7 'bảo bối' tự có cha mẹ giúp con sáng tạo không ngừng

Tất cả các hoạt động để hỗ trợ phát triển sự sáng tạo ở trẻ sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi bố mẹ có thái độ tích cực đối với hoạt động và kết quả sáng tạo của con.

Các bậc cha mẹ có cho rằng sáng tạo mang tính di truyền hay năng khiếu?

Thực tế thì “sáng tạo” được P21 - Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận tập hợp các nhà hoạch định chính sách và các nhà giáo dục hàng đầu tại Hoa Kỳ - liệt kê là 1 kỹ năng mà con người có thể rèn luyện và học tập.

Vậy sáng tạo là gì?

Sáng tạo có thể được định nghĩa theo nhiều cách, nhưng P21 định nghĩa sáng tạo theo 3 khía cạnh như sau:

i. Tư duy sáng tạo: tạo ý tưởng mới, xây dựng và tinh chỉnh để hoàn thiện hơn nữa ý tưởng ban đầu.

ii. Làm việc với người khác một cách sáng tạo: xây dựng, triển khai và truyền đạt ý tưởng mới cho người khác một cách hiệu quả; cởi mở và đón nhận những quan điểm mới và đa dạng; Xem thất bại như một cơ hội để học hỏi; hiểu rằng sự sáng tạo và đổi mới là một phần của một quá trình dài hạn, có chu kỳ của những thành công nhỏ và những sai lầm thường gặp.

iii. Thực hiện đổi mới: Triển khai những ý tưởng sáng tạo để đưa vào thực tế. Phần này là nội dung quan trọng nhất đòi hỏi trẻ phải không sợ sai và nỗ lực đến cùng để hoàn thiện sản phẩm từ ý tưởng ban đầu.

Bố mẹ làm thế nào để nâng cao năng lực sáng tạo cho con?

Bám theo 3 nội dung của sáng tạo của P21 như nêu trên, bố mẹ có thể hỗ trợ con để nâng cao năng lực sáng tạo như sau:

TƯ DUY SÁNG TẠO

Tăng cường tư duy sáng tạo cho con bằng cách luôn hướng con đến những suy nghĩ nhằm tìm hiểu nguyên nhân vấn đề như:

• Thay vì hỏi "Con có thấy cầu vồng trên bầu trời?" thì hỏi "Bố đang tự hỏi làm thế nào cầu vồng lại có trên bầu trời?"

• Hoặc gợi ý con trở thành nhà thiết kế: “Nếu phòng con thiết kế lại, con thích bố trí đồ đạc trong phòng như thế nào?”

Đọc truyện: khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ nên dành thời gian đọc truyện cho bé mỗi ngày. Hoạt động này không chỉ giúp phát triển IQ, EQ mà còn làm tăng khả năng tưởng tượng và sáng tạo của trẻ.

LÀM VIỆC VỚI NGƯỜI KHÁC MỘT CÁCH TÍCH CỰC.

Thường xuyên cho con tham gia vào các chương trình trải nghiệm hoặc học tập có hoạt động nhóm.

Chơi tự do cùng các bạn: chơi tự do khuyến khích trẻ phát triển mối quan hệ, biết cộng tác và sáng tạo. Bởi thế mà tháng 9 vừa qua tại Hoa Kỳ đã có hẳn 1 báo cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ mang tên “Trẻ em đang bị lên lịch học hành/hoạt động có tổ chức quá nhiều khiến các bác sĩ phải kê đơn CHƠI TỰ DO cho trẻ”.

HỖ TRỢ CON TỰ TAY THỰC HIỆN ĐỔI MỚI

Đây là phần quan trọng nhất và cần được chú trọng phát triển vì ý tưởng dù hay đến đâu cũng chỉ là trên giấy nếu không được triển khai và đưa vào cuộc sống.

Để hỗ trợ con ở phần này, phụ huynh hãy:

Tạo cơ hội để con tiếp xúc sớm với hội họa, và trẻ cần được tự do vẽ các ý tưởng của mình mà không có sự phán xét của phụ huynh.

Sáng tác chuyện: Song song với hoạt động đọc chuyện ở phần phát triển tư duy ở trên, bố mẹ đôi khi dừng lại câu chuyện đang đọc và hỏi xem con nghĩ rằng nội dung tiếp theo của câu chuyện là gì, nếu con là tác giả thì con thích viết tiếp như thế nào.

