9 điểm mỗi môn vẫn trượt, nhiều thí sinh 'choáng' với điểm chuẩn đại học

Điểm chuẩn đại học năm 2020 tăng không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia tuyển sinh. Tuy nhiên, với những ngành học thí sinh phải đạt 29-30 điểm mới đỗ, đây là mùa tuyển sinh có mức điểm chuẩn cao kỷ lục từ trước tới nay.

Mức điểm chuẩn cao kỷ lục

Sau khi trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn công bố điểm, nhiều thí sinh “choáng” trước mức điểm chuẩn của ngành Hàn Quốc học, Đông phương học. Vì để đỗ được ngành Hàn Quốc học, thí sinh phải đạt 30/30 điểm (hoặc phải được cộng điểm), ngành Đông phương học thí sinh phải đạt 29,75 điểm. Ngành Quốc tế học: 28,75 điểm; Quản trị Văn phòng: 28.5 điểm; Ngành báo chí là 28,5 điểm; Ngành Khoa học Quản lý: 28,5 điểm.

Mức điểm chuẩn năm nay khá cao, nhiều thí sinh cảm thấy sốc. Ảnh: NEU

Mức điểm chuẩn năm nay khá cao, nhiều thí sinh cảm thấy sốc. Ảnh: NEU

Đại học Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có mức điểm chuẩn gây sốc cho nhiều thí sinh và phụ huynh khi 36,08/40 điểm mới có thể trúng tuyển ngành sư phạm tiếng Trung. Đây cũng là ngành có mức điểm chuẩn cao nhất của trường.

Các ngành khác của trường cũng có mức điểm khá cao, cụ thể như sau: Sư phạm tiếng Anh: 35,83; Ngôn ngữ Anh: 34,6; Sư phạm tiếng Nhật: 35,66; Ngôn ngữ Nhật: 34,37; Sư phạm tiếng Hàn Quốc: 35,87; Ngôn ngữ tiếng Hàn Quốc: 34,68; SP tiếng Đức: 31,85; Ngôn ngữ Đức: 32,28; Ngôn ngữ Pháp: 32.54. Ngành có mức điểm chuẩn thấp nhất là: Ngôn ngữ tiếng Ả Rập: 25,77.

Khoa Y-Dược của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay cũng có mức điểm chuẩn rất cao từ trước tới nay. Y khoa: 28,35; Dược học: 26,7; Răng-Hàm-Mặt: 27.02; Điều dưỡng: 24; Kỹ thuật xét nghiệm y học: 25,55; Kỹ thuật hình ảnh Y học: 25,15.

GS Nguyễn Hữu Tú (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội) cho biết, điểm trúng tuyển vào ngành Y Đa khoa là gần 29 điểm và đây cũng là ngành có điểm trúng tuyển cao nhất. Điểm trúng tuyển vào trường ĐH Y Hà Nội năm nay cao nhất so với lịch sử tuyển sinh của nhà trường, thậm chí còn cao hơn cả năm 2017. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được đánh giá là rất cao.

Ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là Báo chí, khối C00 lấy 27,5 điểm. Nếu thí sinh đạt mỗi môn 9 điểm, không có điểm cộng ưu tiên vẫn sẽ trượt ngành này. Ngành Truyền thông đa phương tiện có mức điểm trúng tuyển cao thứ 2 với 27 điểm khối D01, môn tiếng Anh không nhân hệ số.

Nhóm ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính là một trong các ngành thu hút thí sinh mạnh nhất. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn các mã ngành đều tăng vọt, nhiều ngành điểm ở mức 28 – 29 điểm (tính theo thang điểm 30). Mã ngành cao nhất là 29,04 điểm, Khoa học máy tính. Những ngành có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên, theo phương thức dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT gồm: kỹ thuật máy tính 28,65 (25,63); khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến 28,65 (25,28); Công nghệ thông tin, Global ICT 28,38 (25,14); tự động hóa 28,16 (24,41).

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh ngành khoa học máy tính có điểm chuẩn cao nhất là 28 điểm. Kế tiếp là ngành kỹ thuật ôtô 27,5 điểm. Những ngành "hot" của trường tiếp tục có điểm chuẩn khá cao: Kỹ thuật máy tính; Kỹ thuật hệ thống công nghiệp; Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Khoa học máy tính (chất lượng cao) 27,25 điểm; Kỹ thuật cơ điện tử 27 điểm.

Sẽ khó cho mùa tuyển sinh năm sau?

Lý giải về mức điểm tuyệt đối của ngành Hàn Quốc học, GS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Ngành Hàn Quốc học năm nay có 50 chỉ tiêu, thì có tới 30 thí sinh tuyển thẳng vào trường. Nên mức điểm chuẩn vào trường mới cao như vậy.

GS Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết thêm: “Trong 31 chương trình đào tạo của trường, ngành Hàn Quốc học có độ hấp dẫn về việc làm, lập nghiệp thuộc loại hàng đầu. Chưa kể, sinh viên ngành này từ năm thứ ba đi kiến tập lương trung bình khoảng 7-10 triệu đồng/tháng. Đến năm thứ 4 sinh viên đã thường được ký hợp đồng với một công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc với mức lương hơn 10 triệu đồng/ tháng. Cơ hội để sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm thư ký, quản trị, quản lý cho tập đoàn, làm việc trong các cơ quan bộ ngành ngoại giao là khá cao”.

GS Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, mức điểm chuẩn cao như vậy cũng không nằm ngoài dự đoán của các trường. Vì mỗi ngày học ở trường top đầu tăng trung bình từ 1 - 3 điểm.

Một chuyên gia tuyển sinh cho rằng, điểm chuẩn năm nay cao cũng bởi mục đích của kỳ thi năm nay khác với những năm trước. Nếu những kỳ thi năm trước là kỳ thi đáp ứng 2 mục đích (xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng) thì kỳ thi năm nay đặt vấn đề xét tốt nghiệp THPT lên đầu tiên. Điều này khiến cho vấn đề tuyển sinh trở nên khó khăn.

“Chỉ tiêu dành cho xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm do các trường tăng chỉ tiêu xét theo phương thức khác. Điều này cũng đẩy điểm các trường lên cao vọt. Nhưng sẽ là khó cho mùa tuyển sinh năm sau khi mức điểm “gây sốc” này là căn cứ để thí sinh chọn ngành, chọn trường”, chuyên gia này phân tích.

Lê Vân/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/9-diem-moi-mon-van-truot-nhieu-thi-sinh-choang-voi-diem-chuan-dai-hoc-20201005185652023.htm