70% ưu đãi doanh nghiệp thân hữu: Quyền biến thành Lợi

'Thân hữu' chính là để tham nhũng tồn tại trên tầm ảnh hưởng của quyền lực, quan hệ, tiền bạc và lợi ích, rất đáng lo ngại...

Báo cáo về vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp "thân hữu" của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, ưu đãi cho doanh nghiệp "thân hữu" có giảm nhưng chưa bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng.

Tỉ lệ khảo sát được cho là có ưu đãi cho doanh nghiệp “thân hữu” có sự chuyển biến nhẹ từ 77% năm 2015 giảm xuống còn 70% trong năm 2018. Báo cáo cũng cho biết, trong suốt 4 năm theo dõi, tỉ lệ này chưa bao giờ thấp hơn 70%.

Nhìn nhận vấn đề trên, PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng bản chất của “thân hữu” cũng là một phương thức tham nhũng tồn tại dựa trên tầm ảnh hưởng của quyền lực, quan hệ, tiền bạc và lợi ích. Hiện tượng trên không mới mà luôn ẩn chứa theo những khuynh hướng phát triển mang tính câu kết thành hệ thống, có thể xuất hiện trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại.

"Thân hữu" chính là để tham nhũng. Ảnh minh họa: VNN

"Thân hữu" chính là để tham nhũng. Ảnh minh họa: VNN

Cơ chế thân hữu...

PV:- Từ báo cáo của VCCI, những vấn đề ông lo ngại cụ thể là gì? Xin ông phân tích thêm.

PGS Hoàng Văn Cường:- Năm 2019, để có được kết quả tăng trưởng kinh tế 7,02%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao, phải kể tới đóng góp rất lớn từ cải thiện môi trường kinh doanh. Kết quả trên đã giúp chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong năm 2019. Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu.

Phải nhấn mạnh, đây là kết quả của những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Chính nhờ những nỗ lực trong cải cách môi trường kinh doanh, cắt giảm các điều kiện ràng buộc, xóa bỏ các rào cản tự do hóa tiếp cận đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tự do lựa chọn các cơ hội để các doanh nghiệp rộng đường phát triển. Đặc biệt, đối với khu vực tư nhân, cắt giảm thực chất chính là “cởi trói” cho doanh nghiệp, khích lệ doanh nghiệp phát huy thế mạnh, tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế, giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn.

Báo cáo của VCCI cũng thể hiện rất rõ sự cải thiện của những chỉ số về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong những năm vừa qua. Những chỉ số lo ngại, e ngại hoặc không hài lòng của doanh nghiệp với các thủ tục hành chính giảm với tốc độ rất nhanh. Hầu hết những e ngại của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh đã giảm xuống mức dưới 50%, thậm chí có nhiều chỉ số còn rất thấp dưới mức 20-30%.

Tuy nhiên, báo cáo của VCCI cũng thẳng thắn chỉ ra vẫn còn một chỉ số liên quan tới vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp "thân hữu". Chỉ số này hầu như không có thay đổi nhiều trong 4 năm vừa qua và chưa bao giờ ở mức dưới 70%. Đây là chỉ số có tỉ lệ cải thiện kém nhất khi được khảo sát.

Vậy tại sao chỉ số này lại khó cải thiện? Trước hết, phải hiểu rằng “thân hữu” cũng là một phương thức tham nhũng, nhưng là phương thức mà ở đó, nguồn lực quốc gia được phân bổ dựa trên tầm ảnh hưởng của quyền lực, quan hệ, tiền bạc và lợi ích. Khi còn tồn tại "thân hữu" đương nhiên sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đặc biệt với khối doanh nghiệp tư nhân.

Bởi thay vì đi theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng thì doanh nghiệp “thân hữu” lại lựa chọn con đường ngắn nhất, dễ nhất, ít rủi ro nhất để giải bài toán phân bổ nguồn lực, đó là dựa trên những ưu đãi từ cơ chế quản lý, là liên kết với các cơ quan, cá nhân có quyền lực để thao túng chính sách, giành lợi thế cho mình.

