70 sự cố hàng không trong 9 tháng: Nhiều hay ít?

Trong số này, có 01 sự cố nghiêm trọng, 08 sự cố uy hiếp an toàn cao và 61 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn.

Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019.

Theo báo cáo này, ở lĩnh vực hàng không không có người chết và người bị thương dù tính từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/9/2018, ngành hàng không đã xảy ra 70 sự cố.

Trong số này, có 01 sự cố nghiêm trọng (mức B), 08 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) và 61 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D).

So với cùng kỳ năm 2017, về sự cố nghiêm trọng (mức B) tăng 100%, sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) giảm 11.1%, sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D) tăng 17.3%, tổng sự cố tăng 14.8%.

9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xảy ra 70 sự cố hàng không. Ảnh minh họa

Bình luận về những con số này, GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam (VASA) cho biết, để nắm rõ bản chất thì cần phải so sánh con số về sự cố nói trên với số lần cất/hạ cánh hoặc số giờ bay, còn nếu chỉ báo cáo đơn thuần các con số thì chưa nói lên điều gì.

Dù vậy, đánh giá một cách tổng quát, theo Chủ tịch VASA, hàng không Việt Nam vẫn được đánh giá có mức độ an toàn hàng đầu thế giới.

"Các sự cố uy hiếp an toàn bay ở đâu cũng xảy ra, không riêng gì Việt Nam. Như một chiếc ô tô bị hỏng đèn chẳng hạn, nếu cứ để thế mà đi có thể gây ra mất an toàn. Máy bay có hàng trăm hệ thống như thế, đôi khi điều hòa nhiệt độ, ống thông gió... trên máy bay có thể bị trục trặc và nếu không khắc phục kịp thời có thể ảnh hưởng đến an toàn.

Nhìn chung, những trường hợp ấy chưa đến mức quá nghiêm trọng. Nhưng cũng có những sự cố như máy bay hạ cánh nhầm xuống đường băng đang thi công ở sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) hồi cuối tháng 4/2018 là vô cùng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tai nạn khủng khiếp nếu có một máy bay khác hạ cánh cùng thời điểm", ông Cương chỉ rõ.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, so với các phương tiện khác như ô tô, tàu hỏa, tàu thủy thì máy bay vẫn là loại phương tiện an toàn nhất.

"Nhiều người đôi khi đọc báo thấy tai nạn máy bay khiến hàng chục, thậm chí hàng trăm người chết và mất tích thì cho rằng máy bay không an toàn. Tuy nhiên, đó chỉ là cách nhìn theo sự kiện bên ngoài, nếu đi sâu phân tích, tính theo tỷ lệ tương đối thì máy bay vẫn an toàn nhất", ông nói.

Mới đây nhất, hai hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã được xếp hạng tuyệt đối 7/7 sao về an toàn hàng không bởi AirlineRatings - website uy tín thế giới chuyên đánh giá về mức độ an toàn và chất lượng dịch vụ của hơn 435 hãng hàng không toàn cầu.

AirlinesRatings đánh giá mức độ an toàn của mỗi hãng hàng không dựa trên các tiêu chuẩn được các quốc gia công nhận như: bộ 8 nhóm tiêu chí an toàn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO Country Audit), chứng nhận an toàn khai thác của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IOSA), chấp thuận bay của Liên minh châu Âu...

Đồng thời, AirlineRatings đưa vào các tiêu chí riêng như không xảy ra tai nạn làm thương vong hành khách hoặc phi hành đoàn trong vòng 10 năm vừa qua.

Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đáp ứng tất cả các tiêu chí trong thang đánh giá này, nằm cùng bảng xếp hạng với Singapore Airlines, British Airways, American Airlines, Emirates…

Báo cáo của Chính phủ về an toàn giao thông năm 2018 cho biết, 9 tháng đầu năm (tính từ ngày 16/12/2017 đến 15/9/2018) cho biết, toàn quốc xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.012 người, bị thương 10.319 người. So với 9 tháng đầu năm 2017, giảm 1.120 vụ (giảm 7,8%), giảm 113 người chết (giảm 1,84%), giảm 1.467 người bị thương (giảm 12,45%). Trong đó:

Đường bộ xảy ra 13.055 vụ, làm chết 5.882 người, bị thương 10.265 người. So với cùng kỳ năm 2017 giảm 1.102 vụ (-7.78%), giảm 97 người chết (-1.62%), giảm 1.472 người bị thương (-12.54%).

Đường sắt: xảy ra 114 vụ, làm chết 94 người, bị thương 49 người. So với cùng kỳ năm 2017 tăng 01 vụ (+0.88%), giảm 04 người chết (-4.08%), tăng 16 người bị thương (+48.48%).

Đường thủy nội địa: xảy ra 58 vụ, làm chết 32 người, bị thương 05 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 18 vụ (-23.68%), giảm 04 người chết (-11.11%), giảm 10 người bị thương (-66.67%).

Hàng hải: xảy ra 15 vụ, làm chết 04 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 01 vụ (-6.25%), giảm 08 người chết (-66.67%), giảm 01 người bị thương (-100%).

Báo cáo đánh giá, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, mức giảm tai nạn giao thông chưa đạt yêu cầu, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 1.83%.

Một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 và 04 vụ tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng tại Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Nam, Lai Châu làm chết nhiều người, thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/70-su-co-hang-khong-trong-9-thang-nhieu-hay-it-3367739/