82 trẻ ở Hà Nội mắc bệnh tay chân miệng

Hà Nội đã ghi nhận 82 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở 28 quận, huyện, thị xã; chủ yếu ở lứa tuổi nhỏ dưới 5 tuổi.

Chiều 12/4, tại cuộc họp BCĐ phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thời gian qua, dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, cộng dồn từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 18.436 trường hợp mắc dịch chân tay miệng với 4 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2020, số mắc cả nước tăng 4,3 lần.

Ông Hạnh cho biết, đây là dịch bệnh lưu hành thường xuyên trên địa bàn, hàng năm ghi nhận từ 1.000 - 3.000 trường hợp mắc. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 82 trường hợp mắc ở 28 quận, huyện, thị xã.

Bệnh tay chân miệng tại Hà Nội có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. (Ảnh minh họa)

Theo Sở Y tế, số trường hợp mắc dịch chân tay miệng có xu hướng gia tăng và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới 5 tuổi).

Do đó, Sở Y tế đề nghị các quận huyện, thị xã chỉ đạo Phòng GD&ĐT cùng Trung tâm y tế tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch cho giáo viên, học sinh; khuyến cáo phụ huynh; hướng dẫn nhà trường vệ sinh môi trường lớp học bằng xã phòng hoặc cloramin B; thông tin kịp thời các trường hợp mắc cho cơ sở y tế để điều tra dịch tễ, xử lý dịch bệnh chân tay miệng.

UBND TP các xã phường, thị trấn tăng cường kiểm tra đôn đốc các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học và các nhóm trẻ, nhà trẻ gia đình để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch như vệ sinh môi trường, cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, săn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ nhỏ.

Liên quan dịch bệnh này, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị y tế địa phương chú trọng phòng chống không chỉ dịch bệnh tay chân miệng, cũng như các dịch bệnh khác trong lúc giao mùa như sốt xuất huyết.

Ông Dũng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền để người dân biết, nắm rõ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 – 5 và từ tháng 8 – 9 hằng năm. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.

Những biểu hiện cần chú ý khi mắc bệnh tay chân miệng:

- Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng chân, trong ổ miệng, và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ.

- Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh Tay chân miệng là tình trạng loét miệng. Vị trị loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi, số lượng vết loét rất thay đổi từ 1 đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2 mm – 3 mm. Loét miệng khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn, uống là lý do trẻ không chịu ăn, không chịu bú, và thường chảy nước miếng liên tục.

- Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5oC - 38oC. Tuy nhiên có những trẻ bị sốt cao trên 39oC liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị TCM đã nghiêm trọng cần nhập viện để điều trị tốt hơn.

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm để trẻ được điều trị kịp thời và có biện pháp cách ly chăm sóc hợp lý.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/82-tre-o-ha-noi-mac-benh-tay-chan-mieng-d168572.html