Những doanh nghiệp không thuộc nhóm có mối quan hệ “thân hữu” đương nhiên bị đẩy ra ngoài, hoặc có rất ít cơ hội để được tham gia vào các lĩnh vực đầu tư của khu vực nhà nước có chi phối bởi cơ chế thân hữu. Khi không được tham gia sẽ không có điều kiện nâng cao năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, càng không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp “thân hữu”.

Một điều rất đáng lưu tâm khác cũng được thể hiện ở chỉ số khảo sát của VCCI. Chỉ số 70% doanh nghiệp được khảo sát cho biết là có ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp “thân hữu” điều đó không có nghĩa là 70% khối lượng công việc, hoạt động kinh doanh của nền kinh tế đều dành cho nhóm doanh nghiệp “thân hữu”.

Nói cách khác, nhóm doanh nghiệp “thân hữu” có thể chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại tập trung ở những người giàu và có quyền lực, có khả năng nắm quyền khống chế thị trường, làm cản trở mục tiêu phấn đấu, ít nhất cũng là về mặt tâm lý của số 70% doanh nghiệp đang cho rằng việc cạnh tranh của họ sẽ gặp khó khăn bởi các doanh nghiệp “thân hữu”.

Chưa kể, nếu những quyết định của hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ của khu vực công lại dành cho khu vực “thân hữu” là do ý chí chủ quan của người có quyền ưu ái chứ không dựa trên cơ sở đánh giá hiệu quả như đưa ra đấu thầu cạnh tranh bình đẳng.

Điều nguy hại lớn nhất của cơ chế thân hữu theo tôi vẫn là những cản trở về mặt tâm lý. Từ chỗ biết rõ có cố gắng cũng không thể cạnh tranh được với những ưu đãi dành cho nhóm “thân hữu” sẽ khiến nhóm 70% doanh nghiệp bị tác động không muốn cố gắng, không muốn đổi mới, sáng tạo để vươn lên, không chú trọng đầu tư nâng cao năng lực mà chạy theo xu hướng tìm các mối quan hệ để hưởng cơ chế thân hữu.

PV:- Ngoài những ảnh hưởng từ ưu đãi cho nhóm “thân hữu”, khu vực doanh nghiệp tư nhân lâu nay cũng vẫn phải chịu thiệt thòi trước những cơ chế ưu đãi dành cho khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp FDI. Trong tình cảnh “một cổ đôi tròng”, cơ hội nào cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, thưa ông?

PGS Hoàng Văn Cường:- Các chỉ số khảo sát của VCCI gần đây cũng cho thấy, những ưu đãi cho nhóm DNNN và FDI so với khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng được cải thiện theo hướng giảm xuống nhưng vẫn còn ưu ái. Vấn đề ở chỗ, những ưu đãi cho FDI hay DNNN là những ưu đãi được đưa ra tương đối công khai, minh bạch và nó chỉ tạo ra sự bất bình đẳng một cách chính thức trên thị trường. Như vậy, khi nhìn vào những cơ chế, chính sách ưu đãi cho nhóm này, khối doanh nghiệp tư nhân có thể nhận diện được ngay những khu vực được gọi là “vùng hạn chế”, vùng cạnh tranh không thể đặt chân được vào.

Trong khi đó, ưu đãi cho doanh nghiệp “thân hữu” lại không được thể hiện một cách công khai minh bạch, rất khó đoán định. Đây chính là lý do đáng lo ngại nhất, vì khi không biết được đâu là vùng cấm, là vùng hạn chế, doanh nghiệp tư nhân sẽ không có được sự chủ động, không dám đầu tư để phát triển.

Muốn kiểm soát "thân hữu" phải kiểm soát tham nhũng

PV:- Vấn đề ưu đãi doanh nghiệp "thân hữu" được đề cập trong bối cảnh quá trình cổ phần hóa các DNNN đang diễn ra, nhiều lo ngại đây là hoạt động "quyền biến thành lợi" một cách trực tiếp. Và điều này làm nảy sinh những doanh nghiệp “thân hữu”, tạo cơ hội cho tham nhũng. Những cảnh báo trên nên được nhìn nhận thế nào?

