7 người chết ở lễ hội âm nhạc: Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến vụ việc 7 người tử vong tại đêm nhạc hội mùa Thu 2018 được tổ chức tại công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) tối 16/9, thầy Trần Hồng Quân (người đang nghiên cứu và giảng dạy xã hội học, trường đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những trao đổi thẳng thắn với PV báo điện tử Người Đưa Tin về trách nhiệm của gia đình cũng như công tác cấp phép, quản lý các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

PV: Thưa thầy Trần Hồng Quân, thông tin 7 người tử vong khi tham gia đêm hội âm nhạc ở công viên nước Hồ Tây mới đây khiến dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Là một người nghiên cứu, giảng dạy xã hội học, khi hay tin, bản thân thầy cảm thấy thế nào?

Thầy Trần Hồng Quân: Tôi thật sự buồn khi biết tin này. Đây là một sự việc đau lòng và vô cùng nghiêm trọng.

Lễ hội âm nhạc khiến 7 người tử vong mới đây gây xôn xao dư luận.

PV: Được biết, giá vé vào đêm nhạc hội này ở khu vực VIP lên đến 3,2 triệu đồng/vé, còn khu vực bình thường là 500-600.000 đồng/vé. Chủ yếu là giới trẻ tham dự, với giá vé như vậy nhưng lại để xảy ra sơ suất đáng tiếc, thầy đánh giá thế nào về công tác tổ chức?

Thầy Trần Hồng Quân: Đã gọi là lễ hội âm nhạc thì phải mang tính vui vẻ, chia sẻ văn hóa. Tuy nhiên, lễ hội này lại có người tử vong thì rõ ràng có vấn đề.

Trình độ tổ chức cũng như mức độ quản lý tổ chức sự kiện không chuyên nghiệp, yếu kém. Ở nước ngoài cũng đã xảy ra sự cố đáng tiếc ở lễ hội âm nhạc điện tử. Nhưng, độ phản xạ ở nước ngoài tốt hơn chúng ta.

PV: Qua khám nghiệm, các nạn nhân đều dương tính với ma túy. Vậy, theo thầy phải chăng một bộ phận giới trẻ hiện nay đang sống thụ động, chỉ biết hưởng thụ?

Trần Hồng Quân: Tham gia lễ hội âm nhạc chủ yếu là giới trẻ bởi đây là độ tuổi thích khám phá.

Nhóm sinh viên tham gia sự kiện là một hiện tượng rất bình thường. Nhưng, để xảy ra việc đáng tiếc này có thể thấy có sự khác biệt của một nhóm người biết hưởng thụ khác với thanh niên đại trà.

Khác biệt rõ rệt ở chỗ gia đình họ có thể có điều kiện về mặt kinh tế, không quan tâm đến con cái, cho con cái tiêu bao nhiêu tiền thỏa thích để rồi những đứa con của họ rơi vào cạm bẫy, cám dỗ. Điều đó, thể hiện một bộ phận giới trẻ hiện nay đang có lối sống thụ động, chỉ biết hưởng thụ.

Ở phương diện xã hội học, gia đình là tế bào của xã hội, nơi hình thành nhân cách quan trọng nhất của con người. Nhưng nếu thiết chế của gia đình không đảm bảo thì con cái sẽ hư hỏng.

Sự việc đau lòng này theo thầy Trần Hồng Quân là bài học đau xót, cảnh tỉnh các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái.

PV: Trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong sự việc đau lòng này ở đâu, thưa thầy?

Thầy Trần Hồng Quân: Khi vụ việc xảy ra thì đây là một cú sốc lớn đối với xã hội. 7 nạn nhân là những thanh niên đang ở độ tuổi đẹp nhất, tài sản lớn nhất của bố mẹ là con cái thì giờ đây bố mẹ phải đau xót chia ly.

Đây là bài học cảnh tỉnh, đau xót cho xã hội nói chung và cho chính gia đình đó nói riêng. Chính cha mẹ cần phải xây dựng một lối sống lành mạnh từ trong gia đình.

PV: Theo thầy, phải chăng nên xem xét lại công tác cấp phép, quản lý các chương trình biểu diễn nghệ thuật?

Trần Hồng Quân: Cơ quan quản lý văn hóa khi đồng ý cho tổ chức sự kiện nên đưa ra mục đích, tiêu chí rõ ràng. Còn nếu, đây là hoạt động mang tính tiêu tiền, tập trung tệ nạn xã hội tạo ra lệch chuẩn xã hội, làm méo mó văn hóa thì phải nói không.

Chắc chắn, các cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan chức năng phải siết chặt quy trình cấp phép, quản lý các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Nếu đúng quy trình mới được phép tổ chức sự kiện, nếu không thì kiên quyết không cho tổ chức. Nhìn vào vụ việc nói trên là một bài học vô cùng đắt giá.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/7-nguoi-chet-o-le-hoi-am-nhac-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-a403187.html