8 tổ chức phi chính phủ nước ngoài chung tay thành lập mạng lưới vì dinh dưỡng Việt

Sáng nay (9/10), Mạng lưới các tổ chức xã hội vì dinh dưỡng Việt Nam (SUN CSA Việt Nam) chính thức ra mắt với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, UNICEF, WHO, Ngân hàng Thế giới, và 8 tổ chức thành viên đầu tiên: Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, Cứu trợ Trẻ em, Plan International, ChildFund, Hellen Keller International, Alive & Thrive/FHI 360, Health Bridge và Trung tâm Nâng cao Sức khỏe Cộng đồng.

Đại diễn các bên tham dự lễ ra mắt.

Đại diễn các bên tham dự lễ ra mắt.

SUN CSA Việt Nam ra đời với mục đích nâng cao năng lực và sự phối hợp giữa các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em, phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ và gia đình, đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khó khăn.

Đồng thời, mạng lưới cũng giúp nâng cao vai trò và tiếng nói của các tổ chức xã hội trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách và vận động phân bổ ngân sách nhà nước, hướng đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào năm 2030, đặc biệt là mục tiêu “Chấm dứt đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp bền vững”.

“Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng cùng các chính sách ủng hộ dinh dưỡng quan trọng. Để hỗ trợ Chính phủ thực thi hiệu quả những văn bản đó và đạt được các mục tiêu đề ra, các tổ chức xã hội dân sự đã và đang nỗ lực đóng góp nhiều giải pháp về chuyên môn và phương pháp triển khai, dựa trên bề dày kinh nghiệm thực hiện các dự án dinh dưỡng, sức khỏe trên thế giới và tại Việt Nam”, bà Trần Thu Huyền, Trưởng Đại diện tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam chia sẻ.

Trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc cải thiện dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đã giảm đáng kể và tình hình an ninh lương thực được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2017 tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi trong cả nước đã giảm xuống mức 23.8% (so với mức 32.6% năm 2008). Tuy nhiên, chênh lệch giữa các vùng miền rất nghiêm trọng, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi là 15% ở nhóm dân tộc Kinh, thì tỷ lệ này lên tới 30.4% ở các nhóm dân tộc khác và thậm chí lên tới hơn 40% ở các nhóm dân tộc ở vùng Tây Nguyên.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện dinh dưỡng cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Cụ thể, vào tháng 1/2014, Việt Nam đã chính thức tham gia Phong trào vì dinh dưỡng (The Scaling Up Nutrition Movement - SUN) - phong trào có mặt tại 60 quốc gia trên thế giới nhằm liên kết các Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, Liên hợp quốc, các nhà tài trợ, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu trong nỗ lực tập thể để chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng trên thế giới vào năm 2030.

An Nhi

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/8-to-chuc-phi-chinh-phu-nuoc-ngoai-chung-tay-thanh-lap-mang-luoi-vi-dinh-duong-viet-89729.html