7 sai lầm khi sử dụng bếp điện khiến tiền điện tăng 'không phanh'

Bếp điện đang được lòng các bà nội trợ bởi nhiều tính năng, an toàn. Tuy nhiên, nếu bạn chưa biết những điều này, bếp điện sẽ trở thành công cụ tiêu hao điện năng rất nhiều.

Bếp điện là gì?

Bếp điện là thiết bị nấu ăn hoạt động theo phương thức chuyển hóa điện năng sang nhiệt năng. Từ đó tỏa nhiệt làm nóng vật nấu và làm chín thức ăn.

Các loại bếp điện trên thị trường hiện nay

Bếp điện từ

Đây loại bếp hoạt động theo nguyên lý sử dụng dòng điện xoáy Foucault sinh ra từ trường. Dòng điện sẽ đi qua cuộn dây đồng đặt dưới rồi sinh ra dòng từ trường trong phạm vi nhỏ trên bề mặt bếp. Dòng từ trường khi gặp những vật nấu nhiễm từ tính sẽ sinh nhiệt và làm chín thực phẩm.

So với các loại bếp điện hiện nay, bếp điện từ có lẽ được biết đến nhiều nhất. Với khả năng tiết kiệm điện, nấu nhanh, an toàn rất nhiều người lựa chọn. Bên cạnh đó bếp điện từ có nhiều loại mẫu mã như: bếp đôi, bếp âm,.. Điều này đem đến cho người tiêu dùng vô vàn sự lựa chọn.

Bếp điện hồng ngoại

Rất nhiều người tiêu dùng cho rằng bếp hồng ngoại không phải bếp điện. Đừng nhầm lẫn bạn nhé, bếp hồng ngoại là một trong các loại bếp điện. Loại bếp sử dụng dòng điện đốt tạo nhiệt, phát ra năng lượng hồng ngoại truyền đến mặt bếp. Lúc này năng lượng hồng ngoại sinh nhiệt làm nóng vật nấu và làm chín thực phẩm. Bếp hồng ngoại không kén nồi, bạn còn có thể nướng thịt trực tiếp trên bếp. Bếp còn có tên gọi khác là bếp Halogen.

Trên thị trường, các loại bếp được trang bị các chức năng nấu tích hợp, tiết kiệm thời gian,..

Bếp điện từ kết hợp với bếp điện hồng ngoại

Đây là loại bếp được đánh giá là tiện dụng nhất. Với thiết kế nhằm tích hợp ưu điểm của 2 loại bếp trên. Vì vậy, chúng sẽ khắc phục được những nhược điểm của 2 loại bếp đó. Bởi sự kết hợp giữa từ và hồng ngoại, vậy nên bếp sẽ không kén nồi. Bạn có thể thoải mái sử dụng vật dụng nấu nướng. Thậm chí bạn cũng có thể nấu trực tiếp trên vùng hồng ngoại.

Xem thêm: Nắm 7 mẹo này thì dùng điều hòa tẹt ga cũng không lo tốn điện mùa nắng nóng

7 sai lầm khi sử dụng bếp điện

So với bếp gas, bếp điện tiết kiệm được 20-30% chi phí nấu ăn. Không những an toàn cho trẻ em, mà còn không gây bỏng khi sờ vào bề mặt bếp. Hầu hết các bếp hiện nay đều có chế độ khóa an toàn, thời gian nấu ăn được rút ngắn.

Tuy nhiên, nếu như sử dụng bếp điện sai cách có thể dẫn đến hao hụt điện rất nhiều. EVN đã chỉ ra những sai lầm khi dùng bếp điện tốn điện:

Sử dụng bếp điện thất thường, bữa có bữa không

Việc không sử dụng bếp từ thường xuyên gây chập các bảng mạch của thiết bị.

Việc không sử dụng bếp từ thường xuyên gây chập các bảng mạch của thiết bị.

Nếu bạn đang ở miền Bắc, trong thời tiết nồm ẩm, thì việc không sử dụng bếp thường xuyên sẽ khiến bếp dễ hỏng. Bởi khí ẩm rất dễ xâm nhập vào, gây chập các bảng mạch của thiết bị. Do đó, nên sử dụng bếp từ đều đặn để tuổi thọ của bếp được bền lâu.

Không vệ sinh bếp thường xuyên

Mặt bếp nếu ẩm ướt và không sạch dầu mỡ rất dễ bị rạn nứt.

