7 cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất lịch sử Mỹ và hệ quả

Trước cuộc đối đầu Mỹ - Trung, nước Mỹ đã trải qua xung đột thương mại lớn với nhiều quốc gia và châu lục, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, chính trị và ngoại giao toàn cầu.

1. Tiệc trà Boston

“Đóng thuế mà không có người đại diện”. Đó là khẩu ngữ vào đêm 16/12/1773 tại cầu cảng Griffin (Boston, Mỹ) khi những người dân thuộc địa Mỹ tiến hành biểu tình chính trị chống lại các đạo luật về thuế do chính quyền mẫu quốc Anh áp đặt, bao gồm Đạo luật Tem thuế 1765 (đánh thuế nặng lên báo chí, bài tây và văn kiện luật pháp) và Đạo luật Townshend 1767 (đánh thuế lên giấy, sơn và trà).

Họ không đồng tình việc tăng thuế trong khi không có đại diện người Mỹ trong nghị viện Anh để bảo vệ quyền lợi cho 13 tiểu bang. Sau vụ thảm sát Boston năm 1770, Anh bãi bỏ tất cả trừ thuế trà, dẫn đến cuộc tẩy chay đối với Công ty Đông Ấn Anh (London, Anh) và nạn buôn lậu trà.

Bởi thế, vào đêm tiệc trà khét tiếng được tổ chức bởi “Những người con của tự do” (“Sons of Liberty”) gồm John Hancock, John Adams và Paul Revere, 116 người đàn ông đã cùng nhau ném khỏi tàu 342 rương trà nhập cảng từ Anh vào Mỹ trị giá 92.000 bảng Anh - tương đương khoảng 1 triệu USD ngày nay.

Tranh minh họa "Tiệc trà Boston" của họa sỹ Louis Arcas.

Tranh minh họa "Tiệc trà Boston" của họa sỹ Louis Arcas.

Sự kiện đã buộc Quốc hội Anh và Quốc vương George III ban hành Đạo luật cưỡng chế, trong đó đòi đóng cửa cảng Boston cho đến khi thiệt hại từ tiệc trà được thanh toán, ngưng bầu cử tự do ở Massachusetts và yêu cầu người dân thuộc địa cung cấp nơi ở cho quân đội Anh theo yêu cầu.

Nghị viện Anh cho rằng đạo luật này sẽ cô lập Boston và ngăn chặn sự đoàn kết của các thuộc địa. Thế nhưng, thay vào đó, các thuộc địa khác lại đổ xô gửi đồ tiếp tế và thúc đẩy tuyên bố quyền cai trị độc lập của họ. Cuộc cách mạng sớm bắt đầu ngay sau đó, vào ngày 19/4/1975 với chiến thắng ngày 4/7/1976, chính thức đánh dấu sự ra đời của nước Mỹ.

2. Đạo luật Smoot-Hawley 1930

Ban đầu, Tổng thống Herbert Hoover dự định giải quyết những khó khăn của nông dân Mỹ trong thời kỳ đầu cuộc Đại khủng hoảng 1930 bằng cách áp thuế cao lên hàng nông sản nhập khẩu.

Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Reed Smoot và Willis C. Hawley lại đề xuất một đạo luật riêng, thêm sản phẩm công nghiệp vào đối tượng tăng thuế, bất chấp kiến nghị của 1.000 học giả kinh tế trong nước. Điều này gây ra sự đáp trả dữ dội từ nhiều nước khác trên thế giới, khiến căng thẳng càng leo thang trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Đạo luật Smoot-Hawley bị coi là một thảm họa trong lịch sử Mỹ. Ảnh: National Photo Company.

Đạo luật Smoot-Hawley bị coi là một thảm họa trong lịch sử Mỹ, dẫn tới hành động áp thuế trả đũa của nhiều quốc gia, tiêu biểu là Canada và các nước châu Âu. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu năm 1993 của Mỹ giảm đến 61%, đồng thời làm đình trệ sự phục hồi kinh tế trong thời kỳ suy thoái.

Nhưng cũng chính nhờ thất bại của đạo luật này mà ở kỳ bầu cử tiếp theo, Hoover đã phải nhường ghế Tổng thống cho Franklin D. Roosevelt, Smoot và Hawley cũng bị lật đổ, và Đạo luật về các Hiệp định thương mại tương hỗ của Roosevelt năm 1934 thay thế cho Đạo luật Smoot-Hawley, cho phép tổng thống đàm phán cắt giảm thuế quan.

3. Cuộc chiến thuế gà những năm 1960

Khi hình thức chăn nuôi gà hiện đại, sản xuất hàng loạt ở Mỹ ngày càng phát triển, các nước đổ xô mua loại thịt gà rẻ tiền này, tăng sản lượng nhập khẩu gà ở các quốc gia châu Âu.

Do đó, Pháp và Tây Đức - khi đó đang phục hồi sau Thế chiến II - đã tự “cứu mình” bằng cách tăng thuế đối với gia cầm, gây tổn thất lớn cho ngành công nghiệp gia cầm Mỹ. Để đáp trả, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% lên xe tải hạng nhẹ, xe buýt Volkswagen, rượu brandy và tinh bột khoai tây.

