhà ga. Hệ thống soát vé tự động cũng giảm được đáng kể lượng nhân sự.

Các kỹ sư kiểm tra hệ thống điều hòa khi tàu chạy trên chính tuyến - Ảnh: Khánh Linh

Vận hành thử toàn tuyến, đào tạo nhân lực trực tiếp

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, trong sáng nay (20/9) dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) chính thức bước vào giai đoạn vận hành thử toàn hệ thống trong 3-6 tháng, chuẩn bị cho giai đoạn vận hành, khai thác thương mại. “Ngày đầu vận hành thử có 5 đoàn tàu chạy trên tuyến chính, cách nhau 10 phút và được vận hành qua hệ thống điều khiển tự động. Trong thời gian đầu vận hành thử, chỉ những người được phân công nhiệm vụ mới được tham gia vận hành. Khi hệ thống hoạt động ổn định, nhân sự của đơn vị khai thác, vận hành sau này được đưa vào để kết hợp đào tạo thực hành tại dự án”, ông Phương nói.

Tổng giám đốc Công ty Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết, lực lượng nhân sự của dự án ký hợp đồng với Metro Hà Nội, đã hoàn thành đào tạo giai đoạn I. Trong đó, lái tàu được đào tạo thực tế tại Trung Quốc và tất cả đã sẵn sàng để tham gia giai đoạn thực hành tại dự án.

Ông Trường cũng thông tin, kết quả khảo sát cho thấy, 98% người dân được hỏi cho biết đều biết đến dự án trên và 95% số người được hỏi cho biết sẽ đi thử ít nhất một lần. Hiện, dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội. Đa phần người dân được hỏi cho biết, đồng tình sử dụng tàu điện với giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35 - 37%, nhưng đa phần mọi người thích sử dụng vé tháng hơn và chấp nhận cao hơn 10 - 15% xe buýt.

Ban QLDA Đường sắt cho biết, thời gian vận hành thử có sự giám sát, đánh giá của liên danh tư vấn độc lập Apave-Certifier-Tricc và là một khâu trong quy trình đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau giai đoạn vận hành thử, tư vấn sẽ đánh giá, chứng nhận hệ thống an toàn chất lượng của dự án và trình Cục Đăng kiểm VN thẩm định, cấp chứng nhận để đưa vào khai thác chính thức.

Hồng Xiêm

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/681-nguoi-van-hanh-duong-sat-cat-linh--ha-dong-co-qua-nhieu-d272531.html