86 tuổi vẫn thu nhập mỗi tháng chục triệu đồng, không tiêu tiền của con

Thời trẻ chăm tích lũy, lúc về già được sống độc lập chẳng cần phiền ai.

"Không muốn phiền con cháu" là câu nói quen thuộc của bác Trần Cúc (86 tuổi, Thanh Hóa) từ lúc về nghỉ hưu.

Sau khoảng 45 năm làm việc cật lực, sống tiết kiệm, cộng với may mắn và sự cộng tác tốt cùng bạn bè trong làm ăn giúp bác Cúc tích lũy được một số tài sản, bảo hiểm xã hội - y tế, cộng thêm khoản lương hưu 5 triệu đồng/tháng.
Bác Cúc cho biết: "Cộng thêm cả tiền lãi và lương hưu, mỗi tháng bác có 10 triệu đồng để chi tiêu, thậm chí phụ giúp con cái bữa cơm trong nhà. "Để sống một cách tự do - độc lập như bác nói, là cả một quá trình vất vả khi còn trẻ.

Không chỉ tiền bạc mà cần tích lũy cả khoản này để về già đỡ vất vả

"Khi còn sức lao động, mỗi người hãy cố gắng phấn đấu và tích lũy thật nhiều để có nguồn tài chính đủ mạnh. Như vậy thì đến khi về già không trở thành gánh nặng cho con cháu, không biến mình thành điểm phát sinh mâu thuẫn của các con. Tự lo cho mình ngay khi còn sức khỏe, đừng để đến lúc sức cùng lực kiệt thì mới lo." Từng có lần, bác Cúc chia sẻ về cuộc sống mà cả đời bác theo đuổi. Dù ở tuổi 86, nhưng bác vẫn giữ được sự minh mẫn và một cuộc sống bận rộn với đám rau, bầy gà ngoài vườn.

Để tự do - tự lo lúc về già như vậy là biết bao năm tháng đánh đổi của tuổi trẻ. (Ảnh minh họa)

Để tự do - tự lo lúc về già như vậy là biết bao năm tháng đánh đổi của tuổi trẻ. (Ảnh minh họa)

Để tự do - tự lo lúc về già như vậy là biết bao năm tháng đánh đổi của tuổi trẻ. Lúc vừa tròn 18 khi đó là những năm 1954, bác Cúc đã tham gia vào một trong những hội Thanh niên xung phong đầu tiên. Hoạt động gần 10 năm thì bác chuyển sang đội hậu cần và kết hôn. Đây cũng là thời điểm đánh dấu những thay đổi trong cuộc đời của bác. Cả 2 khoảng thời kỳ này bác đều nhận lương và phụ cấp của nhà nước, đủ sống chứ không dư giả. Nhưng đây cũng là viên gạch đầu tiên bác đặt trong quỹ tài chính của mình: Nhận trợ cấp nhà nước sau nghỉ hưu.

Kết hôn xong thì bác quản lý 2 đầu lương của cả chồng và mình. Thời gian đó cũng tích góp được một số vốn nhỏ. Sau đó, cả 2 vợ chồng bác đều được phân về làm việc tại xã. Chồng bác là bí thư, còn bác thì sau 5 năm làm công tác tư tưởng tại xã cũng xin nghỉ để quay về làm kinh tế.

Đến năm 45 tuổi thì cuộc sống bắt đầu khá lên và vợ chồng bác bắt đầu kinh doanh riêng. Đây là lúc đặt viên gạch thứ 2 cho quỹ tài chính sau nghỉ hưu của bác Cúc: Kiếm tiền và đầu tư.

Ngoài việc chăm chỉ tiết kiệm, kinh doanh riêng và đầu tư vào đất đai, bác Cúc cho biết có rất nhiều người trẻ ngày nay bỏ quên: Sức khỏe. Một điều mà bác luôn thắc mắc, đó là khi cuộc sống ngày càng hiện đại thì người trẻ lại mắc vô số các loại bệnh. Phần do cuộc sống hối hả, phần cũng do người trẻ bỏ bê sức khỏe và lao vào kiếm tiền. Nhưng sống gần hết 1 đời, bác Cúc đúc rút: "Có sức khỏe là có tất cả."

Nghỉ hưu khi đã thực sự sẵn sàng, chứ không phải càng sớm càng tốt

Cả 2 vợ chồng bác Cúc lựa chọn nghỉ hưu là khi đến tuổi quy định. Trong hơn 40 năm tuổi trẻ, vợ chồng bác đã trải qua biết bao nhiêu nghề: Cống hiến cho công việc, mở xưởng gỗ riêng, kinh doanh buôn bán đồ thủ công mỹ nghệ, và cho đến sau này là dồn lực để mua đất. Không lúc nào bỏ qua thời gian để tích lũy tiền bạc và trải nghiệm cuộc sống.
Bác Cúc chia sẻ: "Vợ chồng bác sau nghỉ hưu cũng vẫn làm việc chứ không chọn nghỉ ngơi: Làm vườn, chăn nuôi gà vịt, giữ lại cửa hàng buôn bán đồ mỹ nghệ và trồng hoa. Đấy là công việc hàng ngày của 2 ông bà già. Sau này khi chồng bác mất, thì mọi việc kinh doanh đều để các con làm, bác chỉ trồng rau, nuôi gà. Phải vận động chứ không thể ngồi yên một chỗ được, buồn chán lắm!"

Lựa chọn nghỉ hưu khi đã thực sự sẵn sàng, không phải càng sớm càng tốt. (Ảnh minh họa)

Chế độ về hưu của bác Cúc cũng được hưởng 2 nguồn phụ cấp: Một đến từ lương hưu do đóng bảo hiểm xã hội, 2 là trợ cấp của Nhà nước. Tổng khoản lương hưu này khoảng 5 triệu đồng, lãnh đều mỗi tháng. Thêm nữa là nguồn thu từ lãi ngân hàng với cuốn sổ tiết kiệm nhỏ, mỗi tháng thêm 5 triệu nữa. Tổng cả thu nhập là hơn 10 triệu đồng.

Với số tiền này, bác Cúc sống không cần dựa dẫm vào con cái: "Con có gửi biếu tiền thì bác cũng bảo gửi ngân hàng hết, khi nào ốm đau bệnh tật cứ lấy đó mà lo. Còn lại thì bác chưa bao giờ xin con cái một đồng nào."

Qua những chia sẻ của bác, nổi bật lên một điều: Bác sẵn sàng cho việc nghỉ hưu và chuẩn bị tài chính từ khi còn rất trẻ. Tích lũy tài chính không phải ngày một ngày hai, mà đó là hành trình kéo dài gần cả đời. Nhờ lối sống tiết kiệm, quản lý chi tiêu chặt chẽ và luôn cầu tiến trong việc kiếm tiền, nên cuộc sống của một bác gái 86 tuổi vẫn tự do - tự lo và rất hạnh phúc.
Kết lại câu chuyện, bác Cúc cũng gửi đến những người trẻ một đúc kết của riêng mình: Đừng chờ đợi bất cứ ai cho con cơ hội kiếm tiền, mà hãy luôn tự mình kiếm - rồi tự mình tiêu!

Nguyễn Quỳnh Trang

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/86-tuoi-van-thu-nhap-moi-thang-chuc-trieu-dong-khong-tieu-tien-cua-con-20230517082222903.htm