Khi đó, bên hưởng lợi lại chính là ngành công nghiệp ôtô của Nhật Bản. Một số thương hiệu Nhật như Toyota và Isuzu đã xây dựng nhà máy lắp ráp trên lãnh thổ Mỹ và lách thuế thành công.

4. Chiến tranh thương mại với Nhật Bản năm 1987

Năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan đã tăng gấp đôi thuế nhập khẩu lên 300 triệu USD hàng điện tử như máy tính, thiết bị điện và TV có xuất xứ từ Nhật Bản.

Chính quyền Mỹ cho biết biện pháp này nhằm trả đũa Nhật Bản khi không tuân thủ thỏa thuận cho phép hàng Mỹ vào thị trường hay ngừng định giá thấp đối với chip máy tính bán dẫn của Mỹ. Ngoài ra, trong những năm 1980, ôtô Nhật Bản cũng là đối tượng chịu thuế nhập khẩu rất cao.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Yasuhiro Nakasone trong buổi gặp đầu tiên tại Nhà Trắng năm 1983. Ảnh: Kyodo.

Khi đó, Nhật Bản đã chọn cách không tấn công trở lại. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Hajime Tamura, chia sẻ với báo giới rằng: “Với hy vọng không để vấn đề gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền thương mại tự do thế giới, chính phủ Nhật Bản quyết định không thực hiện bất kỳ hành động trả đũa nào ngay lúc này”.

Trong khi đó, các nhà kinh tế học Anna Zhou và Ethan Harris đến từ Bank of America Merrill Lynch cho biết các vấn đề thuế quan này không làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Còn lượng tiêu thụ ôtô Nhật Bản tại Mỹ lại giảm 3%. Vào năm 1984, người tiêu dùng Mỹ phải tốn thêm 53 tỷ USD bởi thuế nhập khẩu.

5. Cuộc chiến thương mại về gỗ giữa Canada và Mỹ từ năm 1982

Canada vốn khai thác gỗ từ đất công, với giá thị trường do chính phủ quyết định. Trong khi đó, Mỹ chủ yếu sử dụng các vùng đất tư nhân nên giá cả thay đổi theo cung - cầu thị trường.

Bởi thế, đến năm 1982, Mỹ nêu quan điểm rằng Canada đã trợ cấp không công bằng cho sản phẩm gỗ xẻ của mình. Điều này đã dẫn đến những tranh chấp và căng thẳng thuế quan cho đến tận bây giờ giữa hai quốc gia.

Hậu quả là, trong năm 2018, Canada phải chịu thuế hàng trăm triệu USD cho mặt hàng này, còn người tiêu dùng Mỹ cũng đối mặt với mức giá gỗ xẻ kỷ lục khi ngành công nghiệp xây dựng bùng nổ. Theo Random Lengths, giá gỗ xẻ miền tây Canada đã tăng khoảng 40% vào năm 2018.

6. Chiến tranh thương mại về chuối năm 1993

Năm 1993, châu Âu áp thuế nặng lên sản phẩm chuối nhập khẩu từ Mỹ Latinh nhằm giúp các thuộc địa vùng Carribean được hưởng lợi. Trong khi đó, những trang trại chuối ở Mỹ Latinh đa phần được sở hữu bởi các công ty Mỹ. Do đó, để đáp trả, chính phủ Mỹ đã áp dụng thuế quan đối với các mặt hàng như túi xách Pháp, vải linen từ Anh và giăm bông của Đan Mạch.

Sau khi nộp 8 đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), năm 2009, Liên minh châu Âu đã đồng ý giảm dần thuế quan. Cuộc chiến tranh thương mại về chuối kết thúc vào năm 2012.

7. Thuế thép năm 2002

Trong nỗ lực thúc đẩy ngành thép trong nước, Tổng thống George W. Bush đã áp thuế tạm thời 8-30% đối với thép nhập khẩu. Canada và Mexico được miễn do các vấn đề NAFTA, nhưng Liên minh châu Âu vẫn nhanh chóng trả đũa bằng thuế quan đối với sản phẩm cam Florida, xe hơi Mỹ và mặt hàng khác.

Năm 2012, trong nỗ lực thúc đẩy ngành thép trong nước, Tổng thống George W. Bush đã áp thuế tạm thời 8-30% đối với thép nhập khẩu. Ảnh: Reuters/Jason Reed.

Một khiếu nại chống lại Mỹ cũng đã được đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới, từ đó phát hiện ra Mỹ vi phạm các cam kết về thuế suất. Do đó, ông Bush buộc phải chấm dứt mức thuế này trong 18 tháng, sớm hơn giai đoạn ba năm theo kế hoạch.

Thế nhưng, mức thuế này đã khiến giá thép ở Mỹ tăng cao. Và theo Viện Kinh tế Quốc tế, 26.000 người lao động ngành thép cũng mất việc. Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng lượng việc trong ngành thép đã tăng lên và ngành công nghiệp này cũng gia tăng một phần lợi nhuận nhỏ.

Lan Anh
Theo History.com

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/7-cuoc-chien-tranh-thuong-mai-lon-nhat-lich-su-my-va-he-qua-post946785.html