7 nhà văn LGBT nổi tiếng nhất thế kỷ 20

Trong lịch sử văn học thế giới, có rất nhiều nhà văn tên tuổi thuộc cộng đồng LGBT nhưng họ thường phải che giấu con người thật và sống theo các quy chuẩn của xã hội đương thời nhằm tránh rắc rối ngoài ý muốn. Các cá nhân dám sống công khai như Oscar Wilde là cực kỳ hiếm. Mặc dù vậy, họ vẫn có thể cất lên tiếng lòng của mình thông qua các tác phẩm văn chương vốn đã biến họ thành bất tử.

Marcel Proust

Marcel Proust

Dưới đây là 7 nhà văn LGBT nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20 – giai đoạn đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của phong trào LGBT trên toàn thế giới.

Truman Capote (1924-1984)

Tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Truman Capote là In Cold Blood (1966) – cuốn tiểu thuyết phi hư cấu đầu tiên. Ngoài ra, tiểu thuyết Breakfast at Tiffany’s (1958) của ông cũng rất được công chúng yêu mến do bộ phim chuyển thể (1961) với Audrey Hepburn đóng vai chính đã thành công lớn và được xếp vào hàng kinh điển của Hollywood.

Truman Capote và Jack Dunphy vào năm 1948

Truman là người đồng tính công khai và sống với người bạn đời Jack Dunphy cũng là một nhà văn. Sau khi Jack qua đời vào năm 1992, tro của cả hai được chôn chung tại nghĩa trang Crooked Pond ở thành phố New York. Năm 2005, bộ phim Capote tái hiện cuộc đời của Truman đã mang về giải Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” cho nam tài tử Philip Seymour Hoffman.

Thomas Mann (1875-1955)

Sinh ra ở Đức và sau đó chuyển sang định cư tại Thụy Sĩ, Thomas Mann là chủ nhân của giải Nobel Văn học 1929. Ông sở hữu một sự nghiệp văn chương đồ sộ với nhiều tác phẩm kinh điển như Buddenbrooks, Death In Venice, The Magic Mountain… Trong đó, Death in Venice (1912) là một trong những tiểu thuyết đồng tính đầu tiên của Đức và lấy cảm hứng từ chuyến đi tới Venice của ông vào năm 1911.

Xuyên suốt cuộc đời, Thomas đã đấu tranh với xu hướng tính dục đồng tính của mình. Điều này được tìm thấy trong nhật ký cũng như phản chiếu trong các tác phẩm của ông. Điều thú vị là 3 trong số 6 người con của Thomas cũng là người đồng tính.

Virginia Woolf (1882-1941)

Virginia Woolf (phải) và Vita Sackville-West

Virginia Woolf là một nhà văn và nhà thơ người Anh, được biết đến nhiều với tư cách tác giả của hai tiểu thuyết Mrs. DallowayA Room of One’s Own. Bà là thành viên của “Bloomsbury” - một nhóm các nhân vật văn học nổi tiếng của Anh. Vào đầu thế kỷ 20, họ đã khuyến khích một quan niệm tự do hơn về chủ đề tình dục. Sự khích lệ này có thể là điều đã cho phép Virginia thiết lập mối quan hệ lâu dài với nhà thơ, nhà văn và nhà thiết kế vườn Vita Sackville-West trong lúc kết hôn với Leonard Woolf.

Nữ diễn viên Tilda Swinton trong Orlando

Tiểu thuyết Orlando (1928) của Virginia được xem là một tác phẩm văn học kinh điển có nhân vật chuyển giới và là bức thư tình gửi đến Vita. Trong suốt cuộc đời, bà đã phải vật lộn với sức khỏe tâm và cuối cùng tự tử vào năm 1941.

Frederico García Lorca (1898-1934)

Frederico García Lorca là một nhà văn, nhà thơ và nhà soạn kịch. Ông cùng với Salvador Dalí là thành viên của “Thế hệ ‘27”, một nhóm các nghệ sĩ nổi tiếng (chủ yếu là các nhà thơ) đã mang đến nhiều thay đổi cho nền văn học Tây Ban Nha vào nửa đầu thế kỷ 20. Một số tác phẩm đáng chú ý của ông bao gồm Poem of the Deep Song, Gypsy BalladsThe Butterfly’s Evil Spell. Tại Việt Nam, bài thơ Chiếc đàn guitar của Lorca của Frederico đã được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa văn học lớp 12.