So với bếp gas, các loại bếp điện từ có thiết kế nhỏ gọn và dễ vệ sinh hơn. Tuy nhiên, như vậy vô tình lại làm cho nhiều người ít có thói quen lau chùi. Ngoài ra, mặt bếp nếu ẩm ướt và không sạch dầu mỡ rất dễ bị rạn nứt nếu hoạt động ở nhiệt độ cao.

Rút nguồn điện ngay sau khi vừa nấu xong

Khi vừa nấu xong, chúng ta thường ngắt điện ngay lập tức vì muốn tiết kiệm điện. Thế nhưng điều này sẽ làm cho quá trình làm mát của bếp chậm lại, bếp sẽ nhanh hỏng. Do đó, hãy đợi cho đến khi quạt tản nhiệt dừng chạy rồi mới rút nguồn điện.

Nấu ở mức nhiệt quá cao

Nấu ở mức nhiệt quá cao sẽ làm cho lượng điện cũng tiêu tốn nhiều.

Bếp từ có nhiều mức công suất để nấu nướng. Với mức công suất cao nhất sẽ sinh nhiệt rất cao và truyền nhiệt nhanh. Bởi vậy, nhiều chị em muốn nấu ăn nhanh chóng để đỡ tốn điện đã nấu ở mức nhiệt cao nhất. Với cách làm này, mức nhiệt quá cao sẽ không thể giúp thực phẩm chín đều hết mà lại gây cháy khét bên ngoài nhanh chóng, lượng điện cũng tiêu tốn nhiều.

Sử dụng loại nồi không phù hợp

Bếp điện từ là dòng bếp kén nồi nấu.

Bếp điện từ là dòng bếp kén nồi nấu. Bếp chỉ có thể nấu được những loại nồi có đáy làm bằng chất liệu nhiễm từ như thép, men sắt, inox,… Nếu các bạn dùng những nồi có đáy bằng chất liệu này nhưng đáy không bằng phẳng, bị lồi hay lõm thì tiết diện tiếp xúc giữa nồi và bếp sẽ ít khiến nhiệt tác động lên nồi nấu ít, từ đó làm tăng thời gian nấu dẫn đến tốn nhiều điện năng.

Với những nồi có đáy không nhiễm từ thì bạn cũng có thể nấu được bằng cách sử dụng đĩa từ lót ở dưới. Tuy nhiên, cách này khiến nhiệt truyền lên nồi khá lâu nên cũng mất nhiều thời gian nấu ăn, gây tốn điện hơn.

Tốt nhất, các bạn nên chọn những nồi nấu đáy nhiễm từ và bằng phẳng, đường kính từ 10- 26cm, có 3 đáy hoặc 5 đáy là tốt nhất.

Công suất bếp không tương thích với điện áp gia đình sử dụng

Công suất chênh lệch sẽ gây ra tình trạng chập cháy.

Công suất tiêu thụ điện của bếp từ thường ở mức 1800~2200W, nếu đường dây điện trong gia đình bạn quá nhỏ, chỉ chịu được áp lực điện ở mức vừa phải. Hoặc bạn dùng một bảng điện để cắm chung các thiết bị như bếp từ, nồi cơm điện, tủ lạnh… thì tình trạng chập cháy đường dây dẫn đến hỏa hoạn là rất dễ xảy ra.

Tốt nhất, trước khi mua bếp bạn nên kiểm tra xem công suất của thiết bị này có phù hợp với điện áp của gia đình hay không. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy nguồn điện chập chờn hãy tắt ngay bếp từ để tránh chập điện, ảnh hưởng tới các thiết bị khác trong nhà. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ cháy nổ bếp từ mà nhiều người chủ quan không để ý.

Bật bếp quá lâu và liên tục

Nhiệt độ làm nóng trên bếp điện rất cao so với bếp gas, rất dễ gây quá tải và giảm tuổi thọ của bếp, nứt mặt bếp cũng như hỏng hóc dụng cụ nấu nướng nếu dùng liên tục ở nhiệt độ cao.

Sau khi nấu xong một một món ăn, bạn nên tắt bếp nghỉ ngơi một chút rồi mới tiếp tục nấu món khác.

Bùi Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/7-sai-lam-khi-su-dung-bep-dien-khien-tien-dien-tang-khong-phanh-172230605111619764.htm