7 cây cầu huyết mạch kết nối TP.HCM với Đồng Nai

Ngoài cầu Đồng Nai, Long Thành đang khai thác, kết nối giữa TP.HCM với Đồng Nai còn thêm 5 cầu khác gồm cầu Phước Khánh, Nhơn Trạch, Cát Lái, Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2.

TP.HCM và Đồng Nai là hai tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Hiện nay, TP.HCM với Đồng Nai kết nối giao thông chủ yếu qua đường bộ, thông qua trục cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (tại vị trí cầu Long Thành) và cao tốc Bến Lức - Long Thành đang thi công (tại vị trí cầu Phước Khánh).

Kết nối giao thông qua quốc lộ 1 (tại cầu Đồng Nai) và quốc lộ 1K (qua địa phận tỉnh Bình Dương sang Đồng Nai qua cầu Hóa An).

Kết nối Vành đai 3 - TP.HCM tại vị trí cầu Nhơn Trạch.

Sở GTVT TP.HCM cho biết, với khoảng 40km chiều dài đường sông tiếp giáp giữa 2 địa phương (từ cầu Đồng Nai đến cầu Phước Khánh), theo quy hoạch có 5 cầu, gồm: Đồng Nai, Long Thành, Nhơn Trạch, Cát Lái và Phước Khánh.

Qua rà soát các quy hoạch liên quan và số liệu lưu lượng giao thông kết nối TP.HCM với Đồng Nai, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải đã tính toán, dự báo đến năm 2026 số cầu vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Do đó, Sở này đề xuất bổ sung thêm cầu Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2 vào quy hoạch.

Bản đồ hiện trạng và quy hoạch cầu kết nối giữa TP.HCM với Đồng Nai. Trong đó, TP.HCM có đề xuất bổ sung thêm vào quy hoạch cầu Phú Mỹ 2 và Đồng Nai 2. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM

Bản đồ hiện trạng và quy hoạch cầu kết nối giữa TP.HCM với Đồng Nai. Trong đó, TP.HCM có đề xuất bổ sung thêm vào quy hoạch cầu Phú Mỹ 2 và Đồng Nai 2. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM

Cầu Đồng Nai

TP.HCM kết nối với Đồng Nai trên tuyến đường quốc lộ 1 bằng cầu Đồng Nai (bắc qua sông Đồng Nai). Cầu Đồng Nai hiện có hai nhánh gồm một nhánh xây mới và một nhánh cải tạo lại.

Trong đó, cầu Đồng Nai cũ được xây dựng từ năm 1964 và đến những năm đầu của thế kỷ XXI, cầu có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng; nguy cơ sập bất cứ lúc nào do phải cõng hàng chục nghìn phương tiện xe container, xe tải... lưu thông mỗi ngày.

Tháng 6/2008, cầu Đồng Nai mới được xây dựng ngay cạnh cầu cũ, tổng mức đầu tư hơn 1.870 tỷ đồng. Phần cầu chính dài hơn 460m, rộng 20m với 5 làn xe.

Đến cuối năm 2009, sau 18 tháng thi công xây dựng, cầu Đồng Nai mới hoàn thành, đưa vào khai thác. Sau đó, cầu Đồng Nai cũ cũng được cải tạo lại để đảm bảo an toàn giao thông.

Cầu Long Thành nằm trên tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây. Ảnh: VEC

Cầu Long Thành

Cầu Long Thành nằm trên tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây. Cầu Long Thành bắc qua sông Đồng Nai, nối liền TP Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai.

Đây là gói thầu số 2 của dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (giai đoạn 1) với tổng chiều dài là 3,1km, trong đó phần cầu dài hơn 2,3km (phần còn lại là đường dẫn vào cầu), rộng 19,7m.

Cầu được thiết kế cho 4 làn xe lưu thông với vận tốc thiết kế 100km/giờ, giá trị hợp đồng của gói thầu là hơn 1.200 tỷ đồng.

Sau hơn 8 năm đưa vào khai thác, hiện tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe đã quá tải, nhu cầu thông qua hiện vượt 25% so với năng lực của tuyến.

Cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây thường xuyên xảy ra ùn tắc do mãn tải

Theo đánh giá của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không đáp ứng được nhu cầu vận tải trên tuyến.

Đặc biệt, đến năm 2025, sân bay Long Thành khai thác, dự án sẽ không thể đáp ứng khả năng thông hành.

Do đó, VEC đã kiến nghị đầu tư mở rộng cao tốc này đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ 4 lên 8 hoặc 10 làn xe theo quy hoạch.

Mô phỏng cầu Phước Khánh

Cầu Phước Khánh

Khởi công năm 2015, cầu Phước Khánh trên cao tốc Bến Lức - Long Thành nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 3,1km, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.

