75 triệu cổ phiếu FLC bị bán 'âm thầm' và dấu hỏi về tính minh bạch của thị trường

Dư luận đang xôn xao về việc tỷ phú Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC (CTCP Tập đoàn FLC) mà 'không ai hay biết'. Đây không phải lần đầu tiên, ông Trịnh Văn Quyết 'âm thầm' bán cổ phiếu FLC. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa xử phạt nhiều trường hợp khác xảy ra tương tự, khiến các nhà đầu tư dấy lên lo ngại về tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

Tối ngày 11/1, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) thông báo sẽ hủy giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết trong ngày 10/1/2022 theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) với lý do ông Quyết bán số cổ phiếu này mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo đúng quy định.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, ông Quyết còn bị phạt tiền mức cao nhất.

HoSE thông báo sẽ hủy giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết trong ngày 10/1/2022. (Ảnh: Int)

Ngựa quen đường cũ?

Theo đó, những nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC của ông Quyết trong ngày 10/1 sẽ không nhận được cổ phiếu cũng như tài khoản không bị trừ tiền. Ngược lại, ông Quyết sẽ nhận lại cổ phiếu và tiền sẽ không về tài khoản.

Cùng với đó, Trung tâm Lưu ký chứng khoán sẽ phối hợp với công ty chứng khoán để tra soát, xác định thông tin số lượng cổ phiếu, giá khớp lệnh, tài khoản chứng khoán, người mua... rồi xử lý việc hoàn tiền cho người mua và hoàn cổ phiếu FLC cho ông Quyết.

“Việc ông Quyết bị cơ quan quản lý hủy giao dịch bán cổ phiếu FLC là chưa có tiền lệ, hay nói cách khác là chưa từng xảy ra trên thị trường chứng khoán (TTCK)Việt Nam”, các chuyên gia chứng khoán nhận xét.

Về mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, theo quy định tại Nghị định 156 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tối đa 1,5 tỷ đồng, đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng.

Trước đó, chiều ngày 10/1/2022 (17 giờ 45 phút), SSC đã nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS ngày 10/1/2022 của HoSE về việc ông Trịnh Văn Quyết giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK.

Được biết, ông Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC để giảm tỷ lệ sở hữu từ 30,34% xống còn 5,7%, thời gian giao dịch từ 10/1 đến 17/1/2021. Điều đáng nói, văn bản thông báo ghi ngày 5/1, song SSC chỉ nhận được báo cáo dự kiến giao dịch vào cuối buổi chiều 10/1 và đến tối 10/1, Tập đoàn FLC mới công bố bản đăng ký giao dịch của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên, đến sáng 11/1, bản công bố thông tin nói trên đã bị gỡ khỏi website của Tập đoàn FLC.

Như vậy, trong 5 ngày này, website của Tập đoàn FLC hay HoSE – nơi doanh nghiệp niêm yết đều không đăng thông tin, tức là nhà đầu tư không hề được báo trước 3 ngày làm việc như yêu cầu tại Thông tư số 96/2020.

Giải trình về vấn đề này, ông Trịnh Văn Quyết cho biết, vụ việc bán “chui” cổ phiếu FLC được thực hiện trong thời gian ông đang đi công tác. Cụ thể, trước khi đi công tác, ông Quyết có giao cho bộ phận thư ký gửi thông báo đăng ký giao dịch bán 175 triệu cổ phiếu từ ngày 10/1 đến ngày 17/1 cho bộ phận phụ trách công bố thông tin của công ty. Nhưng do bộ phận thư ký sơ suất trong quá trình xử lý công việc nên đã “quên” không gửi thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu FLC do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu đúng quy định.

Ghi nhận trên TTCK, trong phiên giao dịch 10/1, với gần 135 triệu cổ phiếu được giao dịch, FLC trở thành mã cổ phiếu có khối lượng giao dịch trong ngày lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập TTCK. Đồng thời, do lượng cổ phiếu bán ra quá lớn, sau khi đã tăng trần lên 24.100 đồng/cp, cổ phiếu FLC quay đầu giảm sàn, về mức 20.950 đồng/cp và đóng cửa tại 21.150 đồng/cp (-6,2%).

Với 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số cổ phiếu ông Quyết đăng ký bán chiếm khoảng 20% cổ phiếu của công ty và thanh khoản FLC chiếm gần 10% thanh khoản sàn HoSE trong phiên.

Trong phiên 11/1, sau khi có thông tin ông Trịnh Văn Quyết bán "chui" cổ phiếu, giá cổ phiếu không chỉ của FLC mà các mã "họ FLC" tiếp tục bị bán tháo và nằm sàn la liệt như cổ phiếu ROS, HAI, AMD, KLF đều giảm hết biên độ, dư mua giá sàn hàng triệu cổ phiếu. Mã ART của CTCP Chứng khoán BOS cũng chung “cảnh ngộ” giảm 6,5%.

Còn nhớ tháng 11/2017, ông Trịnh Văn Quyết cũng từng bị xử phạt vi phạm hành chính vì đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian 20-24/10/2017.

