7 năm truy tìm kẻ đánh bom Thế vận hội 1996

1 giờ 25 phút sáng 27-7-1996, thời điểm mà Thế vận hội mùa hè 1996 đang được tổ chức tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ, thì bất ngờ một quả bom phát nổ trong Công viên Thế giới Olympic, nơi có một buổi hòa nhạc khiến 3 người chết và 111 người bị thương.

Các cuộc điều tra lập tức được Bộ An ninh nội địa (DHS) và Cơ quan Cảnh sát liên bang (FBI) tiến hành ngay sau đó nhưng phải mất 7 năm, thủ phạm mới sa lưới pháp luật…

Oan gia trái chủ

18 phút trước khi quả bom phát nổ, David Johnson, đặc vụ FBI nhận được một cú điện thoại nặc danh, người gọi chỉ nói vắn tắt rằng “sẽ có một vụ đánh bom” rồi cúp máy.

Và trong khi Johnson còn phải xác minh độ trung thực của cú điện thoại thì tại Công viên Thế giới Olympic, nơi có gần 1.000 người đang nghe ban nhạc Jack Mack&Heart Attack trình diễn thì bất ngờ một tiếng nổ vang lên. Do quả bom được nhồi đinh nên sức sát thương của nó rất lớn. Ngoài 3 người chết, bị thương 111 người.

Cứu chữa những người bị thương trong vụ đánh bom Công viên Thế kỷ.

Cứu chữa những người bị thương trong vụ đánh bom Công viên Thế kỷ.

Trước đó, Richard Jewell, nhân viên bảo vệ Công viên Thế giới Olympic phát hiện một chiếc ba lô màu xanh ô liu bỏ dưới băng ghế. Do không ai nhận là chủ nên Jewell mở ra xem. Lúc nhìn thấy bên trong ba lô có 3 ống kim loại, bao quanh là hàng trăm cây đinh dài 7,6cm cùng một chiếc đồng hồ báo thức có dây điện nối vào một bản mạch bằng thép thì Jeweel lập tức gọi cho Tom Davis, sĩ quan Cục Điều tra bang Georgia.

Trong khi chờ đợi các chuyên gia của Đội tháo gỡ bom mìn (ATF) và Cảnh sát Liên bang (FBI) đến, Jewell lấy chiếc ba lô đưa vào cạnh bức tường của tòa tháp truyền thanh thuộc hãng NBC, cách đó khoảng 12m đồng thời yêu cầu tất cả mọi khán giả nhanh chóng rời khỏi Công viên Thế giới nhưng mới chỉ được vài phút, chiếc ba lô phát ra một tiếng nổ kinh hoàng.

Theo các chuyên gia ATF, nếu Jewell không di chuyển chiếc ba lô thì con số thương vong còn nhiều hơn nữa bởi lẽ kết quả khảo nghiệm sau đó cho thấy 3 ống thép chứa gần 2kg thuốc nổ Nitroglycerin.

Sau vụ nổ, dưới mắt người dân Mỹ, Jewell là anh hùng nhưng với FBI, sự việc lại không đơn giản như vậy. Kết quả xác minh nhân thân của Jewell cho thấy năm 1990, trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ nhà tạm giam quận Habersham, đông bắc Georgia với vai trò cảnh sát viên, Jewell còn là bảo vệ của một chung cư, nơi anh sinh sống.

Tại chung cư này, một cặp vợ chồng đã khiếu nại “sĩ quan cảnh sát” Jewell vì anh thường xuyên gây ra tiếng ồn lúc nửa khuya. Bị buộc tội mạo danh, Jewell bị quản chế và phải điều trị tâm lý.

Trở lại với công việc, Jewell dần dà leo lên chức vụ phó cảnh sát trưởng quận Habersham. Năm 1995, khi đuổi theo một chiếc xe hơi khả nghi, Jewell đã cho chiếc xe do mình cầm lái, đâm vào chiếc xe đó. Và thay vì phải quay về làm bảo vệ trại giam, Jewell từ chức rồi xin vào Trường cao đẳng Piedmont với tư cách là nhân viên an ninh.

Báo cáo của Chủ tịch Trường Cao đẳng Piedmont gửi FBI sau vụ nổ ở Công viên Thế giới cho thấy trước lúc nghỉ việc vào tháng 5-1996, Jewell rất háo hức xử lý những sinh viên vi phạm kỷ luật, thậm chí anh còn tự ý bắt giữ những người lái xe quá tốc độ trên đường cao tốc.

Ngày 9-8, Jewell bị quản thúc. Từ một anh hùng, Jewell trở thành nghi phạm chính trong vụ đánh bom Công viên Thế giới. Cũng trong ngày này, FBI tiến hành lục soát căn hộ của Jewell để tìm chứng cứ nhưng cuộc điều tra kéo dài suốt gần 3 tháng mà vẫn giậm chân tại chỗ. Đến ngày 28-10, trong một cuộc họp báo, FBI chính thức tuyên bố Jewell vô tội.

