8 ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ

(TT&VH Cuối tuần) - 8 ngày không đủ để rong ruổi qua 2.000km với 7 thành phố ở một đất nước rộng gần 815.000 km2 (chưa kể diện tích hồ) nằm giữa hai châu lục Á - Âu, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, luôn nằm trong top 5 điểm đến ở châu Âu, mà chỉ khiến du khách thấy “ngợp” với những công trình, cảnh quan mình đã lướt qua ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chúng tôi đến thủ đô Istanbul lúc 5h30 sáng, ra khỏi sân bay cũng chỉ mới hơn 7h, quá sớm để đến các điểm du lịch nên Ammet M. Bilgen, hướng dẫn viên du lịch người Thổ đã có hơn 22 năm hành nghề, đề nghị đưa chúng tôi du ngoạn bằng thuyền một vòng Bosporos, eo biển nối biển Marmara với biển Đen. “Đây là cách tốt nhất để các bạn ngắm trọn vẹn cảnh quan đặc trưng chỉ có ở thành phố Istanbul, nơi mà bên bờ này của eo biển là châu Âu còn bên kia là châu Á” - Ammet nói giọng đầy tự hào. Eo biển này có vị trí rất chiến lược, nó giúp các chuyến tàu tiết kiệm nhiều thời gian và tiền bạc. Vào thế kỷ 15, đế quốc Ottoman đã chọn nơi này làm thủ đô và xây dựng những pháo đài Anadoluhisari (1393) và Rumelihisari (1451) ngay điểm hẹp nhất, chỉ rộng 750m, của eo biển dài 30 km này để kiểm soát toàn bộ tình hình. Eo biển Bosporos từng là nguyên nhân của hàng loạt các cuộc chiến trong lịch sử cận đại và hiện đại, trong chiến tranh Nga - Thổ (1877-1878), cuộc tấn công của khối Liên ước gồm Anh, Úc, New Zealand với liên quân Đức - Phổ trong trận đại chiến Dardanelles (tháng 3-1915) làm hơn nửa triệu người ngã xuống… Ammet bảo 95% của 17 triệu dân Istanbul chọn bờ châu Á để sinh sống vì ở đây giá cả rẻ hơn, nhiều cây cối, khoảng xanh hơn. Còn bờ châu Âu là nơi để các công ty, tập đoàn chọn làm nơi kinh doanh giao dịch, trung tâm mua sắm, khu du lịch…, không thuận tiện cho sinh hoạt bình thường. Những khách sạn sang trọng, các tòa lâu đài dinh thự đẹp đều nằm bên bờ châu Âu, có những thương hiệu khách sạn cao cấp như Four Seasons với phòng nghỉ giá tới hơn 2.000 euro/đêm…

Toàn cảnh Pumukkale

Vùng đất đày đặc văn hóa

Mặc dù tọa lạc ở vùng đất giao thoa giữa hai nền văn hóa Á - Âu nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có những đặc trưng văn hóa rất riêng. Kiến trúc Thổ là sự pha trộn giữa các phong cách kiến trúc của Hy Lạp, La Mã, phương Đông và phương Tây nên vô cùng đa dạng, đặc sắc. Các quần thể kiến trúc thời cổ đại có mặt ở hầu như tất cả những nơi chúng tôi ghé qua. Đó là thành phố Pergamom, thành phố cổ đại Ephesus (thành phố La Mã lớn thứ hai chỉ sau Rome), quảng trường Hippodrome, Troy - thành phố thần thoại nổi tiếng trong bài thơ anh hùng ca Iliad và Odyssey của Homer, là bảo tàng Sofia Hagi nơi trước kia từng là một nhà thờ Kito giáo lớn nhất ở Istanbul sau này được tu sửa thành đền thờ Hồi giáo, chính sự pha trộn giữa hai tôn giáo ở công trình kiến trúc này đã được giữ nguyên để dân chúng và du khách chiêm ngưỡng…