Cầu Phước Khánh được thiết kế là cầu dây văng cao nhất nước, tĩnh không 55m, cho luồng hàng hải tàu biển cập cảng TP.HCM. Cầu rộng gần 22m cho 4 làn xe, trong giai đoạn một cho xe chạy vận tốc 80km/h và giai đoạn hoàn chỉnh là 100km/h.

Cầu dự kiến hoàn thành thông xe năm 2025 cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành, giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM.

Đồng thời, dự án sẽ nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc - quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cầu Nhơn Trạch

Cầu Nhơn Trạch nằm trên trục Vành đai 3, bắc qua sông Đồng Nai nối TP Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch được khởi công tháng 9/2022.

Theo thiết kế, cầu dài hơn 2,6km, rộng 19,5m cho 6 làn xe, tổng vốn hơn 1.800 tỷ đồng. Cầu có tĩnh không cao 30,5m, thiết kế khoang thông thuyền 110m đáp ứng tàu tải trọng 5.000 tấn chạy phía dưới.

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch. Ảnh: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận

Cầu dự kiến thông xe năm 2025, sẽ rút ngắn hành trình từ Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương. Công trình tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông ở cầu Đồng Nai và các đường nội đô TP.HCM.

Ngoài ra, dự án cũng góp phần hoàn chỉnh hệ thống Vành đai 3 theo quy hoạch chi tiết được Thủ tướng phê duyệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.

Dự án cầu Cát Lái sẽ thay thế phà Cát Lái hiện hữu để kết nối TP Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai)

Cầu Cát Lái

Cầu Cát Lái kết nối TP Thủ Đức (TP.HCM) qua huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), được người dân chờ đợi hơn 20 năm qua.

Dự án được Thủ tướng chấp thuận và đưa vào quy hoạch năm 2017. Thời điểm đó, cầu Cát Lái được nghiên cứu dài 4,5km với 8 làn xe. Công trình bắt đầu từ nút giao Mỹ Thủy (TP Thủ Đức), đi theo đường Nguyễn Thị Định, vượt sông hướng về tỉnh lộ 25B ở Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Tuy nhiên, Sở GTVT TP.HCM cho biết, với quy mô trên, khi xây dựng cầu Cát Lái sẽ phải điều chỉnh đường Nguyễn Thị Định từ 60m lên 77m, ảnh hưởng đến tình hình sử dụng đất hai bên. Do vậy, Sở GTVT đề xuất điều chỉnh quy mô cầu thành 6 làn xe để phù hợp việc triển khai.

Ngoài thay thế phà Cát Lái, dự án còn được đánh giá quan trọng trong hệ thống giao thông giữa hai địa phương khi sân bay Long Thành đưa vào hoạt động năm 2025. Lúc đó, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C hình thành tuyến kết nối TP.HCM - sân bay Long Thành, chia sẻ lượng xe với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải.

Ngoài ra, công trình còn được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, nhất là phía huyện Nhơn Trạch khi nơi này được quy hoạch lên thành phố.

Cầu Phú Mỹ 2

Ngoài 3 cây cầu trên, hiện TP.HCM và Đồng Nai đang nghiên cứu bổ sung thêm 2 cầu mới vào quy hoạch nhằm tăng kết nối giữa hai địa phương.

Theo đó, cầu Phú Mỹ 2 có quy mô 6 làn xe, kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch.

Cầu có hướng tuyến từ sông Đồng Nai đi theo đường Hoàng Quốc Việt (6 làn xe) và kết nối nhánh rẽ với đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7). Sau đó, cầu nối vào đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ Nguyễn Lương Bằng đến Nguyễn Hữu Thọ sẽ có 4 làn xe).

Vị trí giao nhau với đường Nguyễn Hữu Thọ sẽ được đề xuất phương án làm nút giao khác mức (dự kiến tuyến chính Nguyễn Hữu Thọ đi trên cao để hạn chế ảnh hưởng đến các đồ án quy hoạch).

Cầu Đồng Nai 2

Cầu Đồng Nai 2 có quy mô 6 làn xe kết nối từ TP Thủ Đức qua huyện Long Thành (Đồng Nai).

Hướng tuyến của cầu bắt đầu từ Vành đai 3 tại nút giao Gò Công (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức), sau đó vượt sông Tắc đến cù lao Long Phước, nối đường ĐT 777B ở xã Tam An (huyện Long Thành, Đồng Nai). Chiều dài tuyến ở TP.HCM khoảng 5,4 km.

Tuấn Kiệt

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/7-cay-cau-huyet-mach-ket-noi-tphcm-voi-dong-nai-2101537.html