9 năm cha bồng 2 con đến trường

5 giờ sáng, ông Sơn và bà Nhung trở dậy, nấu cơm, cho 2 con ăn, rồi bồng vác cả 2 lên xe máy để chở đến trường. Hai đứa trẻ đều bị bại liệt. Nhưng suốt hơn 9 năm qua, từ khi con còn nhỏ, đến giờ con đã lớn hơn cha, vác con đã run run loạng choạng... người cha ấy, vẫn là bờ vai, là đôi chân, cùng con đi học dù mưa hay nắng.

Người mềm nhũn nên không phải ai to khỏe cũng bế được 2 chị em, mà bố em phải bồng vác thế này

Chỗ ngồi đặc biệt

Lớp 8B, trường THCS Dũng Hợp (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) có một học sinh đặc biệt ngồi ở cuối lớp. Tại đó, có chiếc bàn ở ngay cửa ra vào, chỗ ngồi được chế thêm 2 thanh sắt cố định 2 bên, để đỡ cậu học sinh lọt vào đó. Dáng ngồi xiêu vẹo, nhưng gương mặt ngẩng cao, hướng lên bảng chăm chú nghe giảng và ghi bài đầy đủ. Đôi bàn tay, cũng là bộ phận duy nhất của cơ thể mềm nhũn mà em có thể tự điều khiển được, để dùng sức cầm bút và viết… Đó là em Nguyễn Văn Sáng.

Em không thể tự đi lại, đứng ngồi như các bạn khác. Cơ thể yếu ớt, mềm nhũn, nhưng trí tuệ, nhận thức của em lại phát triển bình thường. “Lực học của em rất khá, không những thế, em luôn lạc quan, tự tin, hòa đồng với bạn bè, và chăm chỉ đến lớp. Hầu như không vắng buổi nào”, các giáo viên nói về Sáng.

Buổi trưa, giờ tan lớp, một chiếc xe máy được đặc cách chạy thẳng vào sân trường, đến ngay cửa lớp học. Ông Nguyễn Văn Sơn, là bố của Sáng, xốc nách 2 bên rồi vác con trên vai, đặt vào xe. Chiếc xe máy cũ cũng được chế thêm một cái ghế ở phía trước để Sáng ngồi, tỳ tay lên phía trước xe. Bố em ngồi sau, vừa lái xe, vừa giữ thăng bằng cho cả 2 cha con.

Cũng vì có học sinh đặc biệt Nguyễn Văn Sáng, nên mấy năm qua, nhà trường không đổi vị trí của lớp học này, để bố em thuận tiện trong việc đưa đón và vác con đặt vào chỗ ngồi. Thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường THCS Dũng Hợp cho biết: “Ngày nào ông Sơn cũng chở con đi học như thế. Vất vả đến đâu, mưa hay nắng ông cũng không để con phải nghỉ học, đến lớp đúng giờ. Không chỉ riêng Sáng, trước em còn có một chị gái, cũng bị bại liệt tương tự. Năm học trước, chị gái của Sáng đã tốt nghiệp THCS rồi. Điều làm nên kỳ tích của 2 em học sinh ấy, còn là ở cả người cha này nữa”.

Em thương bố lắm!

Em Sương tạm gác giấc mơ đi học 1 năm để đợi em trai

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Sơn nằm tận cuối con đường liên thôn ngoằn ngoèo, đôi đoạn được đổ bê tông, còn lại là đường đất, đầy ổ gà. Chạy theo chiếc xe máy cà tàng ông chở Sáng về nhà, mỗi lúc đến đoạn xóc, cậu bé lại oặt người sang một bên. Nhưng khi xuống xe, em vẫn cười, lắc đầu: Không mỏi gì hết.

Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ có 3 gian. Phía trong kê một bộ bàn ghế gỗ, cạnh đó là một cái chiếu được trải ra giữa nhà. Nguyễn Thị Sương (SN 2001) – chị gái của Sáng đang nửa ngồi, nửa nằm, tay chống cằm xem tivi chiếu một bộ phim dài tập.