PGS Hoàng Văn Cường:- Đó là lo ngại thực tế, bởi “thân hữu” chính là để tham nhũng. Bản chất của những ưu ái cho nhóm “thân hữu” là đến từ sự ưu ái của các nhà quản lý, những người có quyền quyết định lựa chọn doanh nghiệp thực hiện dự án hoặc những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công. Khi được ưu ái trong việc lựa chọn sẽ khó tránh khỏi những khuất tất, mờ ám, tạo điều kiện cho tiêu cực, tham nhũng phát triển. Điều này dẫn đến tiêu cực, tham nhũng gần như chắc chắn, vấn đề chỉ là ở mức độ, quy mô như thế nào mà thôi.

Như vậy, khi đặt vấn đề ưu đãi “thân hữu” trong bối cảnh quá trình cổ phần hóa DNNN đang diễn ra, rõ ràng sẽ có nhiều lo ngại, bởi gắn với cổ phần hóa là gắn với tài sản công, là nguồn lực của đất nước.

Có nhiều nguy cơ có thể xảy ra. Nhưng nguy hại lớn nhất có thể nhìn thấy không chỉ là nguy cơ làm thất thoát tài sản của Nhà nước mà còn có thể làm mất đi cơ hội phát triển của các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế.

Khi thực hiện cổ phần hóa, doanh nghiệp “thân hữu” bằng các mối quan hệ có thể tác động nhằm chuyển đổi DNNN sang cho doanh nghiệp tư nhân, biến tài sản của nhà nước thành tài sản của tư nhân thông qua định giá thấp, hoặc không thực hiện đầy đủ các quy trình quy định công khai, gây thất thoát tài sản công.

Nguy hiểm hơn là tài sản của Nhà nước có khả năng bị rơi vào tay nhà đầu tư thiếu năng lực, trình độ quản trị nắm giữ; trong khi nếu lựa chọn được người quan trị có năng lực để thực hiện tái cấu trúc lại doanh nghiệp, giúp DNNN từ chỗ yếu kém trở thành doanh nghiệp tư nhân làm ăn phát triển thì không chỉ giải được bài toán bế tắc cho các DNNN kém hiệu quả mà còn góp phần phát huy được năng lực, thế mạnh của các doanh nghiệp tư nhân thành các tập đoàn kinh tế mạnh.

Điều nguy hại hơn nếu động cơ của cổ phần hóa chỉ nhắm tới việc thông qua doanh nghiệp “thân hữu” để nắm giữ, chiếm đoạt tài sản Nhà nước với giá rẻ, sau đó tẩu tán, bán lại kiếm lợi chênh lệch. Như vậy sẽ không đạt được mục tiêu tái cấu trúc DNNN, không giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn.

Điều đó là đi trái với mục tiêu tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN là nhằm thu hút, kêu gọi được nhà đầu tư có năng lực, có tiềm lực và khả năng quản trị tốt nhất để thay Nhà nước nắm quyền điều hành, quản lý, phát triển doanh nghiệp.

70% ưu đãi doanh nghiệp 'thân hữu': Khó kiểm soát

PV:-Ở các nước trên thế giới, vấn nạn này diễn ra ở mức độ nào? Để xử lý có khó không, thưa ông?

PGS Hoàng Văn Cường:- Chủ nghĩa “thân hữu” thì ở đâu cũng có. Chính vì thế, để kiếm soát quyền lực và loại trừ thân hữu, các nước trên thế giới luôn đề cao cơ chế kiểm soát tăng cường tính công khai minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến nguồn lực công, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng để mọi doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận ngang nhau.

Ở Việt Nam, kiểm soát doanh nghiệp “thân hữu” đã được đưa vào luật phòng chống tham nhũng. Theo đó, các quy định đưa ra nhằm hạn chế quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức, những người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người thân không được tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực, ngành nghề mà người đó trực tiếp quản lý.

