73 năm Quốc khánh: TPHCM thấm đẫm mạch nguồn năng động, sáng tạo

Năng động, sáng tạo là bản chất, là cốt cách, trở thành nét văn hóa tiêu biểu nhất của con người TPHCM.

Kỷ niệm ngày Quốc khánh năm nay, niềm vui của người dân TPHCM như được nhân lên khi mà những chính sách đặc thù, những dự án cụ thể xây dựng thành phố thông minh, những chuyển đổi bước đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…dần đi vào cuộc sống. Nếu cả nước đã có 73 năm độc lập thì thành phố này đã được 43 năm hòa bình, phát triển. Thành phố luôn nỗ lực vươn lên, dẫn đầu cả nước, vì cả nước bằng sự năng động, sáng tạo của từng con người và của cả cộng đồng.

Năng động, sáng tạo trở thành mạch ngầm cho TPHCM phát triển

Năng động, sáng tạo trở thành mạch ngầm cho TPHCM phát triển

“Năng động, sáng tạo là bản chất, là cốt cách, trở thành nét văn hóa tiêu biểu nhất của con người TPHCM”, đó chính là điều mà các học giả, chuyên gia trong và ngoài nước khẳng định khi nói về truyền thống năng động sáng tạo của người dân thành phố.

Sự năng động và sáng tạo ấy thể hiện trong mỗi người dân khi họ chọn thành phố này là nơi an cư, lập nghiệp. Đó là câu chuyện của một thầy giáo mày mò chế tạo gậy dẫn đường cho người khiếm thị, một học sinh với 7 năm chế tạo những mô hình thiết bị chữa cháy tự động, một nhóm các bạn trẻ hát gây quỹ từ thiện hay lớn hơn là nhóm các nhà nghiên cứu về giải pháp chống ngập nước, kẹt xe…

Dường như ai đến đây một thời gian không quá dài đều tự coi mình là một người con của thành phố, đủ tâm huyết và đủ nhiệt tình để tham gia các công việc chung. Người dân TPHCM ít ai chịu ngồi yên, mà trái lại luôn hướng đến, luôn tìm ra những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn, bằng học tập, bằng làm việc và bằng năng động sáng tạo. Từ chứng kiến một vụ cháy, Dương Chí Hào, học sinh lớp 12, đã có 7 năm tìm tòi, chế tạo những mô hình xe cứu hỏa, thiết bị chữa cháy tự động và giờ vẫn tiếp tục sáng tạo để bớt hiểm nguy, đảm bảo an toàn cho người dân thành phố.

"Mong muốn của em là làm ra những sản phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy. Sản phẩm đó phải hữu ích, kịp thời với công nghệ hiện nay, giúp cho lính cứu hỏa bớt nguy hiểm khi tiếp cận hiện trường đám cháy", Dương Chí Hào chia sẻ.

Với bản chất, cốt cách ấy, Sài Gòn-TPHCM đã năng động, sáng tạo, làm nên những kỳ tích từ Cách mạng Tháng Tám, trong những bước khởi đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Đại thắng Mùa Xuân 1975, đến đi đầu trong công cuộc đổi mới.

Người dân thành phố đón chào năm mới 2018 (Ảnh: Vinh Quang-VOV TPHCM)

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, những trở lực cả về cơ chế, chính sách, cả trong đời sống thực tế lẫn tư duy nhận thức, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã trăn trở suy nghĩ, tìm tòi cái mới để tháo gỡ những khó khăn, thách thức, bứt phá những ràng buộc của cơ chế cũ, thậm chí có lúc, có nơi phải “xé rào” vì lợi ích chung.

Trước đây trong cơ chế tập trung, kế hoạch, bao cấp, trong khủng hoảng kinh tế cùng cả nước, lúc đó thành phố đã có những giải pháp sáng tạo để giải quyết áp lực trước mắt. Bây giờ, thành phố cũng đang là đầu tàu kinh tế, đầu tàu khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước. Thành phố kêu gọi, mỗi người lao động thành phố chọn một việc phải thay đổi trong cách làm hàng ngày của mình. Trong 5 triệu lao động chỉ cần có 1 triệu làm được như vậy thì thành phố có 1 triệu thay đổi.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân từng nói: "Chúng ta cần khẳng định và làm sâu sắc hơn nhận thức biến thành hành động là: Nguồn lực con người là quan trọng nhất của TPHCM và nguồn lực đó gắn với năng lực sáng tạo. Các tài nguyên khác có thể thiếu và không tự gia tăng, chỉ có tài nguyên con người là qua quá trình đào tạo, sử dụng không ngừng gia tăng giá trị. Khả năng sáng tạo đó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các quốc gia, địa phương nào ý thức đầy đủ về thách thức thì sáng tạo sẽ bật ra".

