85% dược liệu lưu hành trên thị trường là nhập lậu

Đó là nhận định của PGS.TS Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), tại hội nghị tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu vừa được Bộ Y tế tổ chức, tại Hà Nội.

Theo PGS.TS Khánh, do không có quy định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc cổ truyền; dược liệu lưu hành chưa theo các tiêu chuẩn kỹ thuật chung nên dẫn đến tình trạng một số dược liệu không bảo đảm chất lượng nhưng vẫn trúng thầu vào bệnh viện công lập nhờ có giá rẻ. Có những trường hợp doanh nghiệp làm giả hồ sơ, chứng từ để hợp thức hóa dược liệu không có nguồn gốc, kém chất lượng.

Thống kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền, hàng năm, ngành dược Việt Nam tiêu thụ khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, nhưng số có nguồn gốc xuất xứ chỉ vỏn vẹn 1.400 tấn, còn lại khoảng 80%-85% dược liệu được sử dụng hiện nay là nhập từ Trung Quốc. Như vậy, có thể khẳng định, số lượng dược liệu đang sử dụng trên thị trường hiện này phần lớn được nhập lậu và khó kiểm soát được chất lượng.

Số lượng dược liệu trên thị trường hiện nay phần lớn được nhập lậu và khó kiểm soát được chất lượng.

Số lượng dược liệu trên thị trường hiện nay phần lớn được nhập lậu và khó kiểm soát được chất lượng.

Cũng theo thông kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền, riêng trong năm 2015, qua kiểm tra ngẫu nhiên 109 mẫu dược liệu lấy trên toàn quốc, có đến 56 mẫu không đảm bảo chất lượng, trong đó có 24 mẫu là giả.

Được biết, trung bình mỗi năm, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương lấy khoảng 7000 mẫu đông dược để kiểm nghiệm, trong số này tỷ lệ nghi ngờ chất lượng có vấn đề chiếm 9 - 10%, khoảng 1% mẫu dược liệu không đạt hàm lượng hoạt chất, có thể đã bị chiết xuất, đã qua sử dụng hoặc không đảm bảo quy trình nuôi trồng, thu hái. Trong thuốc đông dược có trộn thuốc tây, thậm chí có loại đông dược trộn 3-4 loại thuốc tây.

Để nâng cao chất lượng dược liệu, theo PGS.TS Khánh, cần phải tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng nguồn dược liệu, từ khâu nhập khẩu cho đến khi lưu thông trên thị trường. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước cần loại những công ty đã bị phát hiện có dược liệu giả, kém chất lượng ra khỏi danh sách đấu thầu, thậm chí có thể cấm nhập khẩu một thời gian. Đối với các bệnh viện, phải minh bạch công khai trong đấu thầu dược liệu. Ngoài ra, việc phát triển nuôi trồng dược liệu trong nước cần phải đầu tư bài bản, có hệ thống, quy hoạch, đặc biệt cần bảo tồn nguồn các gen để phục vụ phát triển ngành nuôi trồng dược liệu…

Thắng Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/85-duoc-lieu-luu-hanh-tren-thi-truong-la-nhap-lau-42793.html