Sáng tác kịch bản phim: Tương tự như hoạt động sáng tác chuyện nêu trên, bố mẹ cũng có thể đặt câu hỏi tương tự khi cả nhà cùng xem hoặc vừa xem phim xong.

Hướng dẫn trẻ làm thủ công hoặc các mô hình khoa học để trẻ thực sự có thói quen tự tay triển khai ý tưởng và có thể biết chính xác ý tưởng của mình sẽ có hình dạng, mùi vị, âm thanh, màu sắc như thế nào.

7 thái độ của phụ huynh

Tất cả các hoạt động để hỗ trợ phát triển sự sáng tạo ở trẻ đã nêu trên sẽ chỉ thực sự có hiệu quả khi bố mẹ có thái độ tích cực đối với hoạt động và kết quả sáng tạo của con.

Thái độ tích cực đó gồm:

1. “Chấp nhận mắc lỗi/ không sợ thất bại” bởi đó là điều kiện cần thiết để thực hiện bất kỳ một ý tưởng sáng tạo nào.

Như với Edison, thay vì dùng từ thất bại, ông đã nói “Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động để sáng chế được bóng đèn”. Và nghiên cứu khoa học cũng chứng minh rằng những đứa trẻ sợ mắc lỗi, sợ thất bại chính là đứa trẻ kém sáng tạo.

2. “Chấp nhận sự bừa bộn”: hầu hết bố mẹ đều thích một không gian sạch sẽ và bị choáng ngợp khi không gian bừa bộn.

Tuy nhiên, khi trẻ em thực hiện đổi mới để triển khai các ý tưởng sáng tạo của mình thì không gian quanh trẻ chắc chắn sẽ rất bừa bộn, bố mẹ hãy bình tĩnh và cho con thời gian để sau khi sáng chế con thu dọn gọn gàng nhé.

3. “Luôn tư duy mở”: trước khi có được một ý tưởng thực sự sáng lạn, trẻ chắc chắn sẽ trải qua hàng ngàn ý tưởng dường như là “không để làm gì cả” tuy nhiên bố mẹ hãy luôn chào đón các ý tưởng mới từ con trẻ để nuôi dưỡng “tính cải cách” trong tư duy của trẻ nhé.

4. Luôn khích lệ, động viên trẻ: Sáng tạo là một hoạt động đòi hỏi sự tập trung và kiên trì rất cao, đặc biệt khi trẻ thực hiện quá trình đổi mới, do đó trẻ cần nhận được sự khích lệ và động viên đúng lúc, đúng cách của bố mẹ để duy trì sự say mê và quyết tâm hoàn thành sản phẩm.

5. Có góc sáng tạo của riêng mình: Khi thấy bố mẹ mình tham gia vào các hoạt động sáng tạo thường xuyên, trẻ em sẽ có nhiều khả năng cũng ham thích và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động sáng tạo hơn. Vì vậy, bố mẹ hãy có cho riêng mình một góc sáng tạo nhé.

6. Tôn trọng quá trình sáng tạo của trẻ: Quá trình sáng tạo đòi hỏi thời gian và sự tập trung cao độ, vì vậy bố mẹ hãy thực sự tôn trọng khoảng thời gian này của con bằng cách giữ cho không gian xung quanh yên tĩnh, không làm phiền con bằng những câu hỏi như “Con đang vẽ gì thế”, “Con đang xây cầu đấy à” …

Những câu hỏi tưởng chừng như là đang quan tâm tới con thực ra là yếu tố gây nhiễu quá trình sáng tạo của con, thay vào đó, phụ huynh hãy tự pha một tách cà phê và tận hưởng một khoảnh khắc cho chính mình!

7. Giảm thiểu thời gian sử dụng thiết bị điện tử có màn hình (tivi, điện thoại, máy tính bảng, laptop): Nghiên cứu khoa học cho hay việc thường xuyên ngồi trước màn hình để xem/chơi sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng tập trung, trí nhớ và khả năng giao tiếp không chỉ của trẻ nhỏ mà với tất cả mọi người.

Tuy nhiên, thật khó để một số gia đình có thể loại bỏ hoàn toàn thời gian ngồi trước màn hình, nhưng tất cả chúng ta có thể cố gắng dành ít thời gian ngồi trước màn hình hơn. Việc này sẽ giúp cho trẻ có nhiều thời gian để sáng tạo hơn và cũng tăng khả năng sáng tạo của trẻ.

Hiền Phan (Founder Little Sharks STEM Education)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/cha-me-lam-gi-de-phat-trien-ky-nang-sang-tao-o-tre-528717.html