7 thanh niên tử vong ở đêm nhạc: Cái giá của tiêu chí 'quẩy hết mình'

7 thanh niên tham gia đêm lễ hội âm nhạc Hồ Tây đã chẳng còn nhìn thấy ánh mặt trời của sớm mai, nguyên nhân nghi do bị sốc thuốc.

Trước khi xảy ra vụ việc 7 thanh niên tử vong tại lễ hội âm nhạc Hồ Tây một ngày, ngày 15/9 tại chương trình âm nhạc Defqon 1 ở thành phố Sydney của Australia, hai 9X thiệt mạng, 13 nạn nhân nhập viện và 700 người khác cần sự trợ giúp y tế. Tất cả bị "sốc thuốc".

Trước đó, vào tháng 6 tại nhạc hội Escapade - Ottawa, Canada, 7 người nhập viện với các biểu hiện sốc thuốc quá liều trong đó có 2 người ở trạng thái nguy kịch khi nhập viện.

Các trường hợp tử vong do sử dụng chất kích thích tại các lễ hội/nhạc hội lớn đã không còn lạ gì. Bởi không phải bây giờ mà nhiều năm qua, trong những cuộc hội hè đàn đúm đều chung một tiêu chí “quẩy hết mình” và để hết mình thì nhiều người tham dự thường tìm cách mang chất kích thích theo để sử dụng.

Hiện nay, loại thường thường nhất có lẽ là sử dụng “bóng cười” để tăng sự vui vẻ, hưng phấn trong các bữa tiệc. Tại khuôn viên của lễ hội âm nhạc Hồ Tây, qua khám nghiệm công an phát hiện có nhiều “bóng cười”. Và qua kết quả xét nghiệm tại bệnh viện E, các nạn nhân sử dụng chất kích thích như ma túy đá, thuốc lắc, cần sa và ma túy tổng hợp; có nạn nhân còn sử dụng các loại chất kích thích trên trộn lẫn với nhau.

"Bóng cười" được sử dụng trong lễ hội âm nhạc Hồ Tây.

Với loại thường thường là “bóng cười” chứ chưa nói đến các loại chất kích thích khác, các cơ quan chuyên ngành, báo đài cảnh báo, khuyến cáo bởi có những tác động nguy hiểm đến người chơi: Nhẹ thì sốc phản vệ, nặng thì đột quỵ.

Tại cuộc hội thảo của bộ LĐ-TB&XH về việc đánh giá công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của luật Phòng, chống ma túy. Kết quả điều tra xã hội năm 2017 của tổng cục Thống kê tại 6 tỉnh, thành phố cho thấy: Tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là khoảng 0,66% dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 tuổi đến 64 tuổi); 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi, 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi.

Tính đến giữa tháng 11/2017, Việt Nam có trên 222 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) và chất hướng thần. Đặc biệt, tại một số địa phương từ năm 2016 tỷ lệ sử dụng ATS và chất hướng thần mới phát hiện cao như các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đà Nẵng, Trà Vinh có trên 80% sử dụng ATS và chất hướng thần.

Những con số trên đủ cho thấy thực trạng về việc sử dụng chất kích thích rất khủng khiếp. Và càng khủng khiếp hơn là phần trăm số người sử dụng ma túy dưới 25 tuổi cao. Dưới 25 tuổi – người sử dụng đang ở độ tuổi cái gì cũng muốn khám phá chính vì thế mà dễ dẫn đến lầm đường lạc lối. Mà con đường cho những bạn trẻ lầm đường lạc lối đâu dễ tìm về. Đó là chưa kể đến, những tác hại khôn lường của việc sử dụng chất kích thích.

Trong lễ hội âm nhạc Hồ Tây, có 2 nạn nhân tử vong năm nay vừa tròn 22 tuổi. Nếu như đây là lần đầu tiên các em nghe theo lời bạn bè rủ rê thử sử dụng để được “quẩy hết mình” thì thật đáng tiếc. Tương lai rộng mở của các em đang ở phía trước, gia đình các em vừa được thở phào bởi con mình đã lớn khôn, xa vòng tay cha mẹ bước ra xã hội gây dựng tương lai thì chính thứ chất kích thích kia đã đặt dấu chấm hết. Một cái chết nhanh chóng đến từ sốc thuốc.

Cái chết của các em, trách nhiệm thuộc về ai?

Trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự của người dân thuộc bộ Công an và các cơ quan liên quan. Các cuộc kiểm tra, bảo vệ an ninh trật tự, ngăn chặn, phòng ngừa sử dụng ma túy… diễn ra hàng trăm, hàng nghìn cuộc. Thế nhưng, việc đó vẫn không thể ngăn chặn dẫn đến những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Để không có những cái chết từ sốc thuốc, trách nhiệm này không thể để lên vai những cơ quan chức năng mà từ ngay mỗi cá nhân để không còn vụ việc nào đáng tiếc như sự kiện lễ hội âm nhạc Hồ Tây vừa qua.

Phong Linh

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/7-thanh-nien-tu-vong-o-dem-nhac-cai-gia-cua-tieu-chi-quay-het-minh-a404866.html