Những vụ nổ tiếp theo

Trong khi dư âm của vụ đánh bom Công viên Thế giới vẫn chưa lắng xuống thì ngày 16-1-1997, một quả bom lại phát nổ bên ngoài cơ sở y tế chuyên về kế hoạch hóa gia đình (nạo phá thai) Northside ở Birmingham, ngoại ô thành phố Atlanta khiến bức tường tòa nhà thủng một lỗ lớn, giết chết 1 cảnh sát bảo vệ và 1 y tá bị thương.

Chân dung Rudolph vẽ theo mô tả của sinh viên y khoa Jermaine Hughes và luật sư Jeff Tickal.

Một nhân chứng cho biết khoảng 30 phút trước lúc vụ nổ xảy ra, có 1 chiếc xe bán tải dừng lại bên bức tường phòng khám. Chưa hết, một sinh viên y khoa là Jermaine Hughes đã chứng kiến vụ đánh bom cho biết khi mọi người chạy đến hiện trường để giúp đỡ các nạn nhân, có một người đàn ông vội vã chạy ra chiếc xe nêu trên. Jeff Tickal, một luật sư cũng xác nhận điều này.

Tiến hành tìm kiếm, các đặc vụ FBI thấy chiếc xe bị bỏ lại bên lề đường xa lộ liên bang. Hồ sơ lưu trữ của ngành giao thông vận tải cho biết chủ xe là Eric Robert Rudolph, 31 tuổi, làm nghề thợ mộc.

1 tiếng đồng hồ sau, lúc cảnh sát và các nhân viên cứu thương vẫn còn đang tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát ở cơ sở kế hoạch hóa gia đình Northside thì xảy ra vụ nổ thứ 2 tại một điểm tập kết rác khiến 7 người bị thương. Cũng giống như ở Công viên Thế kỷ, cả 2 quả bom đều được nhồi đầy đinh nên bước đầu, FBI nghi ngờ 3 vụ đánh bom đều cùng chung một thủ phạm.

Ngày 21-1, lại có thêm một vụ nổ ở khu vực sân trong của một hộp đêm, nơi quy tụ rất đông giới đồng tính nam và đồng tính nữ làm 5 người trọng thương. Tiến hành khám nghiệm hiện trường, FBI tìm thấy 1 chiếc ba lô chứa đầy chất nổ nhồi đinh, đặt cách điểm nổ đầu tiên khoảng 15m, gần lối ra vào. Theo suy luận của FBI thì đây là một vụ đánh bom kép.

Khi vụ nổ thứ nhất xảy ra, khách trong hộp đêm sẽ thoát ra ngoài theo lối này và như vậy, con số thương vong từ vụ nổ thứ 2 sẽ rất lớn. Với sự giúp đỡ của sinh viên y khoa là Jermaine Hughes và luật sư Jeff Tickal, FBI vẽ lại chân dung Eric Robert Rudolph rồi thông báo trên các phương tiện truyền thông, đề nghị tất cả mọi công dân báo ngay cho cảnh sát nơi gần nhất nếu nhìn thấy hoặc biết nơi cư trú của người đàn ông này.

Sinh ngày 19-9-1966 tại đảo Merritt, bang Florida, Eric Robert Rudolph học đến lớp 9 thì nghỉ để theo nghề thợ mộc với anh trai là Daniel. 18 tuổi, Rudolph đăng lính. Sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện quân sự cơ bản ở căn cứ Fort Benning, Rudolph được đưa về Sư đoàn Không vận 101 tại Fort Campbell, bang Kentucky. Tại đây, Rudolph đạt được chứng chỉ E-4 (chuyên gia về chất nổ) nhưng năm 1989, Rudolph bị loại ngũ vì nghiện cần sa.

Đào tẩu

Khi hình ảnh và nhân thân Eric Robert Rudolph tràn ngập trên báo chí, phát thanh, truyền hình, nhất là khi FBI liệt Rudolph vào danh sách 10 kẻ sát nhân nguy hiểm bị truy nã gắt gao nhất nước Mỹ với phần thưởng 1 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ Rudolph thì anh ta biến mất.

Các cuộc truy lùng đều không mang lại kết quả ngoại trừ chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở Atlanta điện thoại cho FBI, xác định Rodolph từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6-1996, đã 3 lần mua đinh ở cửa hàng ông, và chỉ mua một loại đinh 7,6cm.

Đối tượng Rudolph lúc ra tòa.

Tại khu chung cư nơi có căn hộ của Rudolph, hàng xóm cho biết đã không còn gặp anh ta kể từ ngày 30-7-1996. Một nhóm thợ săn cho biết họ nhìn thấy một người đàn ông có hình dáng tương tự như Rudolph nhưng không có râu, đi vào rừng quốc gia Nantahala, phía bắc bang North Carolina.

Về phía Rudolph, ngay từ trước khi thực hiện các vụ đánh bom, anh ta đã chuẩn bị chỗ ẩn náu. Bằng cách rút hết tiền trong tài khoản ở ngân hàng vì Rudolph thừa hiểu rằng FBI sẽ dễ dàng tìm ra anh ta nếu anh ta dùng thẻ tín dụng để rút tiền hoặc thanh toán những khoản chi tiêu, mua sắm. Với số tiền ấy, Rudolph thuê một căn nhà di động (mobihouse) rồi kéo nó đến địa điểm cắm trại Fire Creek ở phía bắc bang North Carolina, gần thị trấn Murphy.