Nhưng nếu nhận diện doanh nghiệp “thân hữu” một cách trực diện theo hướng những người quản lý đều là những người thân quen chỉ thể hiện được một phần nhỏ trong cả một tảng băng lớn của nhóm “thân hữu”. Bởi thực tế, nhiều người bỏ tiền đầu tư nhưng đứng tên chủ doanh nghiệp lại có thể thuê người khác hoàn toàn xa lạ, không nhất thiết phải là người có quan hệ gia đình.

Rất khó để phát hiện được ai tham gia, quan hệ giữa những người làm chủ doanh nghiệp này như thế nào, có liên quan tới người cố quyền ra các quyết quản lý hay không? Vì thế trong luật phải tính tới chuyện phải phòng chống tham nhũng ở cả khu vực doanh nghiệp tư, khu vực được gọi là sân sau cho doanh nghiệp nhà nước.

Ở khu vực này, luật phòng chống tham nhũng cũng mới chỉ dừng lại ở việc quy định doanh nghiệp tư là những doanh nghiệp có tài sản sở hữu chung như các doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động kinh doanh có liên quan trực tiếp tới các hoạt động của Nhà nước. Do đó, khi thực hiện các hoạt động kiểm toán của khu vực nhà nước, những hoạt động có liên quan cũng phải chịu kiểm soát.

Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện kiểm soát việc sử dụng doanh nghiệp “thân hữu”, DN sân sau thông qua việc kiểm soát đường đi của dòng tiền từ ngân sách. Theo đó, dòng tiền từ ngân sách được cấp ra để thực hiện một dự án đầu tư hay để cung cấp dịch vụ công dù là do DNNN hay DN tư nhân thực hiện đều bị kiểm soát chặt chẽ để truy xuất đến cùng dòng tiền đi đến đâu, có dùng vào việc tạo lập ra các sản phẩm, dịch vụ hay chuyển ra ngoài mạch lưu chuyển hàng hóa thông qua truy xuất đến cùng nguồn gốc các hàng hóa dịch vụ đã cung cấp theo hợp đồng. Nếu doàng tiền chảy đến chỗ không có hàng hóa dịch vụ đầu vào thì đầu mối tham nhũng, rửa tiền sẽ bị truy cứu.

Nếu kiểm soát được dòng tiền như vậy, thì không chỉ truy cứu tới một chu trình mà còn có thể truy cứu tới toàn bộ chu trình thực hiện dự án. Như vậy, những hành vi lợi dụng doanh nghiệp “thân hữu” để tham nhũng, trục lợi đều được phát hiện và ngăn chặn.

Các quy định của luật phòng chống tham nhũng cũng như trong luật kiểm toán của Việt Nam chưa có quy định kiểm toán theo dòng tiền, do vậy chỉ khi nào phát hiện có dấu hiệu vi phạm, tham nhũng thì cơ quan điều tra mới vào cuộc và bắt đầu lần theo dấu vết dòng tiền.

Nếu phải đợi đến khi có vụ việc xảy ra cơ quan quản lý mới vào cuộc thì đương nhiên tài sản của Nhà nước đã bị tẩu tán, cơ hội thu hồi rất khó, nên các vụ án tham nhũng thường không thể thu hồi được hết tài sản đã tham nhũng thất thoát.

Trong bối cảnh cách mạng 4.0 và phát triển nền kinh tế số, nếu tất cả các quan hệ kinh tế, các hoạt động của các doanh nghiệp, các hợp đồng mua bán trao đổi hàng hóa và lưu chuyển dòng tiền đều được số hóa và đưa vào kiểm soát trong một hệ thống dữ liệu thống nhất theo công nghệ Blockchain thì các quan hệ sử dụng các nguồn lực và tài sản công sẽ trở lên minh bạch và được kiểm soát một cách khách quan, độc lập bởi nhiều chủ thể cùng tham gia vào chuỗi các hoạt động có liên quan đến cung cấp dịch vụ và sử dụng tài sản nguồn lực công. Nếu làm được như vậy, chắc chắn sẽ không còn đất cho co chế “thân hữu” tồn tại, qua đó cũng ngăn chặn được tình trạng tham nhũng.

PV:- Xin cảm ơn ông!

Hoài An(thực hiện)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/70-uu-dai-doanh-nghiep-than-huu-quyen-bien-thanh-loi-3394488/