7 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2018

Đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp; Hướng dẫn mới về tính giá điện cho người thuê nhà; Không có tài sản đảm bảo, nông dân vẫn được vay đến 200 triệu; Tăng mức trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã xuất ngũ… là những chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2018.

1. Đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi nhiều quy định về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP hiện hành, theo đó:

- Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị ĐKDN, thông báo thay đổi nội dung ĐKDN, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ ĐKDN;

- Doanh nghiệp có thể đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đồng thời đăng ký thay đổi nội dung ĐKDN, thông báo thay đổi nội dung ĐKDN khác, trừ trường hợp đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật;

- Bổ sung quy định cụ thể về đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh;

- Doanh nghiệp không nhất thiết phải lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh…

Nghị định có hiệu lực từ 10/10/2018.

2. Hướng dẫn mới về tính giá điện cho người thuê nhà

Theo Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương, cách tính giá điện cho sinh viên và người lao động thuê nhà (không phải một gia đình) như sau:

- Nếu thuê nhà có hợp đồng thuê từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện người thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà);

- Nếu thuê nhà có hợp đồng thuê dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3: Từ 101 - 200kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

Nếu kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì chủ nhà được cấp định mức sử dụng điện theo nguyên tắc cứ 04 người được tính là 01 hộ sử dụng điện.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 26/10/2018.

3. Không có tài sản đảm bảo, nông dân vẫn được vay đến 200 triệu

Theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, sẽ tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như sau:

- Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 200 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng);

- Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh về nông nghiệ được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng)…

Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/10/2018.

4. Hỗ trợ cho hộ gia đình sản xuất sản phẩm hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không sử dụng phân bón, chất diệt cỏ và thuốc trừ sâu hóa học… Hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, trang trại sản xuất sản phẩm nông nghiệp này sẽ được hưởng nhiều hỗ trợ - theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, các đối tượng nêu trên sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ; Hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ; Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ…

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.

5. Tăng mức trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã xuất ngũ

Đây là nội dung của Thông tư 138/2018/TT-BQP hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã xuất ngũ, thôi việc.

Theo đó, từ 1/7/2018, mức trợ cấp hàng tháng với các đối tượng nêu trên được tăng thêm 6,92% trên mức trợ cấp của tháng 6. Cụ thể, mức trợ cấp mới như sau:

- Thời gian công tác từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp là 1,764 triệu đồng/tháng

- Thời gian công tác từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp là 1,844 triệu đồng/tháng;

- Thời gian công tác từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp là 1,925 triệu đồng/tháng;

- Thời gian công tác từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp là 2,005 triệu đồng/tháng;

- Thời gian công tác từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp là 2,085 triệu đồng/tháng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/10/2018.

6. Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế

Nghị định 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế, gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

- Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương…

Nghị định cũng quy định: Khi thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng, người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận. Nếu người đó đã mất thì số kinh phí này sẽ do cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp người đó sử dụng kinh phí thường xuyên để thanh toán, ngân sách Nhà nước không bổ sung kinh phí.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.

7. Tiêu chuẩn giáo viên giảng dạy tại trung tâm ngoại ngữ

Theo Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo viên là người Việt Nam giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau: Có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

- Giáo viên là người nước ngoài đủ điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt một trong các tiêu chuẩn: có bằng cao đẳng sư phạm ngoại ngữ trở lên; có bằng cao đẳng ngoại ngữ trở lên và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp; có bằng cao đẳng trở lên, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/10/2018.

Ngọc Anh

Tổng hợp

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/7-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-10-2018-216702.html