9 bí mật chưa từng được hé lộ về Sahara, sa mạc khô cằn nhất thế giới

Sahara là sa mạc lớn bậc nhất thế giới, là hoang mạc lớn thứ 3 thế giới sau Nam Cực và Bắc Cực. Xung quanh sa mạc này, có rất nhiều bí mật khiến bạn phải bất ngờ.

Trải dài 12 quốc gia và tiếp tục mở rộng lãnh thổ

Từ Sahara có nguồn gốc từ ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là Đại sa mạc. Sa mạc này có những đụn cát khổng lồ, sông, suối, cao nguyên đá, các thung lũng khô cằn, ốc đảo tươi xanh và hệ động, thực vật vô cùng đa dạng.

Sa mạc sahara có diện tích hơn 9 triệu km2, xấp xỉ diện tích Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bao trùm hầu hết Bắc Phi, phủ lên những vùng rộng lớn của 12 quốc gia là Chad; Ai Cập; Sudan; Niger; Mali; Algerie; Libya; Mauritanie; Ma Rốc; Tunisia; Eritrea; Tây Sahara.

Sa mạc Sahara được bao bọc bởi Đại Tây Dương ở rìa phía Tây, núi Atlas và biển Địa Trung Hải ở phía Bắc, biển Đỏ ở phía Tây, Sudan và thung lũng sông Niger ở phía Nam. Sa mạc được chia thành các vùng Tây Sahara, trung tâm dãy núi Tibesti, một vùng núi hoang mạc và cao nguyên. Phía Bắc Sahara vươn đến biển Địa Trung Hải của Libya.

Sa mạc Sahara ngày càng mở rộng, từ năm 1962 đến nay, sa mạc này đã rộng thêm gần 650.000 km2.

Những bộ lạc săn bắt hái lượm từng chiếm cứ Sahara

Sa mạc Sahara từng được coi là mái nhà của những bộ lạc săn bắt hái lượm. Họ sống bằng cách trồng trọt và chăn nuôi từ cách đây 5.000 - 11.000 năm. Đến nay, Sahara trở thành nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người, với mật độ dân số ước tính bằng khoảng 1/150 mật độ dân số Mỹ.

Sahara từng là vùng đất màu mỡ

Thời điểm cuối cùng của Kỷ Băng Hà, sa mạc Sahara từng là khu vực ẩm ướt, nhiều cây xanh và đa dạng muông thú. Các hóa thạch khủng long cũng được tìm thấy trong lòng sa mạc.

Khoảng 4.000 năm trước đây, Sahara là một vùng trù phú. Tuy nhiên khi Trái Đất thay đổi góc nghiêng từ 22,1 độ sang 24,5 độ theo chu kỳ 41.000 năm, chính sự dao động quỹ đạo hành tinh nghìn năm trước đã tác động và chấm dứt sự màu mỡ này, thay vào đó là vùng sa mạc khô hạn, cằn cỗi.

Các nhà khoa học tin rằng, sâu trong lớp cát Sahara là dấu tích của các dòng sông cũ, các lớp động vật, thực vật.

Sahara hiện nay khô hạn gấp 10 lần trước đây

Theo tiến sĩ Jessica Tierney từ Đại học Arizona (Mĩ), sa mạc Sahara chỉ nhận được lượng mưa từ 2,5 đến 10cm mỗi năm, ít hơn 10 lần so với thời điểm khi nơi này còn phủ màu xanh. Điều này cũng là do tác động của chu kỳ quay 41.000 năm của trái đất. Do đó, các nhà khoa học dự đoán 15.000 năm sau, Sahara sẽ xanh trở lại.

Sahara là "ổ bụi" lớn nhất hành tinh

Sự khan hiếm mưa và thảm thực vật đã biến nơi này thành bãi bụi lớn nhất hành tinh với những đụn cát cao tới 180 mét. Bão bụi ở Sahara đã gây ra mưa bùn ở châu Âu.Người ta ước tính mỗi năm có khoảng 400 - 700 tấn bụi đã di chuyển từ Sahara sang tận châu Mỹ và các khu vực khác. Lượng bụi này dù nguy hại cho hệ hô hấp, nhưng cũng chứa nhiều phốt pho, kali, canxi, oxit sắt... cung cấp dưỡng chất cho rừng Amazon.

Sahara còn có núi lửa và ốc đảo

Không chỉ những đụn cát, Sahara còn có cát biển, sỏi đồng bằng, đá cao nguyên, thung lũng khô, hồ, muối, núi, sông... Địa điểm cao nhất Sahara là Emi Koussi.

Đây là một núi lửa thoai thoải thuộc địa phận Cộng hòa Chad, hầu hết sông suối ở Sahara chỉ xuất hiện theo mùa, ngoại trừ con sông Nile. Con sông này chảy qua Sahara và đổ ra biển Địa Trung Hải.

Sahara có một số tầng nước ngầm, đôi khi chúng trồi lên được bề mặt và hình thành ốc đảo.

Sahara có cả tuyết

Một số dãy núi ở sa mạc này có tuyết định kỳ. Năm 1979, một trận bão tuyết đã làm tắc nghẽn giao thông ở Sahara thuộc địa phận Algeria, đây là lần đầu tiên tuyết xuất hiện ở khu vực này. Tuyết tan trong vài giờ và xuất hiện trở lại vào năm 2012.

Kho báu sách nằm giữa sa mạc

Một sa mạc khô cằn không ai nghĩ đến việc sẽ tìm thấy sách với một số lượng khổng lồ lên đến hơn 6000 cuốn sách với những bản chép tay quý hiếm.

Thành phố Chinguetti nằm ở Tây Phi Mauritania chính là kho sách khổng lồ giữa sa mạc Sahara rộng lớn. Thành phố này từng là một trong những trung tâm giao thông nhộn nhịp và giàu có của các thương lái đến từ Châu Âu và Bắc Phi.

Ốc đảo chiếm 2% diện tích

Tuy nhiệt độ tại đây vô cùng khắc nghiệt, phía dưới sa mạc lại có mạch nước ngầm. Những dòng sông chảy ra từ dãy Atlas trồi lên từ mặt đất, tạo ra các ốc đảo xanh tươi. Trong sa mạc Sahara, có khoảng 200.000 km2 diện tích là các ốc đảo, chiếm hơn 2% tổng diện tích. Trong ốc đảo, có những hàng cây chà là cao vút, vừa ngăn cát, vừa tạo nguồn thực phẩm cho cư dân.

Ốc đảo có vai trò trung tâm trong các hoạt động kinh tế trong sa mạc, những người định cư tại đây làm nghề nông, gọi là cư dân chà là. Với các dân tộc du mục như người Ả Rập, người Berber ở phía Bắc Sahara phải sống trong lều bạt, tìm những nơi có cỏ, có nước, nên được gọi là cư dân lạc đà.

Thạch Thảo

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/9-bi-mat-chua-tung-duoc-he-lo-ve-sahara-sa-mac-kho-can-nhat-the-gioi-d10864.html