74% doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng phần mềm bất hợp pháp

Ước tính, tại Việt Nam hiện mới có hơn 26% số doanh nghiệp sử dụng phần mềm có bản quyền, còn lại gần 74% số doanh nghiệp vẫn sử dụng phần mềm bất hợp pháp.

Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực trong việc thúc đẩy thực thi tuân thủ Luật bản quyền, nhưng theo Liên minh phần mềm toàn cầu (BSA), vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phần mềm không bản quyền khiến cho việc bảo đảm an ninh mạng như khâu dữ liệu gặp rủi ro đồng thời tạo ra những lỗ hổng đáng kể.

Ước tính, tại Việt Nam hiện mới có hơn 26% số doanh nghiệp sử dụng phần mềm có bản quyền, còn lại gần 74% số doanh nghiệp vẫn sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Đây là con số mà theo BSA cũng đã được cải thiện nhiều so với trước đó.

Khảo sát của BSA từ tháng 3 đến tháng 9/2019 tại Việt Nam cho thấy, trong số 6.278 doanh nghiệp mới có 1.358 doanh nghiệp, chiếm khoảng 22%, là sử dụng phần mềm có bản quyền.

74% doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng phần mềm bất hợp pháp

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng phần mềm bất hợp pháp tại Việt Nam so với khu vực Đông Nam Á là ở mức trung bình (tỷ lệ này ở Thái Lan là 66%, ở Indonesia là 80%...). Tuy nhiên so với mức trung bình của châu Á - Thái Bình Dương thì còn khá xa, khi khu vực này đang ở mức 57%.

Chính vì thực trạng sử dụng phần mềm không bản quyền như vậy nên BSA phát động chiến dịch “Xóa bỏ phần mềm trái phép” không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nước khác, nhằm khuyến khích các CEO của doanh nghiệp hợp pháp hóa tài sản phần mềm doanh nghiệp, tuân thủ pháp luật sở tại, luật Bản quyền và luật An ninh mạng trước khi kết thúc năm 2019.

Tại Việt Nam chiến dịch này hướng đến 10.000 doanh nghiệp được cho là có nguy cơ sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Trong đó bao gồm các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh doanh như sản xuất, xây dựng, ngân hàng và tài chính, kỹ thuật, kiến trúc, truyền thông, thiết kế, CNTT, y tế...

“Các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể tránh những hậu quả đáng tiếc bằng cách tự giác kiểm tra kỹ lưỡng phần mềm trên máy tính tại công ty để đảm bảo tất cả đều hợp pháp”, đại diện BSA chia sẻ.

Tuy nhiên, đại diện của BSA cũng lưu ý, phần mềm có bản quyền chỉ là phòng tuyến đầu tiên để doanh nghiệp chống lại các cuộc tấn công qua mạng. Do đó, để chiến dịch đạt hiệu quả mong muốn, đòi hỏi nỗ lực thực tiễn từ các CEO và lãnh đạo cấp cao, những người có quyền lợi trong việc bảo vệ dữ liệu, tài sản kỹ thuật số của công ty họ, của khách hàng, uy tín bản thân và phúc lợi tài chính...

Để giúp thúc đẩy các hành động, BSA đang chuẩn bị ra mắt Công cụ ước tính rủi ro cho CEO. Với phần mềm này, các chủ doanh nghiệp có thể xác định mức phạt mà họ phải đối mặt nếu không kiểm soát tốt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp. Công cụ này sẽ được thiết kế vì lợi ích chung của các doanh nghiệp và đơn vị cung cấp phần mềm, không lưu trữ bất kỳ dữ liệu cụ thể nào của các công ty.

Chiến dịch “Xóa bỏ phần mềm trái phép” là một phần của sáng kiến Hợp pháp hóa và Tự bảo vệ được đưa ra vào đầu năm nay. Cho đến nay, sáng kiến này đã giúp hàng ngàn công ty tại Đông Nam Á hợp pháp hóa tài sản phần mềm của họ và bảo vệ dữ liệu khỏi các phần mềm độc hại và tin tặc.

Nguyễn Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/74-doanh-nghiep-viet-nam-van-su-dung-phan-mem-bat-hop-phap-553258.html