Đây là nơi thu hút khá đông những người Mỹ thích gần gũi thiên nhiên. Vào lúc cao điểm, Fire Creek có không dưới 300 căn nhà di động với hơn 1.000 di dân. Thường thì họ đến vào cuối mùa xuân và rời đi vào cuối mùa hè nhưng cũng không thiếu những gia đình, sống từ năm này qua năm khác.

Để tránh bị chú ý, Rudolph đặt căn nhà di động ở một vị trí biệt lập, xa khuất tầm mắt cộng đồng di dân. Cách nơi ở khoảng 1km, Rudolph đào một cái hố, chôn xuống chiếc thùng bằng kim loại, bên trong chất đầy đậu nành, yến mạch, hạt óc chó, nho khô và hạnh nhân. Xa hơn nữa - khoảng 6km, Rudolph thiết kế một cái kho chứa bột mì cùng dầu ăn, pho mai và một số loại thịt hộp. Bên cạnh đó, Rudolph còn đào thêm một cái hố khác, giấu 6kg chất nổ Nitroglycerin.

Ban ngày, Rudolph ẩn mình trong nhà, chỉ ra ngoài khi trời đã chạng vạng. Những lúc ấy, ngoài việc cạo sạch râu, Rudolph mặc chiếc áo khoác có mũ trùm kín đầu. Steven Johnson, chủ một nhà hàng ở thị trấn Murphy cho biết Rudolph thường xuyên đến chỗ ông ăn tối: “Anh ta là người dễ mến tuy ít nói. Tôi và nhiều người khác vẫn nghĩ anh ta là nhà văn, về sống ở đây để tìm cảm hứng sáng tác”.

Hughes, tài xế của một xe chở rau cho biết thêm: “Thỉnh thoảng anh ta lại xin rau của tôi” còn Leguzamo, chủ một cửa hàng tạp hóa thì: “Anh ta mua hàng và trả tiền rất sòng phẳng. Không ai ngờ rằng anh ta là kẻ đánh bom hàng loạt”.

Manila, quản thủ thư viện thị trấn Murphy nói: “Anh ta hay đến chỗ tôi mượn sách. Tôi vẫn còn giữ cái thẻ thư viện của anh ta dưới cái tên là Bill. Về phía FBI, trong suốt 7 năm kể từ ngày họ khẳng định Rudolph là thủ phạm của các vụ đánh bom, mọi cuộc truy tìm đều không mang lại kết quả, đến nỗi một chỉ huy cao cấp của FBI còn cho rằng “Rudolph đã chết rồi”.

Có lần, 3 đặc vụ FBI tìm đến miền Bắc bang North Carolina, vào tận bãi cắm trại của những căn nhà di động nhưng với số lượng kẻ ở người đi liên tục thay đổi nên những thông tin mà họ thu thập được chẳng giúp ích gì cho việc tìm ra tung tích Rudolph.

Số thuốc nổ Rudolph chôn giấu ở nơi ẩn náu.

Ngày 7-7-1998, Rudolph đến cửa hàng thực phẩm, y tế ở thị trấn Murphy để xin thức ăn nhưng bị chủ cửa hàng là Normann từ chối. 2 ngày sau, chiếc xe tải của Normann - trên xe có một số đồ hộp trị giá 100 USD bị lấy cắp. Cảnh sát tìm thấy chiếc xe bị bỏ rơi ở bìa rừng và đó là lần cuối cùng Rudolph xuất hiện.

Sa lưới

Nửa đêm 30-5-2003, Jeffrey Postell, cảnh sát tập sự nhìn thấy một người đàn ông gầy ốm, râu ria tua tủa, đang bới tìm thức ăn trong thùng rác đặt trước một siêu thị ở thị trấn Murphy. Khi được hỏi, ông ta khai tên Jerry Wilson, ở bang Ohio.

Nghĩ đây là người vô gia cư, Postel yêu cầu ông ta lên xe để về đồn cảnh sát. Tưởng là đã bị phát hiện, Wilson nhanh chóng thú nhận mình là Rudolph, tác giả của 4 vụ đánh bom diễn ra từ ngày 27-7-1996 đến ngày 21-1-1997. Theo Rudolph, động cơ của các vụ đánh bom là nhằm phản đối Đạo luật Wade, hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn nước Mỹ, ban hành ngày 22-1-1973.

Ra tòa ngày ngày 18-7-2005, Rudolph thoát án tử hình vì đã tự khai ra nơi chôn giấu 6kg chất nổ nhưng phải chịu án 120 năm tù giam. Trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post, Rudolph nói: “Phá thai là giết người, đồng tính là bữa ăn thối rữa dọn ra cho xã hội. Nó rất cần thiết phải chống lại bằng vũ lực…”.

Vũ Cao (theo FBI Files)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/7-nam-truy-tim-ke-danh-bom-the-van-hoi-1996-575310/