7 giải pháp nâng cao hiệu quả thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể

Theo bà Phan Thị Thu Hằng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên: 'Thương lượng tập thể được coi là chìa khóa giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng và được ví như một 'Bộ luật lao động con' tại mỗi doanh nghiệp. Một bản thỏa ước lao động tập thể có chất lượng sẽ là công cụ quan trọng trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động và giải quyết các mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp'.

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước” do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức sáng 23/4, từ thực tế tại quận Long Biên, bà Phan Thị Thu Hằng đã chia sẻ kinh nghiệm trong nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo.

Theo bà Hằng, Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Có thể nói, Thỏa ước lao động tập thể là một sự tiến bộ xã hội, thừa nhận quyền của mọi người làm công hưởng lương, được thông qua người đại diện của mình là Công đoàn để xác định một cách tập thể những điều kiện lao động, đặc biệt là những điều kiện có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật lao động.

Phát huy vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Công đoàn quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở triển khai thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, đơn vị với nhiều nội dung có lợi hơn cho đoàn viên công đoàn, người lao động theo Luật định.

“Hiệu quả đem lại rất lớn, tuy nhiên, đến nay việc đối thoại, thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và người lao động quan tâm, vẫn còn nhiều hạn chế và ít nhiều hình thức. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động tại các doanh nghiệp chưa thực sự ổn định và quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo, nhất là liên quan đến lương, thưởng, chính sách đãi ngộ…”, bà Hằng nhấn mạnh.

Tại Long Biên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Phan Thị Thu Hằng cho biết: Việc nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể là một nội dung trọng tâm số 1 trong hoạt động của Liên đoàn Lao động quận từ năm 2016 đến nay. Vì vậy, Liên đoàn Lao động quận Long Biên đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, tổ chức Tọa đàm và xây dựng quy trình việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể tới các đơn vị, doanh nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn quận đã có 174/215 doanh nghiệp có bản Thỏa ước lao động tập thể (đạt 81%, trong đó có 11 đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn). Nhiều bản thỏa ước có lợi hơn, đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho người lao động, phù hợp với khả năng điều kiện của doanh nghiệp, tập trung vào những vấn đề, như: Tiền lương, chế độ phúc lợi, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất...

Một cuộc thương lượng tập thể giữa đại diện tập thể người lao động có sự tham gia của lãnh đạo Liên đoàn Lao động quận Long Biên với lãnh đạo doanh nghiệp

Để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể, tại Hội thảo, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng đề xuất 7 giải pháp. Cụ thể:

Thứ nhất, các cấp công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động, người lao động về Thỏa ước lao động tập thể.

Thứ hai, tiếp tục củng cố hệ thống tổ chức Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp Ngoài nhà nước. Động viên người lao động tích cực tham gia các hoạt động của Công đoàn cơ sở để phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ công đoàn, rèn luyện kỹ năng đối thoại, thương lượng, đàm phán, ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

Thứ tư, các cấp Công đoàn chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thực hiện thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp... đảm bảo có lợi hơn cho người lao động so với quy định của luật.

Thứ năm, tổ chức tọa đàm, hội thảo nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

Thứ sáu, xây dựng quy trình ngắn gọn, dễ hiểu, kèm biểu mẫu về tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, đồng thời tập trung vào Thỏa ước lao động tập thể đang có để hưởng dẫn bổ sung và nâng cao lợi ích cho người lao động.

Thứ bảy, hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên đề xuất: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định việc ký kết Thỏa ước lao động tập thể là hình thức bắt buộc (hiện nay mới bắt buộc việc thương lượng). Với Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, cần tổ chức nhiều buổi tập huấn, đào tạo chuyên gia thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể.

Kết quả chấm điểm Thỏa ước Lao động tập thể tại quận Long Biên: Loại A 6 bản, loại B 21 bản, loại C 79 bản, loại D 66 bản. Đặc biệt, tại 11 Công ty chưa có tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động quận đã đại diện người lao động lấy ý kiến của tập thể người lao động, tổng hợp ý kiến và tham gia bằng văn bản về Nội quy lao động theo quy định, thành lập tổ thương lượng tập thể thương lượng với người sử dụng lao động tại các công ty về những điều khoản có lợi hơn cho người lao động và đại diện người lao động tổ chức ký kết Thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động tại đơn vị.

Với hoạt động này, uy tín của tổ chức Công đoàn với người lao động tại doanh nghiệp và tại địa phương được nâng cao, quyền lợi của người lao động được đảm bảo.

B.Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/7-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-thuong-luong-ky-ket-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-121796.html