Theo thống kê giao dịch, thời điểm bán "chui" cổ phiếu, thị giá FLC giao dịch ở mức 7.100-7.700 đồng/cp. Như vậy, ông Quyết có thể đã thu về không dưới 400 tỷ đồng theo giá thị trường. Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu FLC có thanh khoản cao vượt trội so với bình quân, lên tới hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên, đỉnh điểm là phiên 23/10 lên đến 48 triệu đơn vị. Ngay sau đó, cổ phiếu FLC cũng rơi nhanh về khoảng 5.700 đồng/cp, tức giảm hơn 20% giá trị so với lúc bán. Tuy nhiên, số tiền bị phạt chỉ 65 triệu đồng.

Cùng thời điểm, CTCP xây dựng FLC Faros (ROS) do ông Quyết làm chủ tịch HĐQT cũng bị xử phạt vì đã bán “chui" hơn 13,69 triệu cổ phiếu AMD (CTCP đầu tư và khoáng sản AMD Group). Thời điểm đó, nếu FLC Faros mua lại cổ phiếu AMD thì có thể thu được hơn 136 tỷ đồng, song mức phạt chỉ 130 triệu đồng.

Lo thị trường “méo mó”

Theo ý kiến một số luật sư, việc mua bán không có báo cáo có thể do người nội bộ doanh nghiệp chưa nắm rõ về các quy định giao dịch trên TTCK. Tuy nhiên, thị trường cũng không loại trừ khả năng có động cơ trục lợi để có thể bán được mức giá cao nhất hoặc mua được mức giá thấp nhất nếu được, nhất là với các cá nhân đã từng bị xử phạt bán chui.

"Hành vi bán chui cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết không chỉ vi phạm Luật Chứng khoán mà còn vi phạm Luật hình sự Việt Nam", một luật sư người Việt ở Đức viết trên Facebook cá nhân.

"Bộ Tài chính đang giao SSC sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự. Không thể để ra xảy ra sai phạm rồi cơ quan chức năng mới xử phạt. Trong tương lai gần, hệ thống của thị trường sẽ không cho phép trường hợp sai phạm mà lại tái phạm tiếp được giao dịch bình thường".

Thứ trưởng Bộ Tài chính

Nguyễn Đức Chi

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nhận định, vụ việc ông Quyết bán “chui” cổ phiếu FLC đã khiến nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu FLC bị thiệt hại nặng nề. Không chỉ vậy, vụ việc còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng với cả TTCK Việt Nam. Đó là niềm tin của nhà đầu tư với thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi Chính phủ kỳ vọng đây là kênh thu hút vốn cho nền kinh tế.

"Phải xử nghiêm thì mới không xảy ra những tình trạng tương tự như thế này nữa, vì xử phạt vài trăm triệu, vài tỷ đồng hay chục tỷ đồng thì tình trạng lãnh đạo mua bán cổ phiếu chui vẫn diễn ra", ông Hải nói.

Đồng quan điểm, một vị chuyên gia khác nhấn mạnh, việc “trốn” công bố thông tin và giao dịch một lượng cổ phiếu quá lớn như vậy làm cho thị trường “méo mó" và nhà đầu tư không kịp trở tay.

Liên quan đến việc mua bán “chui”, thời gian qua, SSC liên tục công bố xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm công bố thông tin trên thị trường.

Chẳng hạn, trường hợp của ông Trần Văn Bê - anh rể một lãnh đạo Ngân hàng VPBank bị phạt 940,35 triệu đồng vì mua bán cổ phiếu “chui”. Hay như CTCP Thaiholdings (tổ chức liên quan ông Nguyễn Đức Thụy - Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - LPB) bị phạt 260 triệu đồng vì mua bán “chui” cổ phiếu LPB...

Gần đây nhất là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Hương (người có liên quan đến thành viên HĐQT- mã chứng khoán ELC) bị phạt 80 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch mua và bán cổ phiếu ELC. Tương tự, ông Nguyễn Xuân Thủy (người có liên quan đến Phó Chủ tịch HĐQT - mã chứng khoán LPB) bị phạt 70 triệu đồng với lý do mua “chui” cổ phiếu LPB.

Nhận xét về những vi phạm này, ông Phạm Tuyến, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, chi nhánh Bà Triệu (Hà Nội) cho rằng, do các mức chế tài xử phạt cho các hành vi trên chưa đủ mạnh, dẫn tới không đủ sức răn đe đối với “người cầm trịch” các doanh nghiệp niêm yết.

"Bộ Tài chính đang giao SSC sớm nghiên cứu và đề xuất giải pháp ngăn chặn tận gốc hành vi sai phạm tương tự. Không thể để ra xảy ra sai phạm rồi cơ quan chức năng mới xử phạt. Trong tương lai gần, hệ thống của thị trường sẽ không cho phép trường hợp sai phạm mà lại tái phạm tiếp được giao dịch bình thường", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/75-trieu-co-phieu-flc-bi-ban-am-tham-va-dau-hoi-ve-tinh-minh-bach-cua-thi-truong-1083246.html