9 giải pháp trọng tâm thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết có 5 tồn tại, hạn chế trong thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới những năm qua.

 Hoạt động giáo dục giới tính, bình đẳng giới tại trường học. Ảnh minh họa

Hoạt động giáo dục giới tính, bình đẳng giới tại trường học. Ảnh minh họa

Đánh giá những kết quả chung trong thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong năm 2023, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội chú trọng việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm.

Công tác truyền thông về bình đẳng giới tiếp tục được tăng cường với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới. Đồng thời có sự phối hợp tương đối nhịp nhàng giữa các cấp, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từng bước phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ đối tượng...

Ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Đã có 55% chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, có 25% chỉ tiêu đạt một phần và tiệm cận so với mục tiêu đề ra, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, báo cáo trước Quốc hội

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, báo cáo trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu ra 5 tồn tại, hạn chế trong thực hiện chiến lược thời gian qua, như: Bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp vẫn còn hạn chế về số lượng, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bình đẳng giới; Nguồn kinh phí thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương cho công tác này còn hạn chế;

Đặc biệt, có 4 chỉ tiêu còn khoảng cách khá lớn và có kết quả thực hiện giảm nhẹ so với năm 2022; Công tác thống kê, thông tin, báo cáo về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn gặp một số khó khăn do thiếu các công cụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thông tin về giới ở nhiều lĩnh vực còn thiếu và chưa đồng bộ; Một số cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa chủ động xác định vấn đề giới, trách nhiệm giới, nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các dự thảo văn bản.

Để thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu của mục tiêu chiến lược quốc ga về bình đẳng giới, ông Đào Ngọc Dung nêu ra 9 giải pháp trong thời gian tới, cụ thể:

Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp, chú trọng bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới, tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bình đẳng giới (sửa đổi); phối hợp xây dựng, hoàn thiện Luật Chuyển đổi giới tính để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; lồng ghép giới trong tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hiệu quả.

Đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các chỉ tiêu còn đạt kết quả thấp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình, đề án về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Sơ kết, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược vào năm 2025; rà soát, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung đối với các mục tiêu, chỉ tiêu không còn phù hợp. Kịp thời nhận diện các vấn đề giới mới nổi để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Toàn cảnh nghị trường Quốc hội

Toàn cảnh nghị trường Quốc hội

Xây dựng, lồng ghép Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia trong Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia. Tăng cường hợp tác, cung cấp và chia sẻ dữ liệu thống kê giới, tổ chức khảo sát, nghiên cứu để có các số liệu phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về bình đẳng giới.

Tiếp tục thực hiện công tác hợp tác, hội nhập quốc tế về bình đẳng giới; thực hiện tốt vai trò Thành viên Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025-2027.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/9-giai-phap-trong-tam-thuc-hien-muc-tieu-chien-luoc-quoc-gia-ve-binh-dang-gioi-20210324093955459.htm