Bữa ăn đặc trưng của người Thổ với cà chua, dưa leo và bánh mì nướng

Ở thành phố cổ Ephesus có một danh thắng rất đặc biệt, đó là ngôi nhà nhỏ bằng đá nằm trên sườn núi Pion. Tương truyền đây chính là nơi Đức bà Maria đã sống những năm cuối đời sau khi cùng Thánh John (tức một trong số 12 thánh tông đồ theo Chúa Jesus từ buổi ban đầu) trốn thoát khỏi cuộc tàn sát người theo Kitô giáo tại Jerusalem vào những năm giữa thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Thành phố này cũng là nơi ngự trị của đền thờ nữ thần săn bắn Artemis, 1 trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại, một trong số những ngôi đền Hy Lạp đồ sộ nhất được xây dựng toàn bằng đá cẩm thạch lâu đời. Ngôi đền này từng có đến 128 cây cột đá hóa cương khổng lồ nhưng giờ đây chỉ còn lại những mảnh ghép của duy nhất một cây cột, bên trên cây cột là tổ của một con cò nằm lọt thỏm giữa một khoảng đất trũng.

Emirates, Jestar Asia, Vietnam Airlines, Turkish Airlines… và nhiều hãng khác đều khai thác đường bay từ TP.HCM đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ với giá vé khứ hồi từ khoảng 21 triệu trở lên. Turkish Airlines có mỗi ngày một chuyến, quá cảnh không rời khỏi máy bay tại Bangkok (Thái Lan) 1 tiếng 20 phút. Giá phòng khách sạn ở Istanbul dao động từ 70 – 120 USD/đêm. Phương tiện di chuyển thuận tiện, dễ dàng và tiết kiệm nhất để đi từ thành phố này sang thành phố khác ở đây là xe bus.

Đến tỉnh Denizli, chúng tôi được chiêm ngưỡng lâu đài Bông ở Pamukkale, nơi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1988. Đây là nơi mà hơn 2.000 năm trước, người Roma đã xây dựng được cả một thành phố spa cổ hoành tráng Hierapolis trên độ cao 2.700m phục vụ cho hơn 2.000 người tắm khoáng... Lang thang khắp ngọn núi này chúng tôi vẫn còn nhìn thấy dấu tích của khu phòng tắm, nơi nghỉ dưỡng của vua chúa và quý tộc, nhà hát, khu nghĩa trang cổ với những quan tài làm bằng cả khối đá cẩm thạch trắng… Đến đây, nếu không mua vé tắm trong các con suối nước khoáng nóng khoảng 31-35 độ C tồn tại từ hơn 2.000 năm, chí ít bạn cũng phải cởi giày để đi bộ trên những bờ đá vôi trắng toát như tuyết xâm xấp nước...

Hồi giáo nhưng không cấm rượu

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, 99% dân số theo Hồi giáo, 1% còn lại theo Kitô giáo. Tuy nhiên, không giống các quốc gia Hồi giáo khác trên thế giới, ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôn giáo và chính trị không liên hệ, chi phối nhau. Hiến pháp Thổ quy định tôn giáo không được can thiệp vào chính trị và ngược lại. Ammet bảo có thể nhìn thấy điều này rõ ràng trong cuộc sống của các cặp vợ chồng Thổ. Chỉ gần 2% đàn ông Thổ có từ hai vợ trở lên trong khi Hồi giáo cho phép đàn ông cưới đối ta 4 vợ. Theo Ammet thì pháp luật Thổ quy định nam nữ bình đẳng, chỉ một vợ được đăng ký kết hôn chính thức trong khi đạo Hồi cho phép đàn ông nhiều vợ. Vì thế mà rất ít đàn ông Thổ có 2 vợ trở lên. Bản thân Ammet cũng chỉ có một vợ và một con trai.

Con ngựa gỗ thành Troy nổi tiếng trong lịch sử

Thổ Nhĩ Kỳ cũng không cấm uống rượu như các quốc gia Hồi giáo khác, nên du khách Việt Nam (giới mày râu) sang đây không sợ gặp cảnh “cờ ủ rũ”. Thổ Nhĩ Kỳ còn sản xuất loại rượu raki trong suốt, mùi thơm không thay đổi, khi uống bỏ đá hoặc pha thêm nước lọc. Nếu pha nước lọc với rượu raki theo tỷ lệ 40 - 60, bạn sẽ có một ly raki màu trắng đục với mùi vị gần giống như rượu Mao đài của Trung Quốc. Buổi tối cuối cùng ở Istanbul, khi xem show múa bụng dưới tầng hầm một nhà hàng khá nổi tiếng nằm ngay trong Taksim, khu mua sắm lớn nhất ở Istanbul, chúng tôi cũng có cơ hội uống thử thứ nước uống quyến rũ này.