Frederico và Salvador Dali

Frederico là người đồng tính và không ngần ngại thể hiện điều đó. Chính vì thế, ông đã bị kiểm duyệt nặng nề trong suốt cuộc đời của mình. Các tác phẩm của Frederico thường bị cấm ở Tây Ban Nha cho đến năm 1953.

Frederico từng yêu Salvador một cách tuyệt vọng nhưng bị từ chối. Sau đó, Lorca còn có một mối tình đồng tính khác sâu sắc hơn với nhà phê bình nghệ thuật Juan Ramirez de Lucas. Một hộp di vật mà ông để lại cho em gái bao gồm nhiều thư từ và bài thơ đã chứng minh cho chuyện này.

Frederico là mục tiêu của chính phủ Tây Ban Nha thời Pháp thuộc. Các báo cáo chính thức đã mô tả ông là một người theo chủ nghĩa xã hội, tham gia vào các hoạt động đồng tính luyến ái và phi tự nhiên. Hiện vẫn chưa xác định được danh tính của những người đã bắn chết Frederico và thi thể của ông không bao giờ được tìm thấy.

James Baldwin (1924-1987)

James Baldwin là một tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch và nhà hoạt động nhân quyền có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Các tác phẩm của ông chủ yếu khai thác chủ đề phân biệt chủng tộc, tình dục và phân hóa giàu nghèo. Gần đây nhất, tiểu thuyết If Beale Street Could Talk đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và nhận được 3 đề cử tại lễ trao giải Oscar 2019.

Ở tuổi 24, James trốn sang Pháp để tránh nạn kỳ thị đồng tính đang diễn ra cực đoan ở quê hương. Chuyến đi này chính là nguồn cảm hứng để ông viết Giovanni’s Room (1956) – tác phẩm được nhiều chuyên gia bình chọn là tiểu thuyết LGBT quan trọng nhất thế kỷ 20.

Khá nhiều bài luận, tiểu thuyết và phỏng vấn của James đã bị các nhà phê bình thời đó phớt lờ do công khai thảo luận về đồng tính luyến ái và nạn kỳ thị đồng tính với niềm đam mê và cảm xúc mãnh liệt. Thậm chí, giới truyền thông còn sử dụng thuật ngữ “Baldwinesque” nhằm ám chỉ tính cách gây sốc và khoa trương của James khi ấy.

E. M. Forster (1879-1970)

Edward Morgan Forster là một tiểu thuyết gia người Anh, nhà văn viết truyện ngắn, nhà tiểu luận và thủ thư. Ông thường khai thác chủ đề phân biệt giai cấp và đạo đức giả với các tác phẩm nổi tiếng như A Room with a View (1908), Howards End (1910) và A Passage to India (1924). Ông từng được đề cử giải Nobel Văn học trong 16 năm liên tục nhưng đã không chiến thắng.

Tiểu thuyết Maurice (1971) được xuất bản sau khi E.M.Forster qua đời được một năm và kể về chuyện tình của 2 người đàn ông trong bối cảnh miền quê nước Anh đầu thế kỷ 20. Nó đã gây ra nhiều tranh cãi bởi chủ đề nhạy cảm và củng cố thêm lời đồn đồng tính đã theo đuổi ông trong nhiều năm.

Marcel Proust (1871-1922)

Chỉ với thiên tiểu thuyết In Search of Lost Time, Marcel Proust đã được xếp vào hàng ngũ những nhà văn vĩ đại nhất mọi thời – sánh ngang với Lev Tolstoy, Franz Kafka và Charles Dickens. Cách hành văn của ông vẫn còn gây ảnh hưởng đến nhiều tác gia ngày nay.

Marcel được nhiều sử gia khẳng định là đồng tính và từng có mối quan hệ tình cảm với nhiều người đàn ông. Tuy nhiên, lúc còn sống, ông chưa bao giờ nói về điều này. Năm 1897, Marcel thậm chí còn yêu cầu đấu tay đôi với nhà văn Jean Lorrain - người đã công khai đặt câu hỏi về bản chất của mối quan hệ giữa ông và Lucien Daudet.

Mặc dù không thừa nhận việc đồng tính, mối quan hệ lãng mạn giữa Marcel với nhà soạn nhạc Reynaldo Hahn cũng như sự say mê của ông dành cho tài xế và thư ký riêng Alfred Agostinelli đã được ghi chép lại. Chưa hết, ngày 11.1.1918, Marcel đã bị cảnh sát bắt gặp trong lúc đột nhập vào một nhà thổ nam do Albert Le Cuziat điều hành.

Mai Thảo

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/lgbt-c-131/7-nha-van-lgbt-noi-tieng-nhat-the-ky-20-115725.html