8 ông trùm công nghệ làm từ thiện toàn bộ gia sản

Trong khi một số tỷ phú dành tiền bạc cho các thú chơi xa xỉ, nhiều ôm trùm khác như Bill Gates, Larry Page hay Gordon Moore lại cống hiến toàn bộ tài sản cho các tổ chức từ thiện.

Bill Gates

Đồng sáng lập Microsoft không để lại tài sản 78 tỷ USD cho ba con của mình. Chúng chỉ được thừa hưởng một phần nhỏ, khoảng 10 triệu USD/người. Ông thành lập quỹ Bill & Melinda Gates năm 1994 và hiện có tài sản hơn 36 tỷ USD. Gates còn liên minh tới tỷ phú, người bạn lâu năm Warren Buffet khởi xướng “The Giving Pledge”, chương trình kêu gọi các đại gia khác quyên góp ít nhất một nửa tài sản cho các tổ chức thiện nguyện.

Steve Case

Đồng sáng lập AOL giúp hàng triệu người Mỹ kết nối với Internet và ngày nay, ông cống hiến phần lớn tài sản để phát triển nhiều công nghệ khác. Case sáng lập quỹ Case Foundation năm 1997, tập trung vào sử dụng công nghệ để giúp hoạt động từ thiện hiệu quả hơn. Ông còn mở công ty Revolution, đầu tư vào các start-up bên ngoài thung lũng Silicon, đồng thời tham gia “The Giving Pledge”.

Marc Benioff

Tổng Giám đốc Salesforce gần đây khởi xướng chiến dịch có tên SF Gives, thách thức các hãng công nghệ gây vốn 10 triệu USD cho các chương trình phi chính phủ tại San Francisco (Mỹ) trong vòng 10 ngày. Ông khuyến khích doanh nghiệp khác đi theo mô hình 1/1 của mình, theo đó một công ty nên quyên góp 1% tài sản, 1% thời gian của nhân viên và 1% các nguồn lực làm từ thiện. Ông cùng vợ Lynne còn trao tổng cộng 200 triệu USD với tư cách cá nhân cho Viện nhi Đại học UCSF.

Irwin Jacobs

Cùng với vợ Joan, Jacobs tặng 500 triệu USD tài sản cho các tổ chức từ thiện như Cornell Tech Roosevelt, MIT, San Diego Symphony. Ông cũng tham gia “The Giving Pledge”, cam kết tặng ít nhất một nửa tài sản có được từ công ty sáng lập, Qualcomm. Dù con trai của ông là Paul đang giữ ghế Tổng Giám đốc Qualcomm, 1,5 triệu cổ phần của Paul không là gì so với 26 triệu cổ phần của ông.

Pierre Omidyar

Ông Omidyar và vợ nổi tiếng là người hào phóng trong giới công nghệ khi quyên tặng hơn 1 tỷ USD kể từ khi eBay lên sàn chứng khoán năm 1998. Họ ký tên vào chương trình “The Giving Pledge” năm 2010. Trong lá thư giải thích lý do gia nhập sáng kiến này, cặp đôi viết: “Quan điểm của chúng tôi khá đơn giản. Chúng tôi có nhiều tiền hơn những gì gia đình cần có. Không có lý do gì để giữ lại khi nó có thể cho đi để sử dụng, giúp giải quyết một trong nhiều vấn đề nan giải nhất trên thế giới”. Hai vợ chồng Omidyar là người quyên góp lớn nhất trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán người.

Gordon Moore

Đồng sáng lập Intel tặng hơn 1 tỷ USD cho tổ chức từ thiện, quyên góp khoảng một nửa gia tài để thành lập quỹ Moore năm 2001. Quỹ này đặt trọng tâm vào các vấn đề môi trường, sức khỏe, cộng đồng San Francisco. Ông và vợ Betty cũng ký tên vào “The Giving Pledge” năm 2012.

Elon Musk

Tổng Giám đốc Tesla có 5 người con – một cặp sinh đôi và một cặp sinh ba – song ông đã quyên góp phần lớn tài sản cho các nguồn năng lượng tái chế, khoa học, giáo dục, sức khỏe trẻ em. Ông ký tên vào “The Giving Pledge” năm 2012 và chỉ nhận 1 USD lương tượng trưng tại Tesla.

Larry Page

Tháng 3/2014, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Google tiết lộ thay vì để lại cho hai con hàng tỷ USD, ông muốn trao nó cho các doanh nhân như Elon Musk, người luôn có ý tưởng lớn lao để thay đổi thế giới. “Musk muốn lên sao Hỏa, đó là mục tiêu giá trị. Chúng tôi có nhiều nhân viên đang làm việc tại Google và đã trở nên giàu có. Bạn làm việc vì muốn thay đổi thế giới, làm nó tốt đẹp hơn; nếu công ty bạn đang làm xứng đáng với thời gian bỏ ra, vì sao tiền của bạn lại không thể?”.

Du Lam (Theo BI)

Nguồn Infonet: http://ictnews.vn/kinh-doanh/ho-so/8-ong-trum-cong-nghe-lam-tu-thien-toan-bo-gia-san-118395.ict