Vị trí của đàn ông là… ở chợ

Đi qua hơn 2.000 km khắp Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi nhận thấy chỉ có đàn ông mới bán hàng ở các khu chợ, cửa hàng, khu bán đồ lưu niệm dọc đường còn phụ nữ thì bán hàng trong các trung tâm mua sắm, siêu thị…nơi đã niêm yết giá sẵn. Giải thích điều này, Ammet cho rằng phụ nữ thường dễ mềm lòng khi nghe trả giá hay khách hàng nói lời khen tặng và sẽ không thành công trong kinh doanh, họ chỉ có thể bán hàng tốt ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nơi giá cả được niêm yết sẵn và không có chuyện mặc cả. Những người đàn ông với sự cứng rắn, cương quyết thích hợp bán hàng ngoài chợ để có thể “chống lại” sự “cám dỗ” của khách hàng (!).

Nhà hát ở thành phố Ephesus

Tuy nhiên, điều bạn cần hết sức lưu ý khi mua sắm ở Thổ Nhĩ Kỳ là phải mạnh dạn trả giá với những mặt hàng không niêm yết giá. Sở dĩ chúng tôi dùng chữ “mạnh dạn” vì nếu mang công thức bớt nửa giá ở Việt Nam sang đây, chắc chắn bạn sẽ hớ, nhất là khi mua sắm ở khu chợ Grand Bazaar (Istanbul) với hơn 4.500 gian hàng chuyên bán cho du khách nước ngoài. Một người bạn đi cùng chúng tôi sau khi săm soi một món đồ lưu niệm ưng ý bèn hỏi giá. “75 lira!”, người bán hàng nói (1 lira khoảng 12.000 đồng). Bạn tôi “mạnh dạn” trả “10 lira”, cứ nghĩ là họ sẽ cười và nói “thank you” vì giá quá thấp, nhưng ai dè người đàn ông bán hàng cũng mỉm cười nhưng nhanh tay gói món hàng đưa cho ông bạn tôi lúc này miệng cười như mếu.

Dòng nước thanh bình ở Pumukkale

Một điều lạ nữa là đoàn chúng tôi đi đến đâu cũng được mọi người chào đón và xin chụp hình. Lúc sang khu châu Á của eo biển Bosporos thể xem người Thổ thực sự sinh sống như thế nào, chúng tôi gặp một gia đình người Thổ đang cắm trại trên bãi cỏ, sát bờ biển. Họ tươi cười với chúng tôi rồi xin chụp hình chung. Đến khi biết là người Việt Nam, anh thanh niên trong nhóm mở hộp nằng nặc ra hiệu mời chúng tôi ăn. Đó là một miếng rau cuộn cơm bên trong giống như kiểu cuộn bò lá lốt của mình. Trên chuyến phà từ thành phố Istanbul sang Bursa, một gia đình trẻ gồm 3 thành viên cũng tiến đến chúng tôi cười xin chụp hình chung với vài thành viên trong đoàn. Một bà liền tay mở hộp bánh niềm nở mời chúng tôi ăn cho bằng được. Ồn ào nhất là cuộc gặp với nhóm vài chục em học sinh cấp 1 ở pháo đài trên ngọn đồi Acropolis tại thành phố Pergamom, nằm cách biển Aegean chừng 16km. Nhóm trẻ liên tục vẫy tay chào “hello”, chạy ra chạy vào chụp ảnh chúng tôi rồi chụp ảnh chung làm rộn ràng cả khu di tích cổ. Các thầy cô giáo đi theo đoàn mỏi miệng, la mắng lôi các em trở lại lộ trình thăm di tích lịch sử đã định… Được là cái “đinh” ở xứ sở xa xôi này với chúng tôi quả là một cảm giác khá thú vị.

8 ngày trôi qua thật nhanh. Chúng tôi lên máy bay mà vẫn còn tiếc vì chưa có cơ hội tắm ở Thổ. Nhưng cũng may, chúng tôi đã kịp đầm mình xuống hồ nước khoáng nóng hổi ở Pumukkale.

Nam Quỳnh

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/131n20120614162506835t0/8-ngay-o-tho-nhi-ky.htm