Ngay sau khi nhậm chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm các công trình ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) và Bảo tàng Hồ Chí Minh (quận 4) - Nguồn ảnh: Zing.vn

Truyền thống năng động, sáng tạo thấm vào máu của người dân thành phố này, thể hiện ở những việc nhỏ nhất như cách làm từ thiện, hỗ trợ nhau đến những việc lớn như hiến kế, đóng góp xây dựng thành phố thông minh, xây dựng chính quyền đô thị…Từ đây đã có nhiều mô hình hay được nhân rộng trong cả nước. Ông Võ Văn Cương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhớ lại, năm 1992, phong trào xóa đói giảm nghèo xuất phát từ huyện Củ Chi, dần nhân rộng ra toàn thành phố, rồi cả nước. Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa cũng xuất phát từ Củ Chi, xây dựng nhà tình thương ra đời từ Thủ Đức.

"Mỗi khi thành phố này gặp khó khăn và trước những yêu cầu mới đều xuất hiện những chủ trương mới, sáng kiến mới. Bao nhiêu chủ trương mới đi trước cả nước đều trên thực tiễn những khó khăn, yêu cầu mới mà thành phố phải sáng tạo. Mọi sáng kiến, sáng tạo của thành phố đều dựa trên cơ sở tiềm lực của chính mình và nhìn xa hơn để phát huy tiềm lực bên ngoài", cựu lãnh đạo thành phố, ông Võ Văn Cương khẳng định.

Nhìn ra thế giới, Israel là một quốc gia phát triển khoa học công nghệ cao bởi họ xác định chiến lược phát huy năng lực con người để phát triển khoa học công nghệ. Singapore từ một nước nhập khẩu nước uống từ Malaysia cũng trở thành nước xuất khẩu nước uống nhờ khơi dậy sức sáng tạo con người, phát triển khoa học công nghệ hiện đại…

Vấn đề đặt ra là làm sao để TPHCM luôn phát huy được truyền thống năng động sáng tạo, vận dụng sự năng động sáng tạo của người dân vào giải quyết các vấn đề khó như: biến đổi khí hậu, ngập nước, dân số ngày càng tăng, rác thải đô thị, ùn tắc giao thông…Theo các nhà khoa học, thành phố cần có những bài học kinh nghiệm về đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp của các quốc gia như Nhật Bản, Singapore, Israel để ứng dụng vào tình hình thực tiễn, đồng thời giữ được bản sắc truyền thống của mình.

Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Giao đề nghị lãnh đạo từ thành phố đến các địa phương phải chịu khó lắng nghe, trao đổi với giới trí thức, với người dân để khai thác được các đề xuất. Ông nói: "Truyền thống năng động sáng tạo của TPHCM, của Sài Gòn 300 năm thấm trong người dân. Năng lực sáng tạo hàng ngày từ những việc nhỏ như thùng trà đá miễn phí, bữa cơm miễn phí cho người nghèo ở các bệnh viện…cũng đều xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh. Thế cho nên, chúng tôi thấy rằng, phải giữ gìn truyền thống thành phố thông qua việc bảo tồn bản sắc vật thể và phi vật thể, từ đó mọi người dân thấm tinh thần đó, sẽ có năng động, sáng tạo".

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn, thu nhập bình quân đầu người đạt 6.000 USD/năm, đóng góp 22% GDP, 27% ngân sách cả nước. Lãnh đạo Thành phố đã xác định, tài nguyên lớn nhất vốn sẵn có ngay trong lòng thành phố và sẽ quyết định cho sự phát triển bền vững lâu dài là nguồn lực con người, sức sáng tạo của con người. Từ nguồn lực con người, thành phố đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng một nền quản trị năng động, một đô thị thông minh, một thành phố đáng sống./.

Minh Hạnh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/73-nam-quoc-khanh-tphcm-tham-dam-mach-nguon-nang-dong-sang-tao-806606.vov