7 cách giúp bạn tận dụng tốt mạng lưới quan hệ của mình

Việc nuôi dưỡng mạng lưới của bạn là điều rất quan trọng. Nếu bạn thực sự quan tâm đến mạng lưới của mình, mọi người sẽ đến hỗ trợ bạn khi bạn cần.

Bạn gặp một chuyên gia thú vị tại hội nghị và hai người trao đổi danh thiếp. Bạn được làm việc với một nhóm tài năng và đã có những kết nối với nhau trước khi chuyển sang vị trí tiếp theo. Trong suốt cuộc đời của mình, chúng ta sẽ gặp những người có thể giúp chúng ta học hỏi và phát triển cả về chuyên môn và cá nhân. Nhưng làm thế nào nào để đảm bảo rằng chúng ta đang nuôi dưỡng mạng lưới đó? Dưới đây chính là 7 lời khuyên hữu ích dành cho bạn:

1. Xác định những gì bạn cần và những gì bạn có thể cho đi

Mạng lưới chính là cho và nhận. Bạn đã nghĩ về những kỹ năng và kinh nghiệm mà mình có thể chia sẻ với người khác chưa? Bạn có thể có rất nhiều thứ để chia sẻ hơn là những gì mình vẫn nghĩ. Hãy ngồi xuống và suy nghĩ về những khả năng, kiến thức và kỹ năng nổi bật mà bạn có thể chia sẻ với mọi người. Nếu cảm thấy cần, bạn có thể nhờ bạn bè hoặc đồng nghiệp đáng tin cậy giúp đỡ.

Tiếp theo, hãy lập danh sách những gì bạn muốn học, loại kỹ năng bạn muốn có được, những lĩnh vực kiến thức mà bạn quan tâm. Thỉnh thoảng hãy xem danh sách của bạn và ghi nhớ chúng khi tương tác với những người khác trong mạng lưới của bạn. Đừng quên hãy giúp đỡ người khác khi bạn có thể.

2. Duy trì chất lượng hơn số lượng

Thật thú vị khi bạn phát triển được mạng lưới chuyên nghiệp của mình, nhưng đừng vì thế mà chỉ quan trọng tới số lượng. Nếu bạn theo dõi rất nhiều người và đồng ý với tất cả những người yêu cầu kết nối với bạn, bạn sẽ nhanh chóng có một danh sách dài "bạn bè" và dĩ nhiên sẽ gồm cả những người lạ hầu như không liên quan gì đến sở thích hay nghề nghiệp của bạn. Việc có một danh sách liên lạc dài vô tận trong điện thoại của bạn hoặc một số lượng lớn bạn bè trên Facebook sẽ chỉ hữu ích khi bạn thực sự duy trì kết nối có ý nghĩa với những người đó.

Ví dụ: Trên LinkedIn, hãy cố gắng chỉ kết nối với những người, những công ty, những chuyên gia và những người có ảnh hưởng, có liên quan đến mục tiêu và sở thích nghề nghiệp của bạn. Điều này sẽ đảm bảo rằng nguồn cấp dữ liệu LinkedIn của bạn sẽ chứa đầy thông tin thực tế và hữu ích.

3. Tìm những người sẽ củng cố mạng lưới của bạn

Khi tìm kiếm trên bất kỳ nền tảng xã hội nào và bạn sẽ thấy hàng nghìn nhóm có liên quan đến sở thích và mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Với rất nhiều lựa chọn, làm thế nào để bạn chọn ra các cộng đồng thực sự giúp mình nuôi dưỡng mục tiêu và phát triển mạng lưới? Hãy gắn bó với các nhóm được tổ chức tốt mà bạn đã có kết nối, cân nhắc xem xét:

Các nhóm trực tuyến dành cho sinh viên của bất kỳ hội thảo, lớp học hoặc chứng chỉ nào mà bạn đã hoàn thành.

Các hội cựu sinh viên đại học thường phân theo địa điểm sinh sống và cũng có thể có một nhóm dành riêng cho mạng lưới chuyên nghiệp.

4. Kết nối với mọi người ngay cả khi bạn không cần bất cứ thứ gì

Kết nối trực tuyến là một cách tốt để bạn giữ liên lạc với ai đó. Điều này là chia sẻ một bài báo về xu hướng mới thú vị hoặc một nghiên cứu mới có liên quan... Nếu bạn chưa từng gặp mặt trực tiếp người đó, đừng chia sẻ hình ảnh chú chó dễ thương của bạn. Hãy đảm bảo rằng bạn đã thiết lập mối quan hệ trước đó bằng cách bám vào các chủ đề chuyên môn, điểm chung giữa hai người trước khi chia sẻ nhiều hơn về cuộc sống riêng. Bạn không bao giờ biết liệu người này có thể giới thiệu bạn với một nhà tuyển dụng hay không hoặc thậm chí trở thành ông chủ tiếp theo của bạn.

5. Tận dụng các chương trình hội chợ nghề nghiệp và các sự kiện khác

Hãy tham gia vào các chương trình mà bạn có thể tương tác với đồng nghiệp của mình cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực hoạt động. Ngoài việc học các kỹ năng mới và khám phá các nguồn tài nguyên quan trọng, bạn sẽ có những kết nối lâu dài và đích thực.

Bất cứ khi nào bạn có cơ hội tham dự hội chợ nghề nghiệp, hãy nói có. Bạn có thể gặp gỡ được những người đến từ nhiều công ty khác nhau. Tương tác cá nhân này là một cách tuyệt vời để bạn xây dựng mối quan hệ với công ty và tìm hiểu xem đó có phải là nơi dành cho mình hay không. Đây cũng là cách để bạn phát triển mạng lưới chuyên nghiệp của mình.

6. Học cách yêu cầu giúp đỡ

Khi bạn yêu cầu mạng lưới của mình giúp đỡ qua một bài đăng công khai hoặc email cá nhân, điều quan trọng nhất là phải trung thực và thể hiện sự biết ơn. Bạn có thể muốn hỏi về các đề xuất cho người cố vấn hoặc huấn luyện viên kinh doanh hoặc tìm kiếm ý tưởng về các lớp học, cuốn sách hoặc chương trình đào tạo.

Ai cũng vậy, đều có thể cảm thấy lạc lõng, bối rối và choáng ngợp khi khám phá các lựa chọn nghề nghiệp của mình. Hãy hít thở sâu và nhớ rằng mình hoàn toàn có thể đề nghị sự trợ giúp.

7. Hãy là con người chân thực của bạn

Trên các bài đăng trên mạng xã hội và trong quá trình tương tác với mọi người trong mạng lưới của bạn, hãy nhớ trung thực. Hãy để tính cách của bạn tỏa sáng, đề cập đến sở thích hiện tại của bạn nếu chủ đề đó xuất hiện. Đó có thể là các mối quan hệ phát triển dựa trên niềm đam mê chung, không nhất thiết phải liên quan đến công việc. Tất nhiên, vẫn cần có sự cân bằng tốt để duy trì, đừng chia sẻ quá mức về những chuyện cá nhân hoặc trở thành kẻ thích ngồi lê đôi mách. Hãy đảm bảo rằng bạn cư xử phù hợp với văn hóa công ty. Các nhà tuyển dụng tiềm năng thường sẽ kiểm tra các nền tảng truyền thông xã hội của bạn để tìm ra bạn là ai ngoài bản lý lịch mà bạn gửi cho họ.

NGUYỄN HƯỜNG

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/7-cach-giup-ban-tan-dung-tot-mang-luoi-quan-he-cua-minh-5120222910853159.htm