75 năm Đảng bộ thị xã Ayun Pa: Quyết tâm đoàn kết, năng động, sáng tạo

75 năm qua, Đảng bộ Cheo Reo-Ayun Pa (nay là Đảng bộ thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai)không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Đảng bộ cùng Nhân dân địa phương luôn phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng, quật cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách, góp phần vào thắng lợi của cả nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giành được kết quả đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng.

Thị xã Ayun Pa nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Thụy

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và phong trào cách mạng trong cả nước đã mở ra bước ngoặt lịch sử cho Đảng bộ và Nhân dân Cheo Reo-Ayun Pa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc đấu tranh cách mạng của Nhân dân trên địa bàn chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh vì mục tiêu giải phóng dân tộc, đoàn kết, đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước.

Gia Lai, Cheo Reo-Ayun Pa là địa phương thứ 3 trong tỉnh giành thắng lợi trong Cách mạng tháng 8-1945. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 10-8-1947, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên chính thức thành lập tại Cheo Reo gọi là Chi bộ Tham chính do đồng chí Ksor Ní làm Bí thư và 2 đảng viên Rcom Thép, Rcom Buk.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai là cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ và hy sinh của Đảng bộ và nhân dân Cheo Reo-Ayun Pa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân kiên quyết bám đất, bám làng, xây dựng cơ sở, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng. Cùng với sự kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận, tề vận, ta đã giành được những thắng lợi quan trọng và ghi được nhiều chiến công. Đặc biệt là với chiến thắng Đường 7-Sông Bờ vào tháng 3-1975, quân và dân Cheo Reo-Ayun Pa đã phối hợp với bộ đội chủ lực đập tan cuộc rút chạy chiến lược của Quân đoàn 2 ngụy trên Đường 7, dẫn đến thất bại hoàn toàn của Mỹ-ngụy tại chiến trường Tây Nguyên, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, đưa non sông thu về một mối. Đây là minh chứng sinh động về lòng yêu nước của Nhân dân Cheo Reo-Ayun Pa. Sau bao năm tháng đấu tranh gian khổ và hy sinh, ngày 19-3-1975, Cheo Reo-Ayun Pa được hoàn toàn giải phóng.

Một góc thị xã Ayun Pa. Ảnh: Đức Thụy

Ngày 10-8-1948 được gọi là mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Cheo Reo khi Tỉnh ủy Đak Lak chỉ định Ban Cán sự huyện Cheo Reo gồm 3 đồng chí: Ksor Ní, Ngô Thành, Rcom Thép; đồng chí Ksor Ní làm Bí thư Ban cán sự. Đây là sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị-xã hội của Nhân dân các dân tộc huyện Cheo Reo. Từ đây, phong trào cách mạng của huyện chính thức có một bộ máy do Đảng lãnh đạo, đưa phong trào cách mạng của huyện hòa vào dòng thác cách mạng chung của tỉnh và cả nước. Với ý nghĩa đó, Đảng bộ Ayun Pa lấy ngày10-8 hàng năm là ngày thành lập.

Bước ra từ khói lửa chiến tranh, chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Đảng bộ và Nhân dân Ayun Pa đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, năng động, sáng tạo, không ngừng đổi mới, tập trung lãnh đạo xây dựng chính quyền cách mạng và hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở, khắc phục hậu quả chiến tranh, đấu tranh giải quyết cơ bản vấn đề FULRO, ổn định tình hình chính trị, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, đặc biệt qua hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước và 19 lần đại hội, đến nay thị xã Ayun Pa đã có bước phát triển toàn diện. Kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển bền vững, kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực. Hiện nay, thị xã có 57 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã thành lập mới.

Xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực, đến nay có 4/4 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng con người có bước phát triển mạnh mẽ và là yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Đến nay, thị xã có 24 trường học các cấp, 1 điểm đào tạo nghề-Trường Cao đẳng Gia Lai, cơ bản đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ học tập của con em. Các thiết chế văn hóa-thể thao được tăng cường; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Điều kiện, chất lượng khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tốt hơn.

Các chính sách an sinh xã hội, nhất là công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách, các đối tượng xã hội được các cấp, các ngành, xã hội quan tâm thực hiện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Công tác giảm nghèo được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo của thị xã giảm còn 2,56%.

Bên cạnh đó, quốc phòng-an ninh luôn được đảm bảo; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, phát huy, tạo sự đồng thuận xã hội, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Công tác xây dựng Đảng luôn được xem là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên. Từ khi thành lập Đảng bộ ngày 10-8-1948 với Ban cán sự gồm 3 đảng viên, đến nay, Đảng bộ thị xã Ayun Pa đã có 41 tổ chức cơ sở Đảng với 2.008 đảng viên. Đội ngũ đảng viên đã phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện thắng lợi, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Luôn quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII và Khóa XIII) về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ đảng viên và Nhân dân, tạo sự lan tỏa trong xã hội, góp phần đẩy lùi sự suy thoái, về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ngăn chặn tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Cầu Bến Mộng (thị xã Ayun Pa). Ảnh: Văn Vũ

Kế thừa và phát huy truyền thống của Đảng bộ, đưa thị xã Ayun Pa tiếp tục phát triển vững chắc trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, gắn bó mật thiết với Nhân dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của thị xã; xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ hướng tới đô thị loại III.

75 năm một chặng đường lịch sử, vượt qua bao gian lao, thử thách, hy sinh, Nhân dân thị xã Ayun Pa đã phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết, anh dũng, kiên cường đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược để giải phóng quê hương, đất nước, giành độc lập tự do và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Truyền thống vẻ vang đó mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản vô giá của Đảng bộ, Nhân dân thị xã Ayun Pa mà thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ, tôn vinh và tiếp tục phát huy trong công cuộc đổi mới quê hương, đất nước. Đảng bộ và Nhân dân thị xã Ayun Pa quyết tâm đoàn kết, năng động, sáng tạo, phấn đấu hết sức mình, quyết tâm xây dựng thị xã trở thành vùng động lực kinh tế trọng điểm phía Đông Nam của tỉnh.

Nguyễn Thị Hằng

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Ayun Pa

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/75-nam-dang-bo-thi-xa-ayun-pa-quyet-tam-doan-ket-nang-dong-sang-tao-post245629.html