7-Eleven có 'đá văng' cửa hàng truyền thống?

Người tiêu dùng Việt có bỏ qua các giai đoạn phát triển của bán lẻ hiện đại và chuyển thẳng sang kênh mua sắm tại cửa hàng tiện lợi hay không?

Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam vừa công bố cho thấy mô hình cửa hàng tiện lợi, trong đó 7-Eleven mới khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, có thể là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi trong thị trường bán lẻ Việt. Hứa hẹn thị trường bán lẻ Việt đầy sôi động khi nhiều người chơi tham gia, nhiều cửa hàng mọc lên, loại hình bán lẻ này dần xuất hiện trên mọi nẻo đường khu vực thành thị.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nông thôn cũng đang hướng đến các địa điểm mua sắm hiện đại, nâng cấp hơn.

Tuy nhiên, với trải nghiệm mua sắm nhanh, tiện và hiện đại mà loại hình này mang lại cùng với "văn hóa xe máy" thì người tiêu dùng Việt có bỏ qua các giai đoạn phát triển của bán lẻ hiện đại và chuyển thẳng sang kênh mua sắm này hay không?

Ông Fabrice Carrasco, Giám đốc điều hành Kantar Worldpanel Việt Nam & Philippines đồng thời là Giám đốc các dự án chiến lược châu Á, cho rằng trên thế giới các kênh mua sắm thuận tiện đạt mức tăng trưởng 6% so với năm ngoái. Xu hướng này đang bùng nổ ở Việt Nam, nơi sự thuận tiện, gần nhà được đặt lên hàng đầu. Đối với người tiêu dùng Việt thì “địa điểm gần nhà hoặc tiện trên đường về nhà" đang là yếu tố quan trọng thứ hai khi lựa chọn cửa hàng để mua sắm, với 78% người tiêu dùng đồng ý.

"Tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian khi đi mua sắm tại cửa hàng" cũng đứng trong top 3. Khách hàng xếp hạng những yếu tố này cao hơn so với các yếu tố khác như chất lượng sản phẩm, nhân viên thân thiện hay chương trình khuyến mãi" - ông Fabrice Carrasco cho biết.

Người tiêu dùng có thể mua hàng trước trả tiền sau ở cửa hàng tạp hóa, còn mô hình hiện đại không thể có dịch vụ này.

Tuy nhiên, những ưu điểm về tính tiện lợi của kênh mua sắm này không nổi bật khi so với các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Đây là một trong những lý do sự phát triển của mô hình này trong tương lai gần có thể chậm lại.

Lý giải rõ hơn, ông Fabrice Carrasco cho biết ở Việt Nam có hơn 96% hộ gia đình sở hữu ít nhất một chiếc xe máy và sử dụng chúng để đi gần như mọi nơi. Trong khi siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi cũng tương tự như các cửa hàng truyền thống, có mặt ở khắp nơi, mọi người đều có thể ghé qua dễ dàng nhưng người tiêu dùng vẫn mất nhiều thời gian giao dịch nếu phải lái xe đến cửa hàng, tìm một chỗ đậu xe, phải đi vào bên trong cửa hàng để tìm kiếm những thứ cần mua.

Trong khi đó cửa hàng truyền thống phổ biến, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể dừng lại bên ngoài với chiếc xe đạp, gọi chủ cửa hàng lấy hộ những sản phẩm cần mua và họ sẽ đưa trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Trong nhiều trường hợp người tiêu dùng có thể dễ mua hàng trả sau, một việc mà không có mô hình bán lẻ hiện đại nào cho phép.

Như vậy, có vẻ như là siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi vẫn phải tìm ra cho mình một hướng đi đúng trên thị trường. Làm mới những dịch vụ của mình nếu không muốn mất thị phần trong cuộc chiến hàng tiêu dùng nhanh.

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/7eleven-co-da-vang-cua-hang-truyen-thong-711445.html