Đó là một gương mặt trắng trẻo, xinh xắn, nụ cười tươi. Em nói: “Nghỉ học ở nhà, em không biết làm gì, mà cũng không làm được gì. Em xem tivi, nhưng chỉ xem một vài chương trình yêu thích, sau đó thì tắt, vì xem nhiều tốn tiền điện”. Bố mẹ đang vất vả, nên em cũng không có smartphone để vào mạng Internet đọc thông tin. Cuộc sống của em từ ngày nghỉ học đến giờ chỉ diễn ra trên chiếc chiếu trải giữa nhà này. Các sinh hoạt cá nhân khác, vẫn là mẹ hoặc bố bồng đi tắm, rửa, vệ sinh.

Mãi đến năm 8 tuổi, Sương mới đi học lớp 1, phần vì sức khỏe yếu ớt, phần vì bố mẹ e ngại không biết em có theo kịp chương trình học hay không. Nhưng con gái nhìn các bạn được đi học, đòi đến trường, nên bố mẹ chiều lòng. Không ngờ, Sương học tốt và còn nằm trong tốp đầu của lớp. Đều đặn qua từng năm, cô bé đạt kết quả tiên tiến và lên lớp trong sự nể phục của bạn bè và yêu thương quan tâm của thầy cô giáo.

Cả 2 chị em đều học khá và thích nhất là học Toán và các môn khoa học tự nhiên. Lý do vì “các môn này phải viết ít hơn môn Văn. Môn Văn và môn xã hội khác phải ghi nhiều, em ghi không kịp”, Sáng trả lời cho cả chị gái.

Nhưng học xong lớp 9, thì Sương phải ở nhà. Hai trường THPT trong huyện gần nhất là Trường THPT Lê Lợi và THPT Tân Kỳ 1 đều cách nhà em 14 - 17km. Bố em không thể nào chở cả 2 chị em đi học 2 trường cách xa nhau như thế. Ông Sơn tâm sự: Không phải ai khỏe mạnh cũng bồng bế được 2 cháu, mà phải biết cách, phải quen. Người chúng nó mềm, thõng xuống, không thể bám vào người khác, chỉ còn cách vác trên vai. Vì vậy, cũng không thể nhờ ai đưa đón đi học hộ. Chỉ còn cách chờ Sáng học xong THCS, cả 2 chị em lại cùng vào học 1 trường THPT, thì bố sẽ cố gắng chở đi…

Quanh quẩn trong nhà, Sương mong muốn nhất là được đi học trở lại, nếu bố vẫn chở được cả 2 chị em. “Nhưng bố ngày càng già hơn. Có lần, trời mưa, đường trơn trượt, lầy nhão, bố chở 2 chị em về thì bị bổ, cả 3 ngã ra đường. Quần áo bẩn hết. Bố dựng xe dậy, rồi lại bồng lần lượt 2 chị em lên xe, chở về nhà. Lúc ấy em thấy thương bố lắm”, cô bé kể!

Người cha tự trọng

“Ngày mới sinh ra, cả 2 đứa đều bụ bẫm, hoạt bát lắm. Cũng biết lẫy, biết bò, rồi tập đứng và lẫm chẫm bước đi. Nhưng đến tầm 1 tuổi là đi bị ngã, rồi người mềm như bún, nằm xuống không tự ngồi dậy được. Hai vợ chồng chạy vạy khắp nơi, ai chỉ ở đâu có thầy nào giỏi, thuốc nào hay lại khăn gói đem con đi. Đến giờ, có lẽ không có bệnh viện nào mà vợ chồng tôi chưa đến. Sau đó, mẫu máu được gửi sang Mỹ kiểm tra và kết luận hai cháu bị bệnh “thoái hóa cơ tủy”, là bệnh hiếm gặp, không thể chữa được”, bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1966) ứa nước mắt khi nói về hai con.

Ông Sơn có tất cả 6 người con. Bốn người con đầu mạnh khỏe, bình thường đã đi làm trong miền Nam, nhưng 2 con út là Sương và Sáng lại bị bệnh. Hiện vợ chồng ông Sơn ngoài chăm sóc 2 con tàn tật, còn phải nuôi người em trai út là Nguyễn Văn Hoàng (53 tuổi), bị thiểu năng trí tuệ. Gánh nặng cuộc sống đè nặng lên vai vợ chồng nông dân ở vùng bán sơn địa này. Thế nhưng, vợ chồng ông nhất quyết không nhận chế độ hộ nghèo.

Thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường THCS Dũng Hợp cho hay: “Không chỉ riêng năm học này, mà những năm trước khi em Sương còn đang đi học, nhà trường đã nhiều lần nói với bác là làm chế độ hộ nghèo. Bởi theo quy định của nhà nước đối với học sinh tàn tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nếu thuộc diện gia đình hộ nghèo thì vẫn được nhận cả 2 chế độ. Theo đó, mỗi tháng mỗi em sẽ được thêm 1 tháng lương cơ bản, tức là khoảng 1,4 triệu đồng. Thế nhưng lần nào bác ấy cũng kiên quyết từ chối. Đó là một người cha không chỉ thương con, chịu khó vì con, mà còn rất tự trọng”!

Hỏi về điều này, ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: “Tôi thấy vợ chồng tôi vẫn đang còn sức khỏe, còn làm việc được, gia đình tôi không nghèo, thì hãy để chế độ hộ nghèo đó cho gia đình nào thực sự cần hơn”.

Ông Sơn mở một quán xay xát gạo, làm 2 mẫu ruộng và thêm mấy sào mía. Ngoài ra ông còn chăn nuôi gà, lợn, trâu… Hàng ngày, sau khi đưa con đi học, ông vội quay về, xắn tay vào cuốc đất, tưới rau. “Thỉnh thoảng trại giam số 3 (Trại giam số 3, Bộ Công an đóng trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ - PV) gọi tôi đi chở lợn, gà vào bán cho trại thì tôi đi. Hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng quanh năm như vậy, kinh tế không đến nỗi quá thiếu thốn”, ông nói.

Trước kia, ông đi bộ đội, sau khi xuất ngũ trở về thì có tham gia vào làm chủ nhiệm hợp tác xã của xã. Sau đó ông nghỉ hưu, suốt 20 năm liền được bầu làm bí thư chi bộ xóm. Mấy năm nay, thì ông xin nghỉ, vì không thể đủ thời gian, đủ sức vừa lo việc gia đình, vừa lo việc xóm nữa.

Điều lo nhất là vợ chồng ngày nhiều tuổi. Giờ còn có tý sức, sau này già yếu đi, thì lấy ai chăm sóc hai đứa. Cũng có lúc ông nghĩ đến việc gửi 1 đứa đến trung tâm bảo trợ xã hội hay trường học dành cho trẻ khuyết tật. Nhưng những nơi đó cũng lắc đầu từ chối, vì họ chỉ có thể nhận những người có khả năng tự sinh hoạt...

Muốn tự lập để giúp bố mẹ

Có lẽ nhân cách, tấm lòng của một người cha tự trọng, một người mẹ nông dân chăm chỉ, thật thà, giàu tình yêu thương đã ảnh hưởng đến tâm hồn của 2 đứa trẻ. Điều dễ nhận thấy ở cả 2 chị em Sáng và Sương một tinh thần lạc quan, tự tin, không oán trách số phận. Các em chẳng đòi hỏi gì hơn cho bản thân mình ngoài việc đi học và giúp đỡ bố mẹ. Chỉ có một mong muốn nhỏ khác, mà thỉnh thoảng 2 chị em mới nhắc, đó là được đi dép. Vì chân không đứng vững được, lần nào giày dép mua về rồi cũng vứt trong gầm giường, lâu rồi chẳng có nữa…

“Đôi khi em thấy buồn, muốn được đi lại như các bạn. Nhưng mình sinh ra như thế thì phải phải chấp nhận thôi, bi quan, chán nản cũng không thay đổi được gì cả. Em cũng muốn sau này tự lập, làm được việc gì đó để đỡ đần bố mẹ”, Sương tâm sự. Cô bé cũng đã nghĩ đến việc thêu tranh để bán, nhưng sợ làm không nhanh bằng người khác. Còn bố mẹ dự định sau này mở cho em một cửa hàng tạp hóa nhỏ, để em ngồi bán quán.

Nguyễn Văn Sáng thì ước mơ được làm tiến sỹ Toán học, và sau này làm công nghệ thông tin. “Vì em thấy nghề đó phù hợp với người như em. Để thực hiện được điều đó thì em phải cố gắng học tốt hơn nữa, trên lớp nghe lời thầy cô giảng, ghi bài đầy đủ, về nhà làm thêm các bài tập”, cậu bé nói rành rọt.

Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/9-nam-cha-bong-2-con-den-truong-3956784-b.html