73 năm thực hiện nhiệm vụ Bác giao

Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn...

1. Cách đây 73 năm, trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) tháng 9 năm 1945 của Bác có đoạn: “Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

2. Trong suốt hành trình 73 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu. Bắt đầu từ phong trào Bình dân học vụ nhằm diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ cho 90% người dân những năm 1945. Thời gian này, cả nước là trường học, nam phụ lão ấu đều thi đua học chữ. Tiếp đó, dù chiến tranh kéo dài hơn 30 năm nhưng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đây là một nguồn lực đặc biệt quan trọng để chúng ta đánh thắng các cuộc xâm lược do các cường quốc – đế quốc vừa giàu có về tiền bạc vừa là những nước có nền khoa học phát triển hơn chúng ta rất nhiều lần. Chiến thắng 12 ngày đêm cuộc tập kích bằng B52 của Đế quốc Mỹ vào Hà Nội và một số thành phố ở miền Bắc là minh chứng rõ ràng nhất. Hơn 40 năm sau ngày đất nước thu về một mối, với bao bộn bề sau cuộc kháng chiến trường kỳ, thấy rõ nguồn lực để xây dựng, kiến thiết đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, giáo dục, đào tạo được quan tâm hàng đầu. Chúng ta có quyền tự hào rằng, một phần mong muốn của Bác, nhiệm vụ Bác giao đã được thực hiện: Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về nhiều mặt. Vị thế Việt Nam đã khác.

3. Thực tế là, tuy nguồn lực nhà nước còn hạn chế nhưng do được cả xã hội quan tâm nên giáo dục, đào tạo của ta đã có những bước tiến rất dài, cả về dân trí, nhân lực, nhân tài. Việt Nam về trước hơn 10 năm mục tiêu xóa mù chữ so với yêu cầu Mục tiêu Thiên niên kỷ đề ra. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ Olympic và các cuộc thi khoa học - kỹ thuật khu vực, quốc tế đều đạt giải cao, được bạn bè quốc tế mến phục. Chúng ta đã có Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. Nhiều trí tuệ Việt được quốc tế công nhận và vinh danh.

4. Tuy vậy, giáo dục, đào tạo của ta còn bộc lộ nhiều vấn đề phải giải quyết. Đó là, giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn còn rất thấp so với yêu cầu. Đó là, chất lượng giáo dục đại học và đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đó là chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, thi cử, đánh giá chất lượng lạc hậu. Đó là hệ thống giáo dục thiếu tính liên thông, thiếu đồng bộ… Tóm lại là chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực, chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

5. Mặc dù đã tiến những bước dài về mọi mặt nhưng chúng ta vẫn còn là nước nghèo, nhiều lĩnh vực, nhất là khoa học công nghệ chưa phát triển. Để đưa đất nước tiến nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, và để Việt Nam ta bay cao hơn, vùng bay rộng lớn hơn, sớm sánh vai cường quốc năm châu về mọi mặt, cơ hội đã đến với chúng ta khi thế giới bước vào thời kỳ công nghiệp 4.0. Nói vậy vì ở 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước, vì nhiều lý do, chúng ta đứng ngoài lề, cơ bản chỉ tiếp nhận các thành tựu của nhân loại. Nhưng lần này, chúng ta sẽ trực tiếp tham gia từ đầu và đây là cơ hội giúp các nước đang phát triển như nước ta rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng tham gia trực tiếp phát triển công nghệ cao.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lịch sử của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2018. Thủ tướng cho rằng: Để không bỏ lỡ cơ hội này, Chính phủ phải đổi mới, chuyển đổi thành Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ khả năng, đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số.

6. Tuy nhiên, để không bỏ lỡ cơ hội, sớm đưa nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu như căn dặn của Bác 73 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục - đào tạo phải triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên tinh thần sáng tạo, tiếp cận nhanh với ý tưởng mới từ công nghiệp 4.0. Bởi cùng với thể chế, khả năng thích ứng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong môi trường thế giới chuyển biến sâu sắc là yếu tố quyết định sự thành bại từ cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Hiền Anh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/73-nam-thuc-hien-nhiem-vu-bac-giao-post22066.html